'Nghệ thuật lắng nghe chỉ trích' giúp Jeff Bezos kiềm chế cảm xúc và gặt hái thành công |
Viết bởi Mai Ngọc |
Thứ tư, 10/10/2018, 12:10 GMT+7 |
Đúng như lời của tỷ phú Jeff Bezos, chẳng ai muốn nhận những lời phê bình hay khiển trách, thế nhưng thay vì trốn tránh hay bực bội, người thông minh sẽ chọn cách chấp nhận và biến chúng thành động lực, cảm hứng cho mình. Là người sáng lập và giám đốc điều hành của gã khổng lồ công nghệ Amazon, Jeff Bezos đã quen với việc lắng nghe nhiều ý kiến trái chiều. Theo ông, đó cũng là một phần hữu ích trong quá trình trở thành nhà lãnh đạo, nhất là khi chúng ta bắt tay vào làm việc gì đó mởi mẻ hay khác lạ đối với số đông. Công ty thương mại điện tử Amazon mới công bố gần đây rằng họ sẽ tăng mức lương tối thiểu của tất cả nhân viên lên $15, quyết định này bắt đầu có hiệu lực vào tháng tới. Đối với một số người, đó là hành động khích lệ tinh thần làm việc và cống hiến của nhân viên, trong khi một số người khác lại coi đó lại là sự nhượng bộ để tránh khỏi chỉ trích. Dưới đây là 3 lời khuyên trong việc lắng nghe lời phê bình của vị tỷ phú giàu nhất hành tinh mà bất cứ ai đang trong quá trình phát triển bản thân cần học hỏi. 1. Trung thành với khuôn khổ, nguyên tắc của bản thân Để đối phó với những quan điểm trái chiều, Bezos cho biết điều quan trọng nhất là cần đặt ra khuôn khổ của riêng mình và trung thành với nó. Đối với ông, điều đó có nghĩa là lắng nghe những chỉ trích, tự suy ngẫm xem liệu chúng có đúng hay ít nhất là có một phần nào đó đúng đắn hay không, sau đó thay đổi khi cần thiết. Jeff Bezos chia sẻ: "Chẳng có ai muốn nhận những lời chê bai hay phê bình, nhưng hãy học cách chấp nhận chúng, ít ra bạn có thể coi đó là nguồn động lực hoặc niềm cảm hứng cho mình. Nếu nhận thấy những nhận xét đó hợp lý, bạn nên thay đổi, nhưng nếu chúng không phù hợp với những nguyên tắc bạn tự đặt ra thì không có điều gì trên đời này có thể làm bạn lung lay". 2. Biết lắng nghe Lắng nghe ý kiến là một trong những nguyên tắc bắt buộc từ những ngày Amazon mới chập chững trên thương trường vào năm 1995, khi mà "người ta không chú ý hay quan tâm đến sự tồn tại của chúng tôi", Bezos giải thích. Khi hiệu sách trực tuyến vừa mới bắt đầu quá trình thử nghiệm với đánh giá của khách hàng thì Jeff Bezos nhận được một lá thư của nhà xuất bản sách, nói rằng Amazon đã có những hiểu nhầm về thị trường bán lẻ: Hiển thị đánh giá tiêu cực của khách hàng chắc chắn sẽ dẫn đến giảm doanh thu. Bezos đã vô cùng trăn trở về lời khuyên này, nhưng cuối cùng ông đã quả quyết rằng nhà xuất bản đã hiểu lầm mục tiêu của Amazon. Bezos chia sẻ: "Tôi đã nghĩ ‘Không, họ nhầm rồi’. Chúng tôi không kiếm tiền khi bán hàng, mà kiếm tiền khi chúng tôi giúp mọi người đưa ra quyết định mua hàng". 3. Chắt lọc những ý kiến mang tính xây dựng Hiện tại, khi đã là người đứng đầu công ty nghìn tỷ đô, Jeff Bezos cho biết ông vẫn tiếp tục áp dụng khuôn khổ đó. Khi phải đối mặt với những lời chỉ trích nặng nề về mức lương trả cho nhân viên, vị giám đốc công nghệ cho biết ông đã lắng nghe và nhận ra đó không chỉ đơn giản là cuộc tấn công vào Amazon, mà là lời kêu gọi công ty đã đến lúc bắt đầu tạo nên sự thay đổi trong ngành công nghiệp rộng lớn hơn. Là người giàu nhất thế giới với khối tài sản sở hữu lên đến hàng trăm tỉ đô, Bezos đã trở thành mục tiêu trong các cuộc tranh luận về sự chênh lệch thu nhập giữa các giám đốc điều hành hàng đầu trong công ty và nhân viên của họ. Jeff Bezos cùng Amazon đã tiếp thu tất cả những ý kiến phê phán đó và đưa ra quyết định cuối cùng, tăng tối thiểu $15 mỗi tháng cho nhân viên. Những lời phê bình không bao giờ dễ nghe, nhưng chúng lại rất có ích cho việc cải thiện cách làm việc và vận hành của bạn. Học cách tiếp thu những ý kiến đóng góp mang tính xây dựng từ người khác sẽ giúp bạn có cơ hội phát triển trong sự nghiệp bởi giá trị của chúng có tính hiệu quả rất cao. Theo Nguyễn Linh (Trí thức trẻ/CNBC.com)/CafeF.vn - 10/10/2018 Link nguồn: http://cafef.vn/nghe-thuat-lang-nghe-chi-trich-giup-jeff-bezos-kiem-che-cam-xuc-va-gat-hai-thanh-cong-nguoi-tre-can-biet-nguoi-truong-thanh-nen-hoc-hoi-20181009120005781.chn Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|