Hãy ngừng ảo tưởng và làm khổ chính mình |
Viết bởi An An |
Thứ năm, 22/12/2016, 16:01 GMT+7 |
Thế giới có 7,2 tỷ người và chỉ có 1.000 người là có ảnh hưởng lớn trên toàn cầu. Vì vậy, 7.199.999.000 người còn lại sống một cuộc sống bình thường với những kỹ năng có hạn. Nếu bạn là người mê truyện tranh cũng như điện ảnh, chắc bạn chẳng xa lạ gì với nhân vật Người dơi (Batman) hay một tính danh khác của anh ta là tỷ phú Bruce Wayne. Nhân vật này đẹp trai, giàu có, tài năng và có địa vị. Nói chung, Bruce Wayne sở hữu hầu hết những đặc điểm mà mọi người đều mơ ước trong hiện thực. Anh ta không chỉ giỏi về thể thao, công nghệ mà còn quen biết rất nhiều người vai vế trong xã hội thượng lưu. Cậu ấy cũng thường ra đường với những chiếc xe thể thao sáng bóng, mặc những bộ đồ hàng hiệu và bị vây quanh bởi cả dàn chân dài. Không những vậy, Bruce Wayne còn có tài thu hút và thuyết phục với cả nam lẫn nữ. Anh mặc dù giàu nhưng không kiêu ngạo, luôn tìm kiếm công lý cũng như giúp đỡ những kẻ yếu. Tóm lại, Người Dơi là một người hùng mà mọi đàn ông đều mơ tới, ngoại trừ việc ANH TA KHÔNG CÓ THẬT. Hãy nhớ con số 7.199.999.000 Từ thời xa xưa, con người đã có những huyền thoại về các anh hùng một mình đấu lại cả đội quân và giờ đây xã hội tràn lan những câu chuyện tưởng tượng về Siêu nhân (Superman), Người nhện (Spiderman), Người sắt (Ironman)... Thực tế hơn một chút nữa là những câu chuyện truyền cảm hứng của các doanh nhân thành đạt, những giáo sư, diễn giả về sự thành công, về sự đặc biệt... Điều đáng buồn cười là chúng ta đều tin, hoặc muốn tin vào tất cả những lời khuyên đó. Hãy tưởng tượng thế giới có 7,2 tỷ người và chỉ có 1.000 người là có ảnh hưởng lớn trên toàn cầu. Vì vậy, 7.199.999.000 người còn lại sống một cuộc sống bình thường với những kỹ năng có hạn. Nói cách khác, 7.199.999.000 con người này sẽ sống một cuộc sống không nổi tiếng lắm, hoặc thậm chí chả có tiếng tăm gì cho đến lúc lìa đời. Đây là một thông tin không mấy vui vẻ gì nhưng đó lại là sự thực. Đúng là chúng ta nên cố gắng hết sức mình và nếu không ước mơ cũng như dám làm thì sẽ chẳng có thành công nào đến. Dẫu vậy, có một sự thật rằng đôi khi chúng ta thu được kết quả không cao như mong đợi không phải vì chúng ta chưa cố gắng hết sức mà do năng lực thật sự có hạn. Hầu hết chúng ta là những người “tầm thường” Cuộc sống khá công bằng khi mỗi người sinh ra đều có ưu nhược điểm riêng. Một số người giỏi thể thao từ bé, có người thì lại giỏi tính toán, người khác thì lại giỏi về nghệ thuật. Tất nhiên cuộc sống của chúng ta còn phụ thuộc rất lớn vào cố gắng và những tác động bên ngoài nhưng chúng ta không thể phủ nhận rằng mỗi người sinh ra đã có ưu thế nhất định về một mặt nào đó. Tuy nhiên, thành quả đạt được là khá khác nhau. Bởi thời gian và công sức của con người là có hạn nên họ chỉ có thể giỏi ở một số lĩnh vực nhất định, hoặc thậm chí là chỉ ở mức bình quân ở tất cả mọi mặt. Đây là yếu tố tự nhiên trong xã hội. Một số người có tài năng, được đầu tư công sức lớn và trở thành top 20% người giỏi nhất trong lĩnh vực nào đó. Khoảng 20% còn lại không có tài năng và không có thời gian cho lĩnh vực sẽ ở mức 20% cuối bảng. Trong khi đó, phần lớn chúng ta nằm trong số 60% những người ở mức bình quân. Hãy lấy Cristiano Ronaldo (CR7) làm ví dụ, đây là cầu thủ tài năng nhất thế giới hiện nay và chắc chắn cậu ấy thuộc top 20% những người giỏi nhất trong bóng đá. Còn chúng ta, hầu hết nằm trong vùng 60% bình quân nếu biết đá bóng và thuộc 20% cuối bảng nếu không thể hoặc chơi bóng rất tệ. Tuy nhiên, nếu bảo Ronaldo thi hát, làm kinh doanh, làm bác sĩ... thì cậu ấy lại thuộc 60% những người bình thường hoặc thậm chí là 20% dở tệ trong khi chính những người chơi bóng đá kém có khi lại là doanh nhân, bác sĩ hay ca sĩ giỏi. Rõ ràng, chúng ta là những người “tầm thường” khi không thể xuất sắc ở mọi lĩnh vực. Những người toàn tài như Bruce Wayne chỉ có ở trong truyện tranh. Mặc dù vậy, nếu là người bình thường thì có làm sao? Chẳng lẽ trên thế giới này ngoài thành công thì chỉ có thất bại? Facebook đang lừa chúng ta như thế nào Cuộc sống hiện đại ngày nay khiến mọi người chúng ta luôn cố gắng làm những điều mà mình không thực sự có năng khiếu, hoặc không thuộc top những người giỏi nhất. Bạn là một nhân viên văn phòng và sếp bắt bạn làm rất nhiều những thể loại việc khác nhau. Đương nhiên, để chiều lòng sếp và được đánh giá cao, bạn luôn nỗ lực trong mọi việc, luôn cố gắng trở thành người giỏi nhất hoặc ít ra được đánh giá là có “tài”. Dẫu vậy, nhiều lúc bạn cảm thấy áp lực hoặc mệt mỏi bởi kết quả công việc không như ý hoặc không bằng những người khác. Bạn cảm thấy xấu hổ khi bị đem ra so sánh với bạn bè, đồng nghiệp. Tuy nhiên, bạn không phải buồn bởi đây là điều vô cùng bình thường. Như đã nói ở trên, phần lớn chúng ta là những người “tầm thường”. Có người nhỉnh hơn ở một số lĩnh vực này và yếu ở một số lĩnh vực khác nhưng dù thế nào, khả năng chúng ta lọt vào top 1.000 người có ảnh hưởng nhất thế giới là không cao. Vì vậy, chẳng có gì đáng phải buồn rầu bởi tài năng con người từ khi sinh ra đã có ưu nhược riêng và việc trở nên thực sự giỏi trong 1 lĩnh vực cần nhiều thời gian cũng như công sức. Bạn có thể tiếp tục chơi bóng dù không thể trở thành Ronaldo, có thể tiếp tục đầu tư dù không phải là Warren Buffett, tiếp tục khởi nghiệp dù không phải Mark Zuckerberg, tiếp tục ca hát dù chưa chắc đã thành Celine Dion... Bạn có nhất thiết phải trở thành "Siêu nhân" trong mọi việc? Việc không đạt được thành quả như ý muốn không có gì đáng phải buồn, không đáng phải than thân trách phận bởi điều đó hoàn toàn bình thường. Trên thực tế, 60% số người trên toàn cầu hiện nay cũng giống như bạn, cũng có khó khăn riêng. Thậm chí, ngay cả những người nổi tiếng như Donald Trump hay Warren Buffett cũng phải ăn ngủ bình thường như chúng ta, cũng gặp khó khăn trong cuộc sống. Hay như nhà sáng lập tài năng Steve Jobs có giỏi đến mấy cũng chẳng thể qua khỏi được bệnh ung thu và ra đi. Vậy tại sao chúng ta phải buồn, phải stress, phải ghen tỵ? Xã hội ngày này đang bị chi phối bởi tư tưởng hoặc thành công hoặc thất bại. Hàng loạt những diễn giả cổ vũ chúng ta cố gắng trở thành người giỏi nhất, trở thành người thành công, thành top 20% và việc không làm được điều đó là thất bại. Tuy vậy, một thực tế phũ phàng rằng phần lớn chúng ta thuộc 80% còn lại và điều này hoàn toàn bình thường. Mạng xã hội ngày nay như Facebook, Youtube tràn ngập những clip và bài đăng về cái “nhất”, như nóng nhất, đẹp trai nhất, vui tính nhất, xinh nhất, tệ nhất... Những thông tin này gián tiếp khiến chúng ta lầm tưởng cuộc sống này chỉ có thành công hoặc thất bại mà quên mất 60% ở giữa. Hệ quả là mọi người đánh đồng 60% bình thường với 20% tệ nhất. Nhiều nhân viên văn phòng không hoàn thành tốt được mục tiêu cho rằng họ không có tài năng, cảm thấy xấu hổ với đồng nghiệp trong khi thực tế không phải vậy. Chính sự phản ánh thông tin sai lệch của giới truyền thông hiện nay khiến hàng loạt những vụ tự tử, xả súng, nói là làm trên mạng xã hội hay những trò thách đố tràn lan trong xã hội ngày nay. Tình trạng đua đòi, ganh tỵ lẫn nhau nở rộ khắp mọi nơi bởi chúng ta bị tiêm nhiễm tư tưởng tất cả mọi người đều đặc biệt và không thể lọt top 20% thì là thất bại. Truyền thông cho chúng ta thấy những mặt thái quá của cuộc sống mà bỏ qua điều tầm thường phổ biến nhất
Khi “đặc biệt” trở nên “tầm thường” Nếu bạn để ý, hầu hết các buổi diễn thuyết hay truyền thông đều tung hô quan điểm mọi người chúng ta đều xứng đáng thành công, đều đặc biệt. Mặc dù vậy, nếu tất cả đều thành công, đều đặc biệt thì chúng có gì là “đặc biệt” nữa. Trên thị trường chứng khoán, nếu tất cả nhà đầu cơ đều sinh lời thì ai sẽ là người thua lỗ cho khoản lời đó? Nếu tất cả mọi người đều là Steve Jobs hay Elon Musk thì chắc những người nổi tiếng này sẽ chẳng được biết đến tên như hiện nay. Tất nhiên, sẽ có những người cho rằng cách suy nghĩ chúng ta chỉ là những người tầm thường sẽ giết chết những ước mơ và khiến mọi người không có động lực phát triển. Trên thực tế, việc suy nghĩ quá tiêu cực và quá tích cực đều không tốt. Đúng là bạn nên có ước mơ và cố gắng để vươn lên, nhưng điều này không có nghĩa bạn nhất thiết phải là người đặc biệt, phải trên cơ ai cả. Những người nổi tiếng thường không đặt mục tiêu cao xa gì ngay từ đầu, thay vào đó, họ chỉ phấn đấu đi từng bước một và đặt mục tiêu ngắn hạn. Tất cả những gì họ làm là hoàn thành mục tiêu trước mắt, ngày ngày cố gắng cải thiện bản thân hơn một chút. Hãy ngừng Stress bởi bạn có thể không phải 20% giỏi nhất của nhân loại nhưng cũng không phải 20% tệ nhất. Bạn muốn trở thành tỷ phú như Donald Trump ư? Vậy hãy xây dựng mục tiêu đơn giản thôi, kiếm ăn hàng ngày đã. Sau đó là hàng tháng, rồi ổn định tài chính hàng quý, thiết lập danh mục đầu tư cho năm...hãy đi từng bước một. Sau 10-20 năm nhìn lại, nếu bạn chưa trở thành Donald Trump thì chẳng có gì phải buồn bởi bạn vẫn nằm trong số 60% bình thường của loài người. Trong tâm lý học, con người nên có ước mơ để cố gắng nhưng tham vọng thái quá sẽ giết chết chúng ta. Những người muốn thông minh hơn, thành công hơn, trên cơ người khác thường cảm thấy thất bại hoàn toàn khi không hoàn thành xuất sắc mục tiêu. Những người luôn muốn được nổi tiếng, được người khác yêu thương thường hay cảm thấy cô đơn trong những phút giây đời thường nhất. Những người luôn muốn trở nên mạnh mẽ, đầy quyền lực thường cảm thấy yếu đuối, bất lực khi họ không mạnh hơn người khác. Theo Thời Đại Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|