top-banner-2

Thứ hai, 05/12/2016, 10:08 GMT+7

Để công sở không trở thành 'Chiến trường không tiếng súng'

Viết bởi An An   
Thứ hai, 05/12/2016, 10:08 GMT+7

Người Việt Nam chúng ta vẫn hay thường nói: “Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ”. Bởi vì, trên hành tinh rộng lớn mênh mông này, những người xa lạ có thể giao nhau tại một điểm nào đó trên trục hoành thời gian đã là một nhân duyên kỳ lạ.

Thế nhưng, để mỗi chúng ta có thể biết trân trọng nhân duyên ấy và biến chúng trở thành những duyên lành, đặc biệt là nơi công sở thì còn tùy thuộc vào văn hóa giao tiếp, ứng xử của mỗi người. Và thành công của mỗi nhân viên một phần được quyết định bởi hành vi văn hóa ứng xử, giao tiếp, đối nhân xử thế của họ.

3-giao-tiep-cong-so

Công sở - Ngôi nhà thứ hai của giới văn phòng

Trong cuộc sống cộng đồng và xã hội, con người có thể tương tác với nhau là nhờ giao tiếp. Giao tiếp là hoạt động không thể thiếu trong cuộc đời mỗi người bằng nhiều hình thức: giao tiếp bằng ngôn ngữ lời nói, ngôn ngữ cơ thể: ánh mắt, cử chỉ; giao tiếp bằng sự im lặng và hiện nay có thêm những công cụ giao tiếp online. Dù với hình thức giao tiếp nào chăng nữa, mục đích của nó cũng là để giúp con người hiểu nhau và xích lại gần nhau hơn.

Nhất là, hiện nay, khi dân văn phòng “lấy công sở làm nhà”, thời lượng mà mỗi người đi làm và ở tại công sở là khá lớn, thì vấn đề văn hóa giao tiếp, ứng xử nơi công sở trở thành một trong những đề tài không chỉ được doanh nghiệp quan tâm mà chính bản thân mỗi người đều cần chú ý học hỏi và rèn luyện để tạo cho mình một phong cách giao tiếp chuẩn mực. Vì điều đó ảnh hưởng khá lớn đến tâm trạng và hiệu suất làm việc không chỉ của riêng bản thân mà còn tác động đến bầu không khí chung của công ty, đồng nghiệp và cấp trên. Bởi vì nếu chúng ta có mối quan hệ tốt đẹp với đồng nghiệp tại công sở thân thiết, đoàn kết, gắn bó và chia sẻ với nhau trong công việc lẫn cuộc sống thì đây chắc chắn là ngôi nhà thứ 2. Và ngược lại, khi các mối quan hệ không tốt đẹp, không có sự thấu hiểu, giúp đỡ, thậm chí ghanh ghét, đố kỵ, thủ đoạn để hại nhau thì chắc hẳn “ngôi nhà thứ 2” này sẽ trở thành “chiến trường không tiếng súng”.

Hơn nữa, ngày nay, hình thức giao tiếp giữa người với người đang có nhiều thay đổi và ngày càng hiện đại, tiện ích hơn. Bởi sự xuất hiện của các phương tiện công nghệ và các phần mềm cộng đồng xã hội như Zalo, Viber, Facebook, Instagram... là những cầu nối giúp đồng nghiệp đến với nhau nhanh hơn, chia sẻ với nhau nhiều hơn nhưng đôi khi cũng trở thành những yếu tố phá hủy mối quan hệ một cách nhanh chóng nhất.

Những nguyên tắc vàng để công sở không trở thành 'chiến trường không tiếng súng'

Để công sở không trở thành “chiến trường không tiếng súng”, trong mối quan hệ với cấp trên và đồng nghiệp, mỗi nhân viên công sở phải luôn tuân thủ một số nguyên tắc giao tiếp nhất định. Đó là tôn trọng, hòa nhã, lịch sự, khéo léo, tinh tế, thấu hiểu… Tuy nhiên, vì đặc thù đối tượng giao tiếp khác nhau, nên chúng ta cần phải chú ý những nét khác biệt trong giao tiếp, ứng xử với cấp trên và với đồng nghiệp.

Với cấp trên: tôn trọng và giữ gìn uy tín

Trong các mối quan hệ, ứng xử nơi công sở, chúng ta có thể thấy vấn đề giao tiếp với sếp là rất quan trọng. Khi sếp và nhân viên tìm thấy tiếng nói chung, có thể thấu hiểu nhau thì công việc sẽ dễ dàng và có thể gắn kết cùng nhau. Trong bất cứ tình huống nào, với mối quan hệ đặc biệt này, cấp trên như một người anh, người chị nên nhân viên luôn cần phải thực hiện nguyên tắc tôn trọng, lắng nghe và hòa nhã, khiêm cung trong lời nói. Tuy nhiên, bên cạnh đó, chúng ta luôn cần chia sẻ một cách chân tình và tôn trọng sự khác biệt của nhau. Bởi vì, mỗi người có cá tính, sở thích khác nhau, lịch sử trưởng thành và nội tâm khác nhau, phương pháp làm việc cũng sẽ khác nhau nên tôn trọng sự khác biệt là chìa khóa dẫn đến sự chấp nhận để có thể dễ dàng hiểu và thông cảm giữa sếp và nhân viên.

Bên cạnh đó, điều quan trọng nhất trong mối quan hệ giữa sếp và nhân viên vẫn là mỗi nhân viên cần thực hiện tốt công việc, giữ uy tín với sếp trong công việc là cách giao tiếp có hiệu lực nhất để tạo nên mối quan hệ tốt đẹp trên nền tảng tin tưởng.

Tuy nhiên, dù bất đồng quan điểm trong công việc là điều không ai muốn nhưng vẫn thường xuyên xảy ra. Thế nên, trong những tình huống này, mỗi nhân viên vẫn cần nhất sự bình tĩnh để thể hiện quan điểm của mình về công việc với cấp trên một cách tinh tế, khéo léo và tôn trọng.

Với đồng nghiệp: đồng cảm và chia sẻ

Bên cạnh việc giao tiếp với cấp trên, giao tiếp với đồng nghiệp cũng là đề tài quan tâm muôn thuở của tất cả những người làm việc tại công sở.

Đồng nghiệp không chỉ là đồng chí trong công việc mà còn là những người cùng chí hướng và đam mê. Và cũng chính vì vậy nên họ có nhiều tiềm năng để trở thành những tri kỷ trong cuộc đời của nhau. Bởi vậy nên mỗi nhân viên càng cần trân trọng và tôn trọng lẫn nhau để có thể có cơ hội tìm thấy những tri kỷ trong đời sống này. Để có thể có mối quan hệ tốt với đồng nghiệp, không những mỗi người chỉ cần giữ uy tín, hòa nhã, tôn trọng sự khác biệt thì trong mối quan hệ với đồng nghiệp, chúng ta cần thấu hiểu, đồng cảm, chia sẻ, giúp đỡ và tế nhị.

Nếu không có sự thấu hiểu không thể đồng cảm với nhau. Không đồng cảm thì khó có thể có sự chia sẻ và giúp đỡ. Vì vậy, cách giao tiếp dựa trên nền tảng thấu hiểu, đồng cảm và chia sẻ sẽ đem các đồng nghiệp đến gần với nhau hơn. Và chỉ khi đã đến gần nhau, mỗi đồng nghiệp mới có thể phát huy tinh thần tương trợ, giúp đỡ nhau vượt qua những khó khăn cả trong công việc và cuộc sống. Đó chính là tinh thần đẹp của những đồng nghiệp trong thời đại văn minh.

4-giao-tiep-cong-so

Hơn nữa, giao tiếp tế nhị cũng giúp hạn chế những “nỗi buồn” không cố ý giữa các đồng nghiệp. Tế nhị thể hiện qua việc tránh tán gẫu nơi công sở trong khi mọi người đang tập trung làm việc, gây mất tập trung và thiếu tôn trọng lẫn nhau; không nói xấu đồng nghiệp mà nên thẳng thắng góp ý một cách khéo léo vì nói xấu sẽ dễ dẫn đến chia bè, kết phái và mất lòng nhau; không khoe khoang tiền lương, thưởng và sự ưu ái của sếp với riêng bản thân mình vì điều đó dễ khiến bạn trở nên bị cô lập nơi công sở…

Và không thể quên giao tiếp với chính mình

Một điểm quan trọng mà mỗi người thường xuyên bỏ qua hoặc xem nhẹ, đó chính là việc giao tiếp với chính bản thân mình.

Người xưa vẫn thường nói: “Hiều người hiểu ta, trăm trận trăm thắng”. Nhưng chúng ta chỉ thường hiểu người, thường trăn trở về những mối quan hệ xung quanh mà đôi khi đã bỏ quên việc “hiểu về trái tim” của chính mình. Đặc biệt hơn nữa, chỉ khi mình hiểu được mình, nhìn vào và thấy được nội tâm của mình một cách tường minh và sâu sắc thì mới có thể hiểu người một cách minh triết. Và cũng chỉ khi thành công trong giao tiếp với chính nội tâm của mình, chúng ta mới có thể có cái nhìn nhân hậu với tha nhân và an nhiên với cuộc đời. Khi ấy, ta mới thấu hiểu, đồng cảm, chia sẻ với đồng nghiệp. Vậy làm thế nào để hiểu được chính mình?

Mỗi người nên có những cuộc trò chuyện với chính nội tâm của mình về những điều đã diễn ra hằng ngày để nhận diện đúng sai, trái phải nhằm sửa chữa bản thân và hướng đến chân thiện mỹ. Đặc biệt, việc giao tiếp với chính mình cần nhất sự hiểu biết về đặc điểm tâm sinh lý của bản thân để có thể hiểu nội tâm mình. Đồng thời, giao tiếp với bản thân cũng thể hiện qua việc mỗi nhân viên chú ý đến cách ăn mặc cần chỉn chu, lịch sự tạo sự ưa nhìn, suy nghĩ tích cực lạc quan để tạo phong thái thoải mái, vui vẻ và hòa đồng với mọi người.

Tóm lại, phong cách thời trang lịch sự, gương mặt vui vẻ, hòa nhã và khéo léo với đồng nghiệp, hiểu mình, hiểu người thì giao tiếp với nhau sẽ thuận lợi giúp mỗi nhân viên dễ dàng tiến đến gần hơn với thành công.

Hòa Ka

Chuyên đề Văn hóa Doanh nhân tháng 11


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Để công sở không trở thành 'Chiến trường không tiếng súng'

 

kndn1

bhql2024

hoa-moc-thien-2

tieng-hat-viet-toan-cau-2

hoa-moc-thien

dai-lam-moc