top-banner-2

Thứ tư, 08/06/2016, 14:08 GMT+7

Làm từ thiện để làm Người!

Viết bởi An An   
Thứ tư, 08/06/2016, 14:08 GMT+7

Chúng ta lớn lên ai cũng được dạy về sự sẻ chia để thành người tốt. Và như thế, tôi ngắn gọn, làm từ thiện đúng nghĩa, là để làm Người.

1-lam-tu-thien-de-lam-nguoi-van-hoa-doanh-nhan

Một em bé Mông ở Vân Hồ, Sơn La - 2010. Ảnh: Na Sơn

Tôi vừa post lên Facebook một status khá gay gắt về quan điểm của vị tiến sĩ trong chương trình "60 phút mở" trên VTV chủ đề "Làm từ thiện vì ai?".

Bình thường tôi chẳng bao giờ phản ứng quá mạnh như thế khi đứng trước một quan điểm khác biệt nhưng trường hợp này rất khác.

Bởi vì, nó liên quan đến công việc từ thiện, giúp đỡ những người dân tộc thiểu số nghèo ở vùng núi cao phía Bắc, nơi mà trong vòng mười mấy năm qua, tôi cũng đã có dăm bẩy chục chuyến đi, lúc thì đi công tác, khi thì đi chụp ảnh chơi, khi khác thì đi làm từ thiện…

Làm từ thiện để làm Người! - Ảnh 1.

 Bé gái Mông mặc 1 chiếc áo khoác ấm do đoàn từ thiện trao tặng đang đi lấy củi cùng mẹ. Ảnh: Na Sơn.

Tôi thực sự không thể lý giải nổi khi người dẫn chương trình của 60 phút mở liên tục truy vấn "làm từ thiện để làm gì?" với đại diện của nhóm từ thiện "Xây trường vùng cao" được mời đến tham dự chương trình.

Tại sao lại phải hỏi đi hỏi lại "để làm gì" cho một việc làm mang thuộc tính tự nhiên của mỗi người chúng ta?

Trong Phật giáo, bố thí là hạnh đầu tiên trong sáu hạnh của Bồ tát. Còn Từ Bi được cắt nghĩa rằng "Từ" (Metta) chính là sự thương yêu chúng sinh và tạo cho chúng sinh sự an lạc. Còn "Bi" (Karuna) là sự đồng cảm với nỗi khổ của chúng sinh.

Với người Việt, cha ông ta từ xa xưa đã để lại cho chúng ta những quan niệm sống mà tôi chắc trong mỗi gia đình Việt, ai cũng được dạy dỗ từ thuở ấu thơ "Lá lành đùm lá rách" hay "Thương người như thể thương thân".

Chúng ta lớn lên ai cũng được giáo dục về sự chia sẻ, về tính nhân văn. Vậy thì truy vấn về chuyện người ta làm việc thiện "vì động cơ thể hiện sự thoả mãn cá nhân", e rằng hơi xét nét và không cần thiết.

Sống là cho để nhận. Cứ "cho" "để thể hiện được lòng yêu thương đối với mọi người", "Để trong cuộc sống mình cảm thấy thanh thản" (như lời một bạn đã trả lời trong chương trình), câu trả lời làm chúng ta phải suy nghĩ. Nó giống như người con trưởng thành hỏi người mẹ: "Bà thương và lo lắng cho tôi để làm gì? Động cơ gì?".

Hai "động cơ" mà chương trình cố phân loại ấy thực ra đó là 2 kết quả không tách rời của câu chuyện làm từ thiện - khi ta làm được việc tốt, có ích cho cộng đồng thì ta cảm thấy bản thân sống có ý nghĩa hơn, vui hơn.

Tôi cũng chả tìm thấy mối nguy nào cho bà con nghèo thiểu số khi được tiếp nhận những sự giúp đỡ từ thiện từ các nhà hảo tâm như lập luận khá kỳ quặc của vị tiến sĩ nọ cả.

Tôi chỉ thấy những chiếc áo ấy thực sự giúp họ vượt qua được cái giá rét kinh khủng của miền núi cao, để những đứa trẻ không phải trốn cái rét ở nhà mà không thể đến trường vì chắc chắn chúng sẽ tím tái vì lạnh trong những bộ trang phục "bản sắc văn hoá" mỏng manh kia.

Làm từ thiện để làm Người! - Ảnh 2.

 Phụ nữ Mông bán tóc ở chợ phiên Sà Phìn- Mùa giáp hạt 2012. Ảnh: Na Sơn

Tôi chỉ thấy những cân gạo, miếng thịt từ thiện mang lên vùng cao mùa giáp hạt cho những trường nội trú đã giúp rất nhiều em học sinh khỏi phải bỏ học, theo cha mẹ lên nương kiếm rau, kiếm củ để có cái ăn qua ngày.

Tôi cũng từng thấy và chụp cả ảnh những người đàn bà Mông len lén xuống chợ phiên bán đi mái tóc rất "bản sắc dân tộc" của mình để đổi lấy ít gạo, ít ngô cho gia đình có lương thực mà bỏ vào bụng qua ngày.

Tôi cũng từng gặp những đứa bé chỉ biết đến mùi vị miếng thịt vào mỗi dịp Tết hay khi nhà có người chết làm lễ cúng ma…

Trong friendlist của tôi có rất nhiều bạn bè hiện đang sinh sống và làm việc ở những vùng cao ấy.

Một bạn đang làm ở cao nguyên đá nhắn thế này:

"Anh ơi em mời VTV lên thị Trấn Đồng Văn và bỏ anh tiến sĩ ý vào xóm Pó Lỏ là được, cần phải đi đâu xa. Cho ở 3 hôm đi cõng nước. Thiếu áo ấm. Chắc không có kèn mà chạy ý chứ".

Còn một bạn khác cũng đang công tác thì viết:

"Cứ gửi những người ấy vào Mo Pải Phìn (Sủng Là), Hấu Đề (Lũng Táo) hay bất kì thôn nào trong 222 thôn của huyện Đồng Văn, Hà Giang những ngày đông chí, sau đó cho mặc nguyên bản sắc dân tộc xem, rét quá răng cắn vào môi xem còn phát biểu nổi hay không...

Tôi đây, vùng xuôi lên lập thân, lập nghiệp, sống hoà với đồng bào. Chăn ấm đệm êm mỗi tối mà chân còn sưng vù lên vì lạnh, chắt bóp lương để mua cái áo lông vũ hàng "Sale" mà mỗi khi đi làm mọi giác quan còn tê cứng.

Các ông tiến sĩ cứ ngồi trong phòng điều hoà 2 chiều rồi mà phát biểu "bản với chả sắc".

Tôi đã đi hết những địa danh ấy, cũng như nhiều nơi còn khó khăn hơn ở Mèo Vạc, Xín Mần (Hà Giang) hay Mường Tè (Lai Châu), Điện Biên Đông, Tuần Giáo, Tủa Chùa (Điện Biên) và vô vàn những nơi khác để hiểu rằng muốn giữ được bản sắc gì đó thì người ta cần giữ được thứ gì trong bụng cho khỏi đói, giữ thứ gì trên người cho khỏi rét trước tiên đã.

Công tác từ thiện những năm gần đây đặc biệt được toàn xã hội quan tâm và tạo nên một phong trào lan toả rộng khắp nơi.

Đã có những tổ chức, nhóm từ thiện của cả nhà nước lẫn xã hội đã ngày càng chuyên nghiệp và thực sự góp phần giúp đỡ to lớn cho người nghèo cả nước.

Đơn cử như Quỹ học trò nghèo vùng cao với chương trình Cơm có thịt của nhà báo Trần Đăng Tuấn, Nhóm Nhà chống lũ, Tủ sách cho học trò vùng cao, Chương trình Sách hoá nông thôn của Nguyễn Quang Thạch, Mái ấm Điện Biên Đông của Thu Trang…

Bên cạnh đó, không phủ nhận là vẫn có nhiều cá nhân, tổ chức vẫn chưa thực sự làm từ thiện hiệu quả, thiếu sự thông tin, liên lạc với địa phương, chưa nắm bắt rõ được tình hình thực tế ở nơi họ muốn đến…

Nhưng dù sao, chúng ta cần ghi nhận những tấm lòng ấy. Và nếu có những chương trình như 60 phút mở về đề tài này, nên chăng chúng ta hãy ngồi với nhau trao đổi về "Làm từ thiện đúng cách" thay vì "Làm từ thiện vì ai?", "Làm từ thiện để làm gì?".

Bởi vì theo tôi, tinh thần tương thân tương ái, "Một miếng khi đói bằng một gói khi no" và "Lá lành đùm lá rách" chính là bản sắc văn hoá quí báu của dân tộc Việt chúng ta qua bao đời nay.

Đó là nhu cầu tự thân và tự nhiên của mỗi chúng ta chứ chẳng cần động cơ, mục đích gì cả.

Và với những ý nghĩa đó, thì việc làm từ thiện đúng cách, đúng nghĩa, là để ta làm Người!

Link nguồn: http://soha.vn/lam-tu-thien-de-lam-nguoi-2016060810533215.htm


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Làm từ thiện để làm Người!

 

kndn1

bhql2024

hoa-moc-thien

dai-lam-moc