Thu phục nhân tâm - làm nên việc lớn |
Viết bởi Văn Tuyết |
Thứ hai, 17/11/2014, 11:37 GMT+7 |
Một người lãnh đạo muốn thành công cần biết cách ăn nói, để: khi giao tiếp thì được người đối diện tin cậy và cảm mến, khi giáp mặt đối thủ thì thể hiện sự sắc sảo, khi đàm phán thì mềm mỏng nhưng cương quyết, đối với cấp dưới thì biết cách cổ vũ… Khả năng ăn nói - bao gồm ngôn ngữ được sử dụng và cử chỉ điệu bộ kèm theo - được xem là chiếc chìa khóa vàng giúp mở rộng cánh cửa thành công, là vũ khí giúp giành chiến thắng trong những cuộc tranh đấu quyết liệt. Trong cuốn Thuật dụng ngôn – một trong 4 tập của bộ sách Tứ thư lãnh đạo, tác giả Hòa Nhân sẽ giúp bạn trở thành một người lãnh đạo có tài ăn nói, diễn thuyết, phản biện, từ đó thu phục được nhân tâm và làm nên việc lớn. Dưới đây trích lược một phần trong cuốn Thuật dụng ngôn: Giao tiếp tự nhiên Trong những hoàn cảnh khác nhau, con người cần phải biết cách sử dụng kính ngữ một cách thích hợp để thể hiện rõ mình là người có văn hoá, có giáo dục. Tuy nhiên, cũng không nên tuỳ tiện sử dụng kính ngữ. Nếu sử dụng kính ngữ không hợp lý có thể khiến câu nói trở thành trò đùa, thậm chí là sự vô lễ đối với người khác. Nhân vô thập toàn, do vậy chúng ta ai cũng nên biết cách nói lời xin lỗi. Lời xin lỗi thật lòng không những có thể hàn gắn mối quan hệ bị sứt mẻ mà còn giúp bồi đắp thêm tình cảm giữa con người với nhau. Cần ghi nhớ rằng, lời xin lỗi không phải là sự sỉ nhục mà chính là biểu hiện của sự chân thành. Những nhân vật lớn, nổi tiếng nhiều khi cũng phải nói lời xin lỗi. Khi cần xin lỗi thì nên xin lỗi ngay, càng chậm trễ sẽ càng khó mở lời, thậm chí đôi khi bạn sẽ phải hối hận. Con người ai cũng có lòng tự trọng. Khi một người có yêu cầu đối với người khác thì ít nhiều họ cũng có tâm lý bất an. Nếu ngay lập tức nói “không được” thì sẽ chạm đến lòng tự trọng của họ, khiến họ càng lo lắng, mất bình tĩnh. Trước hết, bạn cần bày tỏ sự quan tâm, đồng cảm với người nói, sau đó nói rõ về hoàn cảnh thực tại của bạn, lý do bạn không thể nhận lời. Bởi đã nói trước như vậy nên người nghe có thể đồng cảm với bạn, họ sẽ tin lý do bạn đưa ra, tin việc bạn từ chối là bất khả kháng. Từ chối là một việc không hề thoải mái. Từ chối một cách nhẹ nhàng là cách để giảm nhẹ căng thẳng giữa hai bên. Đặc biệt, khi lãnh đạo từ chối cấp dưới thì càng phải lấy thái độ thật lòng, giọng điệu quan tâm để đưa ra lý do từ chối, như vậy mới khiến người khác tâm phục khẩu phục. Trong một số trường hợp đặc biệt, việc nắm bắt thời điểm thích hợp để truyền tải suy nghĩ cũng có thể đạt được mục đích truyền đạt thông tin, bày tỏ cảm xúc. Khi nói chuyện với những người nổi tiếng, không nên có tâm lý sợ hãi, nhút nhát, chỉ cần bạn thực lòng thể hiện suy nghĩ của mình thì có thể nói chuyện với bất kỳ ai. Tuy nhiên, bạn cũng cần chú ý rằng ngôn từ và thái độ của bạn phải đúng mực. Bạn không nhất thiết phải coi người đó cao siêu hơn mình, chỉ cần đối xử với nhân vật này như một người bạn bình thường để cùng chia sẻ tình cảm, cảm xúc. Anh ta cũng giống như nhiều người khác, cũng có khi mệt mỏi, cũng có lúc bị tổn thương. Thậm chí anh ta có khi còn mềm yếu hơn bạn hoặc nhút nhát như bạn vậy. Những người nổi tiếng thường có nhiều cống hiến hơn những người bình thường, tuy nhiên họ cũng có những sở thích cá nhân. Khi bạn dự định tìm hiểu hay trực tiếp đến gặp một người nổi tiếng, bạn nên chuẩn bị sẵn một vài nội dung để trò chuyện. Nếu đây là một người có địa vị thì bạn nên hỏi ý kiến của một vài người có liên quan. Để việc giao lưu trở nên thông suốt Tác giả: Hòa Nhân Bản quyền tiếng Việt: Thaihabooks Khi giao tiếp với mọi người, nếu bạn dám thừa nhận những khuyết điểm, những điều mình không biết thì sẽ khiến cho đối phương có ấn tượng sâu sắc về bạn, tăng thêm sự tin tưởng đối với bạn. Đương nhiên, cũng không nên nói ra hết thảy những khuyết điểm của bản thân vì như vậy sẽ không có hiệu quả tốt và sẽ làm xấu đi hình tượng của bạn. Muốn cải thiện được hình ảnh của mình, đầu tiên bạn cần nhìn nhận đúng đắn về bản thân, nghiêm túc đánh giá và nỗ lực tìm các biện pháp để cải thiện, đồng thời cần biết xin những lời khuyên thích hợp. Ấn tượng đầu tiên luôn là những gì tươi mới và sâu sắc nhất, nên ấn tượng đó tốt hay xấu sẽ liên quan trực tiếp và chi phối đến quá trình giao tiếp. Muốn đối phương có được những ấn tượng đầu tiên tốt đẹp thì cần chú ý đến diện mạo và cử chỉ của mình khi giao tiếp. Trong giao tiếp, cử chỉ lịch sự, nho nhã sẽ có tác dụng thúc đẩy cuộc chuyện trò. Nếu cử chỉ không phù hợp, thiếu văn hoá sẽ ảnh hưởng đến việc tạo dựng hình tượng bản thân, đồng thời cũng khiến cho đối phương trở nên không vui, gây bất lợi cho cuộc giao tiếp. Trong lần đầu giao tiếp với ai đó, trước tiên cần chú ý cử chỉ cần tự nhiên, thoải mái. Vẻ tự nhiên chính là biểu hiện của sự tự tin trong con người bạn. Hành động tự nhiên, động tác thoải mái sẽ khiến cho đối phương có ấn tượng về sự thẳng thắn, lạc quan, vui vẻ và có cảm giác muốn được tiếp tục trò chuyện cùng bạn. Muốn đối phương cảm thấy bạn là người quan trọng, bạn có thể áp dụng bốn cách sau: Thứ nhất, là một người biết lắng nghe. Thái độ toàn tâm lắng nghe người khác nói chuyện chính là cách thể hiện rõ rằng, bạn đang dành sự khen ngợi cho họ. Đây là cách khen ngợi ngầm khiến đối phương cảm thấy mình rất quan trọng. Thứ hai, hãy nói về những vấn đề mà đối phương có cảm hứng. Đối với những người lãnh đạo, chủ đề tốt nhất là nhắc đến những thành tích của họ, đối với thanh niên thì có thể nói đến việc lập nghiệp… Thứ ba, hãy thể hiện sự nhiệt tình đối với mọi người. Ví dụ mỗi lần lãnh đạo gặp mặt chúng ta đều rất nhiệt tình trò chuyện, điều này khiến chúng ta có cảm giác lãnh đạo rất coi trọng mình. Thứ tư, hãy thể hiện sự quan tâm chân thành đối với người khác. Khi thăm hỏi, hãy thể hiện rõ sự quan tâm, an ủi, đó chính là minh chứng rõ ràng cho việc đối phương có một vị trí nhất định trong bạn. Người lãnh đạo trước khi gặp mặt người khác nên tìm một chủ đề nói chuyện phù hợp từ trước để cuộc trò chuyện diễn ra thuận lợi. Khi đọc báo và xem được một mẩu truyện hay và hấp dẫn, bạn nên cố gắng ghi nhớ nó. Chính từ những vốn liếng thu nhặt mỗi ngày như vậy, bạn có thể tạo nên kho chủ đề trò chuyện của riêng mình, thậm chí bạn còn có thể ghi chép lại chúng. Nếu bạn liên tục duy trì biện pháp này thì chắc chắn rằng bạn sẽ không bao giờ hết chuyện để nói với mọi người. Khi nói chuyện với người khác mà bạn cảm thấy bất an thì có đến 50% nguyên nhân là do bạn tự ti. Nếu trước khi gặp mặt một ai đó, bạn tìm ra điểm ưu thế của mình so với họ, từ đó tự tạo cảm giác tự tin đối với bản thân thì cảm giác bất an cũng sẽ biến mất. Khi nói chuyện với người khác, sẽ có lúc bạn cảm thấy rất căng thẳng. Nếu thành thật nói ra sự căng thẳng đó thì bạn có thể nhanh chóng xoá đi chúng, đồng thời còn có thể thu hẹp khoảng cách giữa hai phía, có được sự thấu hiểu từ phía người kia. Người xưa có câu: “Thà nghe lời nói thật còn hơn nghe một lời nói dối ngọt ngào”. Khi biểu dương, khen ngợi ai đó cần phải dựa trên thành tích họ đạt được trên thực tế, không thể từ không nói có, cường điệu quá mức, nếu không sẽ bị đánh giá là kẻ ba hoa để lấy lòng, hoặc bị hiểu nhầm thành ý đồ khác. Mỗi từ ngữ và cách nói đều phục vụ cho một mục đích nhất định. Cần chú ý đến sự chừng mực của lời nói, mức độ của ngôn từ bạn sử dụng. Khi nắm được tâm lý đối phương, biết được những điều mà đối phương muốn nghe thì bạn cần xuất phát từ góc độ lợi ích của đối phương để tiến hành trò chuyện, trao đổi. Một cuộc giao tiếp thành công nên như sau: Nói ít về bản thân mình, đề cập nhiều đến vấn đề đối phương quan tâm, như vậy thì lời nói mới hợp ý. Khi giao tiếp, nếu bạn biết điều khiển tình cảm của đối phương, khiến đối phương có những cảm xúc tích cực về bạn thì chắc họ sẽ không ngại ngần đón nhận lời khen từ phía bạn. Trong giao tiếp, có những khi chúng ta không tiện nói thẳng mà cần dùng những lời nói uyển chuyển, kín đáo để né tránh, vừa thể hiện được ý kiến của mình, vừa tránh những hoàn cảnh khó xử. Trong một vài trường hợp, những người nhận hối lộ sở dĩ nhận hối lộ một cách “bất đắc dĩ” là vì lúc đầu họ ngại từ chối, dần dần thì không thể nói không được nữa. Cách tốt nhất là dùng cách nói hài hước để đạt được mục đích từ chối của mình. Với cách này bạn sẽ giữ được thể diện cho đối phương và không làm ảnh hưởng đến quan hệ giữa đôi bên. Còn một biện pháp nữa là dùng lời nói trực tiếp, thẳng thắn để nói “không”. Từ cổ chí kim, câu chuyện về những người nói “không” với những kẻ hối lộ, đã trở thành tấm gương để mọi người cùng soi. Thể hiện phong độ chỗ đông người Một nhà diễn thuyết nổi tiếng đã tóm gọn quá trình diễn thuyết thành ba câu như sau: “Hãy đứng dậy!” “Hãy nói chuyện!” “Hãy dừng lại!”. “Hãy đứng dậy” yêu cầu mỗi người khi diễn thuyết đều phải đứng trên bục diễn thuyết với thần thái uy nghiêm, tràn đầy tự tin, không được nhút nhát, rụt rè, tay chân luống cuống, đi lại mất tự nhiên. Khi bạn đang diễn thuyết, nhất định phải rót vào tai người nghe từng câu, từng chữ một cách rõ ràng, chỉ có như vậy thì mới có thể lôi kéo được sự chú ý của người nghe. Một người diễn thuyết sẽ thất bại nếu không biết nên kết thúc buổi trò chuyện của mình khi nào và như thế nào. Hãy chọn một kết thúc ấn tượng và kết thúc khi người nghe vẫn còn đang hứng thú với những gì bạn nói. Chỉ có những người diễn thuyết đã có sự chuẩn bị thì mới có thể cảm thấy tự tin. Thử nghĩ xem, một người ra chiến trường, nếu như anh ta đem theo một loại vũ khí có chút trục trặc, không hề có chút đạn dược nào thì anh ta lấy gì để tấn công kẻ địch đây? Sự chuẩn bị kỹ càng không đồng nghĩa với việc phải học thuộc lòng hết từng từ một trong nội dung của bài diễn thuyết. Vì việc viết ra bài phát biểu và sau đó học thuộc lòng không những lãng phí thời gian, công sức mà còn dễ dàng dẫn đến thất bại. Hãy lấy những chủ đề mà bạn sẽ phát biểu để nói chuyện như thường ngày với bạn bè hoặc đồng nghiệp. Bạn không cần thiết phải truyền tải hết nội dung, mà chỉ cần nói những câu như sau ở trên bàn ăn bữa trưa: “Tiểu Lý, anh có biết là có một hôm tôi đã gặp phải một chuyện không được bình thường hay không, nói cho anh biết nhé!”. Hãy tỉ mỉ quan sát phản ứng của anh ấy, và nghe những phản hồi của anh ta. Anh ta sẽ không thể biết là bạn đang nói thử. Về bản chất, nghệ thuật diễn thuyết là nghệ thuật trình diễn những am hiểu sâu sắc của mình. Chỉ khi có “cất giấu” tài năng trong người thì người nói mới có thể nói ra những lời nói văn chương đẹp đẽ. Muốn bài diễn thuyết của mình có sức hấp dẫn, có thể khiến cho người nghe cảm động, đạt được hiệu quả tốt thì trước khi diễn thuyết cần phải có sự chuẩn bị tốt về tâm lý. Sự chuẩn bị tâm lý lại được quyết định bởi việc nuôi dưỡng những tố chất tâm lý, việc chuẩn bị về tài liệu, việc lựa chọn chủ đề và phương thức diễn thuyết, thậm chí là việc luyện tập diễn thuyết nữa. Trong đó, sự nuôi dưỡng tố chất tâm lý cần phải được tiến hành thường xuyên và kiên trì. Muốn có một bài diễn thuyết thành công thì cần phải bắt đầu bằng sự tự tin không ngại ngần. Nếu như trước khi diễn thuyết mà không có lòng tự tin thì hiệu quả của việc diễn thuyết chắc chắn sẽ không được mỹ mãn. Những người nổi tiếng hàng đầu khi mới học cách diễn thuyết cũng lóng nga lóng ngóng, hiểu được những điều đó chắc chắn sẽ có lợi cho việc bạn khắc phục tâm lý ngại ngùng, sợ hãi. Khi diễn thuyết, cần phải mạnh dạn, thần thái phải tự nhiên, tư duy nhanh nhạy, thoải mái ung dung, kiềm chế và chi phối chính mình để kỹ năng diễn thuyết được phát huy hoàn toàn. Trong binh pháp có nói: “Tâm chiến đi trước, binh chiến theo sau”, ý là “tấn công tâm lý” thì mới là thượng sách đúng đắn. Lincoln từng nói: “Cho dù mọi người có thù hằn gì tôi, chỉ cần họ cho tôi một cơ hội để nói chuyện thì tôi sẽ có thể thuyết phục được họ”. Sở dĩ ông nói như vậy là bởi vì ông có thể khéo léo vận dụng thuật tấn công tâm lý trước, khiến cho khoảng cách tâm lý giữa người khác và mình được nối gần lại, giúp thay đổi từ cảm giác thù hằn sang cảm nhận tốt. Ông đã dùng thứ ngôn ngữ giản dị và rất giàu tình cảm để đánh bại đối thủ của mình. Những người dám tự tin nói chuyện trước công chúng trong khi chưa hề có một chút chuẩn bị nào thường nhận được sự hoan nghênh rất lớn từ phía mọi người. Trước tiên, bạn phải nâng cao trình độ chuyên môn cũng như hiểu biết xã hội của mình để khi nhận lời diễn thuyết thì lập tức có thể bàn luận về chủ đề của hội nghị và do đó mà thu hút sự chú ý của người nghe. Thứ hai, bạn phải có năng lực chuẩn bị hơn người. Có như vậy thì khi bắt đầu bài ứng khẩu, bạn mới có thể điều chỉnh hứng thú cũng như cảm xúc của người nghe. Thứ ba, bạn phải có khả năng vừa nói lại vừa có thể suy nghĩ về chủ đề sau đó. Nếu như vậy, cùng lúc khi bạn đang diễn thuyết đã có thể chuẩn bị cho việc diễn thuyết tiếp tục ở phía sau. Thứ tư, bạn cần phải có trí nhớ cực kỳ tốt, đồng thời còn phải hiểu biết, tinh thông kiến thức ở nhiều mảng khác nhau. Hay có thể nói là không những bạn cần phải chuẩn bị một vốn từ vựng phong phú, ngôn ngữ lưu loát, mà quan trọng hơn đó là bạn cần phải không ngừng học hỏi những kiến thức văn hoá, không ngừng nâng cao tố chất tổng hợp của bản thân mình và tràn đầy tự tin đối với cuộc sống. Theo DNSG Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|