Tính cách còn quan trọng hơn cả bằng cấp |
Viết bởi Văn Tuyết |
Thứ hai, 15/09/2014, 09:01 GMT+7 |
"Đối với tôi, điều quan trọng nhất khi nhìn vào những ứng viên tiềm năng là liệu tính cách của họ có phù hợp với văn hoá công ty hay không". Tính cách còn quan trọng hơn cả bằng cấp Dưới đây là bài chia sẻ của Sir Richard Branson, tỷ phú người Anh với số tài sản hơn 5 tỷ USD, là người sáng lập ra tập đoàn Virgin bao gồm hơn 400 công ty con hoạt động trên rất nhiều lĩnh vực khác nhau về cách tuyển nhân viên của mình. Tôi luôn quan niệm rằng kinh doanh chỉ đơn giản là tìm được đúng người để hoàn thành điều mà bạn mong muốn. Nếu có thể chọn được một nhóm hoàn hảo, cơ hội thành công là trong tầm tay của bạn. Tuy nhiên, việc tìm được người phù hợp cho công việc không phải lúc nào cũng dễ dàng. Đối với tôi, điều quan trọng nhất khi nhìn vào những ứng viên tiềm năng là liệu tính cách của họ có phù hợp với văn hoá công ty hay không. Các kỹ năng đều có thể học được nhưng thật sự rất khó để thay đổi tính cách của một con người. Nếu bạn có thể tìm được một người vui vẻ, thân thiện, biết quan tâm và giúp đỡ người khác, phần thắng đang nghiêng về phía bạn. Tuy nhiên, tính cách con người lại là thứ rất khó để có thể nhìn ra ngay lập tức. Một bản CV hay một buổi phỏng vấn không phải lúc nào cũng đủ bởi chúng ta thường có xu hướng khiêm tốn hay ngại bộc lộ con người thật của mình. Nếu bạn tìm được một người có tính cách đúng như mong đợi nhưng lại hướng nội một chút, hãy tìm cách để họ bộc lộ bản thân tốt hơn. Nếu đó là một người hướng ngoại, mọi chuyện sẽ dễ dàng hơn nhiều nhưng hãy cẩn trọng với những ai phấn khích quá mức dưới áp lực của buổi phỏng vấn. Tôi để ý rằng hầu hết chúng ta đều có thể nắm được một công việc nào đó cực nhanh một khi bị đẩy vào “đường cùng”. Do đó, thường thì trong vòng 3 tháng, đa số các nhân viên đều có thể thành thạo mọi vấn đề liên quan tới công việc mới của họ. Và nếu bạn cảm thấy hài lòng với tính cách của họ, lúc đó hãy đánh giá tới kinh nghiệm và trình độ của họ. Ngoài ra, một công ty lúc nào cũng cần những người có nhiều kỹ năng và biết truyền đạt vấn đề, bởi sẽ luôn có lúc bạn cần một ai đó giúp mình giải quyết nhiều công việc khác nhau cùng một lúc. Đành rằng chuyên môn là quan trọng nhưng trong thời đại ngày nay, công việc sẽ luôn đòi hỏi một nhân viên cần phải biết thay đổi và thích nghi với nhiều môi trường khác nhau. Nhiều nhà tuyển dụng thường sử dụng hồ sơ và bằng cấp làm thước đo đầu tiên để “lọc” ra các ứng viên. Ngược lại, đó là những gì tôi quan tâm sau cùng. Một người có thể có tới 5 tấm bằng cùng số điểm A nhiều hơn cả một trang CV, nhưng chẳng đủ để chứng tỏ rằng anh ta là người phù hợp cho vị trí đó. Điểm cao sẽ không là gì nếu như không đi cùng với sự đa dạng về kinh nghiệm và một tính cách “quyết thắng” trong công việc. Thuê một nhân viên mới cũng tương tự như đầu tư vào một dự án, tất cả đều mang tới rủi ro. Tuy vậy, đừng quá lo lắng khi thuê một người không chỉn chu, khuôn phép. Những nhân viên “khác người” như vậy đôi khi lại có thể nhìn ra điểm mấu chốt của vấn đề, cơ hội cũng như truyền cảm hứng cho cả nhóm. Trong hơn 40 năm làm kinh doanh, không ít lần chúng tôi đã thuê phải những người “khác biệt” như vậy, nhưng rồi họ đã trở thành những người không thể thay thế tại tập đoàn Virgin. Còn đối với đội ngũ quản trị, thuê nhầm người có thể ảnh hưởng tới tất cả mọi thứ mà bạn đã gây dựng lên. Cách nhanh và hiệu quả nhất là đề bạt những nhân viên trong công ty. Lợi thế của việc này là họ sẽ tận dụng được sự ủng hộ của mọi người cũng như nắm rõ những gì đang diễn ra trong doanh nghiệp. Tuy vậy, việc tìm và thuê những gương mặt mới lúc nào cũng là cần thiết. Chúng tôi đã từng tìm những CEO từ bên ngoài cho Virgin Atlantic và Virgin Australia, và quả thật những ý tưởng mới mẻ cùng kinh nghiệm từ bên ngoài đã giúp cho các công ty này đi lên rất nhanh. Trong quá trình phát triển, khi trải qua giai đoạn nước rút, việc thuê một lúc nhiều nhân viên mới là chuyện khá dễ hiểu nhưng đây cũng là lúc văn hoá công ty dễ bị ảnh hưởng nhiều nhất. Thay vì tuyển dụng một cách ồ ạt để rồi dẫn tới sự mất cân đối trong nhóm, hãy kiên nhẫn một chút tới khi bạn tìm được đúng người. CEO Samir Desai của Funding Circle từng nói với tôi rằng “Thà rằng bị thiếu người còn hơn là có một kẻ phá hoại trong nhóm.” (It’s better to have a hole in your team than an asshole in your team!) Theo CafeF Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|