top-banner-2

Thứ hai, 16/09/2013, 08:34 GMT+7

Chứng khoán Việt và cơn sóng thần 2008 (kỳ 2): Cú knock-out cuối cùng

Viết bởi lehang   
Thứ hai, 16/09/2013, 08:34 GMT+7

► Đúng lúc thị trường đang có triển vọng phục hồi bền vững hơn thì khủng hoảng tài chính toàn cầu bắt đầu phát nổ...


VnEconomy nhìn lại toàn cảnh thị trường chứng khoán Việt Nam trước, trong và sau khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu xảy ra, 5 năm về trước.

Từ tháng 2/2008 trở đi, thị trường chứng khoán bắt đầu chịu ảnh hưởng trực tiếp từ hoạt động sử dụng đòn bẩy quá lớn trong thời kỳ tín dụng dễ dãi năm 2007.

Chứng khoán Việt và cơn sóng thần 2008 (kỳ 2): Cú knock-out cuối cùngNhững con số sống động minh chứng cho một năm 2008 đầy sóng gió trên thị trường chứng khoán Việt Nam, là hàng trăm ngàn tỷ đồng giá trị tài sản đã bốc hơi

Hoảng loạn bắt đầu

Lần đầu tiên, giới đầu tư biết đến một cách rộng rãi áp lực bán kỹ thuật từ hoạt động giải chấp chứ không phải từ tâm lý lo ngại rủi ro thông thường.

Hiệu ứng “hòn tuyết lăn” đã tạo nên nỗi ám ảnh khó quên với những ai trải qua giai đoạn này, khi mỗi sáng mở bảng điện giao dịch lại thấy hàng triệu cổ phiếu được các công ty chứng khoán đem ra bán giá sàn nhằm thoát ra bằng được.

Không một nguồn lực nào có thể cản nổi hoạt động bán ra chưa từng có này.

Đỉnh điểm của sự hoảng loạn bắt đầu với các biểu hiện gây rối của nhà đầu tư. Đây cũng là lần đầu tiên ảnh hưởng của thị trường chứng khoán đến cuộc sống được bộc lộ rõ ràng nhất.

Cao trào là rất nhiều nhà đầu tư kéo đến Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ngày 5/3/2008 để “bày tỏ sự giận dữ”. Người viết bài này may mắn được chứng kiến hàng đoàn nhà đầu tư đi ôtô, taxi ùn ùn kéo vào sảnh đòi “đối chất” với cơ quan quản lý.

Trước đó, nhóm nhà đầu tư này cũng đã kéo tới Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Hà Nội. Mặc dù nhà đầu tư tỏ ra rất bức xúc trước thực trạng giá trị tài sản đang giảm mỗi ngày, nhưng không thấy ai bàn về những chiếc xe đắt tiền đang đậu đầy ngoài cửa!

Với mục đích ngăn đà suy giảm của thị trường, cơ quan quản lý thị  trường chứng khoán cũng đã thực thi một số giải pháp. Trước hết, ngày 27/3/2008, biên độ dao động giá của HSX được hạ từ +/-5% xuống còn +/-1%, tại HNX được hạ từ +/-10% xuống +/-2%.

Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) được phép tham gia mua cổ phiếu bình ổn. Các ngân hàng thương mại, công ty chứng khoán được vận động ngừng giải chấp. Các doanh nghiệp niêm yết được kêu gọi mua vào cổ phiếu quỹ.

Các giải pháp này đem lại 10 phiên tăng giá và từ ngày 10/4/2008 thị trường lại rơi vào chu kỳ suy giảm, kéo dài tới tận ngày 13/6/2008. VN-Index lúc này chỉ còn 370,55 điểm.

Như vậy chỉ trong hơn 6 tháng đầu năm 2008, VN-Index đã sụt giảm trên 60% so với thời điểm cuối năm 2007. Trong 103 phiên giao dịch của giai đoạn này, có 71 phiên VN-Index giảm điểm. Đỉnh điểm là chuỗi 34 phiên giảm liên tiếp từ giữa tháng 4/2008 tới đầu tháng 6/2008.

Các biện pháp hỗ trợ nói trên chỉ mang tính ngắn hạn và tác động được trực tiếp lên hoạt động thị trường hàng ngày, chứ không giải quyết được những bất ổn mà thị trường chứng khoán lo ngại.

Bước ngoặt Lehman Brothers

Với mức điều chỉnh thuộc loại mạnh nhất trên thị trường toàn cầu nửa đầu năm 2008, thị trường chứng khoán Việt Nam đã tìm lại  được sự cân bằng trong tháng 7 và tháng 8.

Đã có sự chung tay cứu thị trường của các tổ chức lớn và hai tháng nói trên là thời kỳ “dưỡng thương” của nhà đầu tư. VN-Index có mức phục hồi từ 370,55 điểm lên 561,85 điểm ngày 27/8/2008.

Những biến động tích cực trên thị  trường chứng khoán thời gian này cũng  phản ánh kỳ vọng đối với nền kinh tế. Sự can thiệp của Chính phủ và các giải pháp kiềm chế lạm phát đã bắt đầu phát huy tác dụng. CPI giảm nhanh, thâm hụt thương mại hàng tháng cũng giảm.

Thị trường cũng nhìn thấy những hoạt  động đầu tư trái ngược giữa nhà đầu tư  trong nước và nhà đầu tư nước ngoài trong nửa đầu năm 2008. Khi hoạt động giải chấp diễn ra ồ ạt, thị trường sụt giảm rất mạnh, nhà đầu tư trong nước bán tháo, nhà đầu tư nước ngoài vẫn giải ngân rất đều đặn.

Chỉ riêng HSX, từ tháng 1 đến hết tháng 8/2008, nhà đầu tư nước ngoài đã mua vào với cổ phiếu là trên 16,1 ngàn tỷ đồng, bán ra hơn 9 ngàn tỷ đồng, tương đương giá trị mua ròng gần 7.100 tỷ đồng.

Tháng 7-8/2008 cũng là thời điểm thị  trường tương đối lạc quan, niềm tin được cho là  đã quay trở lại. Nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục mua mạnh, nhiều tổ chức nước ngoài  đăng ký mua chứng khoán khối lượng lớn, giá cổ phiếu trên thị trường tăng dài ngày. Thị trường chứng khoán đang đi trước những chuyển biến vĩ mô.

Tuy nhiên, đúng lúc thị trường đang có triển vọng phục hồi bền vững hơn thì khủng hoảng tài chính toàn cầu bắt đầu phát nổ, với sự kiện ngân hàng đầu tư Lehman Brothers của Mỹ phá sản vào ngày 15/9/2008, như một cú knock-out cuối cùng đến thị trường.

Ngày 15/9/2008 không phải là một ngày kinh hoàng của thị trường chứng khoán Việt Nam, có lẽ khả năng đánh giá về tác động của sự kiện này còn hạn chế. Vẫn là một phiên tăng điểm của VN-Index, khoảng 0,2%, và nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 106,6 tỷ đồng trên HSX. Con số bán tuyệt đối khoảng 188,5 tỷ đồng, chiếm 18% tổng giá trị của sàn.

Nhưng đến ngày 16/9/2008, khi truyền thông trong nước bắt đầu đăng tải ồ ạt thông tin Lehman phá sản, kết hợp với thị trường quốc tế giảm mạnh thì thị trường Việt Nam mới thực sự điều chỉnh lớn.

VN-Index mất khoảng 4,4% (20,81 điểm) trong ngày hôm đó và ở nhiều mã, nhà đầu tư đã không thể thoát ra được nữa. Thị trường còn tiếp tục hai phiên giảm sâu trên 4% nữa đến ngày 18/9.

Một hạn chế lớn vào thời điểm  đó, là không có các phân tích cụ thể  về tác động của sự kiện Lehman Brothers phá sản tới thị trường tài chính toàn cầu và tác động tới thị trường chứng khoán Việt Nam. Các công ty chứng khoán không đưa ra được những nhận định rõ ràng nào. Những ý kiến - không phải những phân tích - đều mang tính trấn an: thị trường trong nước sụt giảm do lo ngại tâm lý và khi bình tĩnh lại giá sẽ phục hồi; mức độ liên thông của thị trường chưa cao; vĩ mô trong nước đang ngày càng tốt hơn…

Những bài báo như “Bóng ma” Lehman Brothers: Đừng quá hoảng loạn” đã phần nào hỗ trợ thị trường. Quả thực một tuần sau đó thị trường chứng khoán phản ứng rất tốt, VN-Index tăng trở lại hơn 15%.

Ngay động thái của nhà đầu tư nước ngoài trong thời điểm này cũng không rõ ràng. Trong tuần từ 15-19/9 khi Lehman phá sản, khối ngoại bán ròng ở HSX trên 193,7 tỷ đồng. Như tuần sau đó, từ 22-26/9, lại có tới 511,5 tỷ đồng được rót ròng vào.

Tuy nhiên, những hiệu ứng âm ỉ  của sự kiện này đã bao trùm thị trường suốt 3 tháng còn lại của năm 2008 và kéo dài tới tận tháng 3/2009. Riêng trong 3 tháng cuối năm 2008, VN-Index sụt giảm gần 35% so với thời điểm ngày 26/9/2008 và sụt tiếp gần 22% nữa trong 3 tháng kế tiếp.

Chính sách xoay chuyển

Các chính sách vĩ mô thời điểm cuối năm 2008 cũng đã có sự xoay chuyển ngược 180 độ so với nửa đầu năm. Trước sức ép giảm lạm phát quá nhanh, thậm chí lạm phát âm và nguy cơ khủng hoảng toàn cầu, chính sách điều hành đang từ thắt chặt chuyển sang nới lỏng cấp kỳ.

Cuộc đua tăng lãi suất nửa đầu năm được nối tiếp bằng cuộc đua giảm lãi suất cuối năm. Kể từ tháng 9/2008, Ngân hàng Nhà nước đã liên tục cắt giảm lãi suất cơ bản, từ 14%/năm xuống còn 8,5% trong tháng 12/2008.

Với 5 lần giảm lãi suất trong vòng 3 tháng 4 lần thay đổi lãi suất dự trữ bắt buộc, 3 lần điều chỉnh tỉ lệ dự trữ bắt buộc, chính sách nới lỏng tiền tệ được định hình.

Không chỉ cắt giảm lãi suất, theo xu thế của thế giới, Việt Nam cũng tung ra gói kích cầu trị giá 1 tỷ USD, tập trung vào việc hỗ trợ lãi suất 4% cho các doanh nghiệp đi vay. Thời điểm đó có nhiều ý kiến tranh luận khác nhau về hiệu quả nhưng nhìn chung đều hướng đến một mục tiêu là cung cấp nguồn vốn rẻ cho nền kinh tế. Đáng tiếc là thị trường chứng khoán chỉ có thể hưởng lợi vào gói kích cầu này trong năm 2009.

Xu hướng kích thích kinh tế trở  lại đã có từ cuối năm 2008, nhưng không khỏa lấp được nỗi lo lắng trên thị trường chứng khoán. Trong 3 tháng cuối năm, mối lo ngại lớn nhất là tác động của việc nhà đầu tư nước ngoài có thể rút vốn với quy mô lớn. Trên thị trường chứng khoán là mối lo ngại nguồn cung tăng lên và trên thị trường ngoại tệ là tỉ giá có thể tăng mạnh.

Theo các số liệu thống kê, tổng lượng ngoại tệ chảy vào nền kinh tế năm 2007 đạt xấp xỉ 22 tỷ USD, trong đó vốn gián tiếp khoảng 9 tỷ USD. Ngân hàng Nhà nước đã tăng dự trữ ngoại tệ từ mức 11,5 tỷ USD năm 2006 lên 21,6 tỷ USD năm 2007. Nguồn vốn vào cực lớn này chỉ được công bố vào cuối 2008 cho thấy áp lực bơm tiền đồng lớn đến mức nào trong hai năm trước đó.

Rất khó có được con số tổng hợp chính xác nguồn vốn ngoại tệ bị rút ra khỏi Việt Nam trong năm 2008. Tuy nhiên biến động có thể nhìn thấy được trên thị trường chứng khoán là khá rõ ràng. Theo thống kê trên HSX, từ 1/1/2008 - 31/8/2008 nước ngoài bán ròng trái phiếu là 104,2 tỷ thì riêng 3 tháng cuối năm bán ròng 620 tỷ đồng.

Cũng trong 3 tháng cuối năm, quy mô bán ròng trên thị trường cổ phiếu niêm yết là 1.746,1 tỷ đồng. Những báo cáo về giao dịch trái phiếu tại HNX cũng cho thấy chỉ trong thời gian từ 1/9/2008 đến 16/10/2008, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng trên 8.992 tỷ đồng trái phiếu.

Số liệu tổng hợp của một số  công ty chứng khoán thời điểm cuối năm 2008 ghi nhận chỉ từ khi cuộc khủng hoảng tài chính thế  giới lan rộng từ  tháng 9/2008, giá trị bán ròng trái phiếu nói chung đã xấp xỉ 26.000-27.000 tỷ đồng. Thị trường cổ phiếu niêm yết ít chịu ảnh hưởng hơn, tính chung cả năm 2008 vẫn hút ròng được trên 5.600 tỷ đồng.

Hiệu ứng từ việc bán ra của nhà  đầu tư nước ngoài thể hiện rõ nét hơn trên thị trường ngoại tệ. Từ quý 2/2008 đồng USD đã bắt đầu tăng giá do thâm hụt thương mại quá cao, đến hết tháng 6/2008 đã khoảng 15 tỷ USD. Sau khi Lehman sụp đổ, đồng USD trên thế giới lại tăng cao do thanh khoản tiền mặt bị đóng băng.

Trong nước, các thị trường xuất khẩu suy yếu, áp lực rút vốn đã đẩy tỉ giá lên mạnh. Tính bình quân tỉ giá đã tăng khoảng 10% trong năm 2008.

Vĩ thanh

Cho đến nay, vẫn chưa có con số cụ thể thống nhất về dòng vốn nước ngoài rút khỏi thị trường Việt Nam năm 2008. Các số  liệu công bố chỉ dừng lại ở con số ước tính 2 tỷ USD.

Năm 2008 cũng để lại hậu quả nặng nề đối với các quỹ đầu tư nước ngoài. Theo một báo cáo tổng hợp, giá trị tài sản của các quỹ đã giảm thê thảm: Vietnam Lotus Fund giảm 48,2%; Vietnam Growth Fund giảm 47,3%; Vietnam Enterprise Investments Ltd giảm 49,3%; Vietnam Emerging Equity Fund giảm 60,2%;  PXP Vietnam Fund giảm 58,3%; JF Vietnam Opportunities Fund giảm 48,6%; Blackhorse Enhanced Vietnam Inc giảm 48,9%; NAV của VEIL, quỹ  đầu tư lớn nhất do Dragon Capital quản lý giảm 40,56%...

Những con số sống động minh chứng cho một năm 2008 đầy sóng gió trên thị trường chứng khoán Việt Nam, là hàng trăm ngàn tỷ đồng giá trị tài sản đã bốc hơi.

Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, tính đến tháng 12/2008, giá trị danh mục của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán còn khoảng 4,6 tỷ USD giảm gần 50% so với 2007.

Cũng có thể cho rằng quy mô vốn hóa thị trường là “ảo” do tăng trưởng bong bóng 2006-2007 và giá trị cổ phiếu được định giá quá cao. Tuy nhiên giá trị tài sản sụt giảm luôn luôn là con số thực.

Cuối năm 2007, giá trị vốn hóa của HSX đạt 333.529 tỷ đồng và cuối năm 2008 chỉ còn lại 169.346 tỷ đồng, bất chấp khối lượng cổ phiếu niêm yết mới tăng gần 53% trong năm đó. HNX cuối năm 2007 đạt vốn hóa 130.633 tỷ đồng và năm 2008 còn lại 50.400 tỷ đồng.

Theo VnEconomy

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Chứng khoán Việt và cơn sóng thần 2008 (kỳ 2): Cú knock-out cuối cùng

 

kndn1

bhql2024

hoa-moc-thien

dai-lam-moc