top-banner-2

Thứ năm, 01/08/2024, 10:33 GMT+7

Ấn Độ là cửa ngõ để hàng hóa Việt Nam tiếp cận thị trường Nam Á

Viết bởi ducanh   
Thứ năm, 01/08/2024, 10:33 GMT+7

Có thể nói thị trường Ấn Độ đang là cửa ngõ để hàng hóa của Việt Nam thâm nhập và tiếp cận vào thị trường các nước Nam Á. Chiều ngược lại, Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ 23 trên thế giới và lớn thứ 4 trong khu vực ASEAN của Ấn Độ.

an-do-la-cua-ngo-de-hang-hoa-viet-nam-tiep-can-thi-truong-nam-a

Việc trao đổi thường xuyên các đoàn doanh nghiệp, tổ chức các hội chợ, triển lãm thương mại và gặp gỡ doanh nghiệp cũng đã hỗ trợ hợp tác thương mại và kinh doanh giữa Việt Nam-Ấn Độ - Ảnh: Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ

Nhận lời mời của Thủ tướng nước Cộng hòa Ấn Độ Narendra Modi, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Phạm Minh Chính sẽ thăm cấp Nhà nước đến Ấn Độ từ ngày 30/7 đến ngày 1/8/2024.   

Nhận định về quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai quốc gia trong thời gian qua, lãnh đạo Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương) cho rằng, trong tổng thể mối quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện, hợp tác kinh tế, thương mại luôn là một trong những lĩnh vực quan trọng và đạt được nhiều thành tựu thời gian qua.

Ấn Độ - đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam tại khu vực Nam Á

Có thể nói thị trường Ấn Độ đang là cửa ngõ để hàng hóa của Việt Nam thâm nhập và tiếp cận vào thị trường các nước Nam Á. Chiều ngược lại, Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ 23 trên thế giới và lớn thứ 4 trong khu vực ASEAN của Ấn Độ. 

"Thị trường Việt Nam cũng được coi là cửa ngõ để hàng hóa Ấn Độ thúc đẩy thâm nhập vào thị trường các nước ASEAN và các đối tác khác của Việt Nam. Hai nước đang phấn đấu để sớm đạt mục tiêu kim ngạch thương mại song phương 20 tỷ USD trong thời gian tới", lãnh đạo Vụ Thị trường châu Á - châu Phi thông tin.

Cũng theo Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, Ấn Độ hiện là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam tại khu vực Nam Á; là đối tác thương mại lớn thứ 8 của Việt Nam. Kim ngạch thương mại Việt Nam - Ấn Độ chiếm khoảng 80% tổng kim ngạch của Việt Nam với các nước Nam Á khác.

Đáng chú ý, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Ấn Độ có sự tăng trưởng đáng kể trong thời gian qua. Giai đoạn 2011-2016, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam Ấn Độ tăng 1,3 lần từ 2,9 tỷ USD lên 5,4 tỷ USD. Tăng trưởng trung bình hàng năm đạt 17,3%. Giai đoạn 2017-2023, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam Ấn Độ tăng 1,8 lần từ 7,7 tỷ USD lên 14,3 tỷ USD. Tăng trưởng trung bình hàng năm đạt 12%.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Ấn Độ đạt 7,18 tỷ USD, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2023. 

Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Ấn Độ bao gồm: Máy tính và hàng điện tử, điện thoại di động và phụ kiện; máy móc và thiết bị, thép và các kim loại khác, hóa chất, giày dép, hàng may mặc, cao su, sản phẩm gỗ... Chiều ngược lại, Việt Nam nhập khẩu từ Ấn Độ hàng kỹ thuật, nông sản (bao gồm thịt và thủy sản), hóa chất và dược phẩm, hàng điện tử, khoáng sản, bông và dệt may, nhựa...

Về hợp tác đầu tư, Ấn Độ đứng thứ 26/141 các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam (hiện có 353 dự án đầu tư FDI đang hoạt động tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đạt hơn 1,1 tỷ USD). Nhiều tập đoàn và công ty lớn của Ấn Độ đều đã có mặt tại Việt Nam, tham gia đầu tư tại nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó tập trung nhiều nhất trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo.

Cũng theo Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ, việc trao đổi thường xuyên các đoàn doanh nghiệp, tổ chức các hội chợ, triển lãm thương mại và gặp gỡ doanh nghiệp cũng đã hỗ trợ hợp tác thương mại và kinh doanh giữa hai nước. 

Theo đó, tháng 4/2024, các doanh nghiệp Ấn Độ đã tham gia Hội chợ Thương mại Quốc tế Việt Nam lần thứ 33, WORLD Expo do Bộ Công Thương Việt Nam đăng cai tổ chức. Trong đó Ấn Độ là quốc gia "Khách mời Danh dự" và đoàn Ấn Độ do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Ấn Độ điều phối.

Cơ cấu ngành hàng có sự bổ sung lẫn nhau

Quan hệ kinh tế, thương mại Việt Nam - Ấn Độ đã phát triển nhanh chóng và tích cực trong thời gian qua, tuy vậy, lãnh đạo Vụ Thị trường châu Á - châu Phi cho rằng, quan hệ kinh tế hai nước chưa ngang tầm với quan hệ chính trị rất tốt đẹp, với tiềm năng, thế mạnh và chưa đáp ứng được kỳ vọng của hai bên.

Thứ nhất, cả Việt Nam và Ấn Độ có nền kinh tế tăng trưởng tốt và môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài.

Cả Việt Nam và Ấn Độ đều là các nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao, ổn định và đã có những nỗ lực lớn để vượt qua và phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch COVID-19. GDP năm 2022 của Việt Nam tăng 8,02% so với năm trước, đạt mức tăng cao nhất trong giai đoạn 10 năm trở lại đây. Năm 2023, mặc dù có rất nhiều khó khăn nhưng tăng trưởng GDP của Việt Nam vẫn đạt mức 5,05%, thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao trên thế giới. Năm 2024, dự báo GDP của Việt Nam sẽ đạt mức gần 6% theo dự báo của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF). Sự tăng trưởng của nền kinh tế và ổn định kinh tế vĩ mô là những yếu tố hết sức quan trọng thu hút đầu tư của doanh nghiệp, tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của cả doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp Ấn Độ.

Ấn Độ là cửa ngõ để hàng hóa Việt Nam tiếp cận thị trường Nam Á- Ảnh 2.

Ấn Độ là thị trường tiêu thụ hồ tiêu lớn thứ tư của Việt Nam với khối lượng đạt 6.813 tấn, trị giá 28 triệu USD, tăng 46,5% về lượng và tăng 90,6% về trị giá - Ảnh minh họa

Thứ hai, việc di chuyển giữa hai nước hết sức thuận lợi với các đường bay thẳng giữa các thành phố lớn.

Việt Nam và Ấn Độ đã thiết lập được đường bay thẳng giữa Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng với nhiều thành phố của Ấn Độ như Delhi, Mumbai... với tần suất gần 50 chuyến bay/tuần. Điều này vô cùng thuận lợi cho việc di chuyển của cá nhân, doanh nghiệp, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hai bên tìm hiểu, thâm nhập thị trường của nhau. Đây cũng là điều kiện hết sức thuận lợi cho hai bên thúc đẩy hợp tác du lịch và thương mại, đầu tư gắn với du lịch.

Thứ ba, cơ cấu ngành hàng của hai nước có sự bổ sung lẫn nhau.

Cả Việt Nam và Ấn Độ đều có nhu cầu cao đối với hàng hóa của mỗi bên. Với cơ cấu hàng hóa bổ sung lẫn nhau, Việt Nam có thể cung cấp cho Ấn Độ nhiều loại hàng hóa đa dạng, từ nông thủy sản, gia vị phục vụ tiêu dùng và sản xuất xuất khẩu; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng, thiết bị điện tử; các sản phẩm hóa chất, phân bón, chất dẻo; đến các sản phẩm tiêu dùng, đồ thủ công mỹ nghệ… 

Ngược lại, Ấn Độ là nguồn cung cấp nguyên phụ liệu phục vụ cho các ngành sản xuất trong nước của Việt Nam như dệt may, da giày; dược phẩm; linh kiện, phụ tùng; thức ăn gia súc và nguyên liệu sản xuất thức ăn gia súc; khoáng sản…

Bên cạnh những tiềm năng, lợi thế sẵn có, quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại giữa Việt Nam - Ấn Độ đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Cụ thể, kim ngạch thương mại hai chiều vẫn chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng kim ngạch của mỗi nước với thế giới. 

Năm 2022, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Ấn Độ đạt 15 tỷ USD, mức cao nhất từ trước đến nay. Tuy nhiên, tỷ trọng xuất khẩu của Việt Nam sang Ấn Độ chỉ chiếm 2,1% trong xuất khẩu của Việt Nam ra thế giới; tỷ trọng nhập khẩu của Việt Nam từ Ấn Độ chỉ chiếm 1,97% trong nhập khẩu của Việt Nam từ thế giới.

Rào cản từ chính sách bảo hộ thị trường

Thêm vào đó, chính sách bảo hộ thị trường trong nước của Ấn Độ cũng là một rào cản. Trong những năm gần đây, Ấn Độ đã ban hành và áp dụng một loạt các biện pháp chính sách hạn chế thương mại đối với hàng nhập khẩu từ Việt Nam, gây ảnh hưởng tiêu cực và làm gián đoạn hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của doanh nghiệp hai nước. Có thể kể đến các biện pháp như áp giá sàn nhập khẩu, cấp phép nhập khẩu, biện pháp phòng vệ thương mại... và gần đây nhất là việc Ấn Độ dừng cấp mới/gia hạn giấy chứng nhận tiêu chuẩn BIS đối với một số mặt hàng của Việt Nam xuất khẩu sang Ấn Độ.

(nguồn: baochinhphu.vn)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Ấn Độ là cửa ngõ để hàng hóa Việt Nam tiếp cận thị trường Nam Á

 

kndn1

bhql2024

hoa-moc-thien

dai-lam-moc