top-banner-2

Thứ hai, 22/01/2024, 11:18 GMT+7

Bộ Tài chính tích cực siết chặt quản lý, lành mạnh hóa thị trường

Viết bởi ducanh   
Thứ hai, 22/01/2024, 11:18 GMT+7

Tại cuộc họp báo thường kỳ quý IV của Bộ Tài chính tổ chức chiều ngày 19/1, lãnh đạo và đại diện Bộ Tài chính đã chia sẻ các thông tin dư luận quan tâm trong lĩnh vực hoạt động ngành tài chính.

bo-tai-chinh-tich-cuc-siet-chat-quan-ly-lanh-manh-hoa-thi-truong

Lãnh đạo Bộ Tài chính chia sẻ thông tin với báo chí - Ảnh: VGP/HT

Tiếp tục làm việc, rà soát thanh tra các DN

Trao đổi thông tin về vấn đề thanh tra doanh nghiệp bảo hiểm, ông Doãn Thanh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho biết sẽ hoàn thành việc thanh tra doanh nghiệp bảo hiểm theo kế hoạch năm 2023 trước dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn.

"Sau khi ban hành kết luận thanh tra, Cục Quản lý, Giám sát bảo hiểm sẽ công bố thông tin đầy đủ", ông Doãn Thanh Tuấn nêu.

Về kế hoạch thanh tra doanh nghiệp bảo hiểm năm 2024, ông Doãn Thanh Tuấn cho biết, từ ngày 27/11/2023, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã phê duyệt kế hoạch thanh tra năm 2024, trong đó sẽ tiến hành thanh tra 6 doanh nghiệp bảo hiểm, gồm 4 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ và 2 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ. Vì thế, đoàn thanh tra sẽ thực hiện thanh tra theo kế hoạch được thông qua và thông tin cụ thể sẽ được công bố ngay khi có kết quả.

Trước đó, Bộ Tài chính cho biết, đang thanh tra 10 doanh nghiệp bảo hiểm. Trong nửa đầu năm 2023, Bộ Tài chính hoàn thành thanh tra và công bố báo cáo thanh tra tại 4 doanh nghiệp bảo hiểm. Qua đó, Bộ Tài chính đã chỉ ra hàng loạt sai phạm về tư vấn bảo hiểm, hoạt động đại lý bảo hiểm… và yêu cầu lãnh đạo cácdoanh nghiệp bảo hiểm xử lý nghiêm, có văn bản báo cáo.

Theo Cục Giám sát, quản lý bảo hiểm, thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật kinh doanh bảo hiểm theo hướng rõ ràng, minh bạch, tạo điều kiện cho doanh nghiệp bảo hiểm, bên mua bảo hiểm; đồng thời tăng cường ứng dụng công nghệ thông để nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý, giám sát của cơ quan quản lý.

Bộ Tài chính cũng yêu cầu các doanh nghiệp bảo hiểm tăng cường năng lực tài chính, quản lý rủi ro, quản trị doanh nghiệp, chất lượng dịch vụ khách hàng và công khai minh bạch; tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý, giám sát, thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm pháp luật để răn đe, tăng tính tuân thủ của các doanh nghiệp.

Bộ Tài chính cũng chia sẻ thông tin về việc quản lý Quỹ bình ổn giá. Cụ thể, vừa qua, Thanh tra Chính phủ đã ban hành thông báo kết luận thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong công tác quản lý nhà nước về xăng dầu. Trong đó đã chỉ ra nhiều hạn chế còn tồn tại trong việc quản lý Quỹ bình ổn giá.

Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, do Ngân hàng Nhà nước chưa có văn bản hướng dẫn các ngân hàng thương mại quản lý Quỹ bình ổn giá phù hợp với chức năng nhiệm vụ của ngân hàng, dẫn đến 7/15 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu đã sử dụng Quỹ bình ổn giá sai mục đích bình ổn giá, không kết chuyển về tài khoản Quỹ bình ổn giá mà để lại tài khoản thanh toán của doanh nghiệp thường xuyên, trong nhiều kỳ trước khi hoàn trả lại Quỹ bình ổn giá.

Trong số này có 3/7 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu đã bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính từ 3 lần trở lên, cùng với đó là 3 thương nhân đã trích lập và chi sử dụng Quỹ bình ổn giá vượt so với khối lượng trên sổ sách, 1 thương nhân trích lập thiếu, 1 thương nhân thực hiện bút toán điều chỉnh giảm Quỹ không phù hợp nguyên tắc kế toán.

Vì thế, kết luận của Thanh tra Chính phủ đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất, sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật trong việc trích lập, sử dụng và quản lý Quỹ bình ổn giá hiện nay.

Liên quan đến vấn đề này, trả lời báo chí tại họp báo thường kỳ của Bộ Tài chính ngày 19/1, ông Phạm Văn Bình, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, thực hiện theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài chính đã có văn bản gửi các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu rà soát, báo cáo tổng thể.

Trong văn bản này, Bộ Tài chính đã đề nghị các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu nghiêm túc thực hiện các kết luận của Thanh tra Chính phủ cũng như rà soát tổng thể để đảm bảo chi đúng quy định, trong quá trình rà soát có phát sinh điều chỉnh thì phải điều chỉnh kịp thời. Đồng thời, Bộ Tài chính cũng đã báo cáo để phối hợp với các bộ, các đơn vị liên quan thực hiện tổng thể theo kiến nghị của Thanh tra Chính phủ.

"Đây là chuỗi vấn đề nhiều kỳ nên Bộ Tài chính đã mời từng doanh nghiệp thuộc đối tượng mà Thanh tra Chính phủ nêu ra để trao đổi, làm rõ số liệu, trên cơ sở đó đề nghị các doanh nghiệp rà soát lại. Bộ Tài chính sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan để thực hiện đầy đủ các kết luận của Thanh tra Chính phủ", ông Phạm Văn Bình cho nhấn mạnh.

Nỗ lực nâng cấp hệ thống, sớm nâng hạng thị trường

Về nâng hạng thị trường chứng khoán (TTCK) và hệ thống giao dịch mới, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, Bộ Tài chính xác định đây là nhiệm vụ rất quan trọng trong giai đoạn hiện nay và thời gian tới.

Về nâng hạng thị trường, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cho biết, vừa qua đã họp và có chỉ đạo, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đang chủ trì triển khai các công việc và rà soát lần cuối các công việc để TTCK đạt được nâng hạng.

Quá trình đó phải gắn với thị trường ở những hạng mới, phải tính toán đủ các rủi ro, từ đó có giải pháp để quản trị rủi ro, đảm bảo TTCK vận hành an toàn hệ thống. Mục tiêu và đích đến của nâng hạng TTCK, giống như mục tiêu và hệ thống giao dịch mới, sớm nhất có thể, hướng tới thực hiện Chiến lược phát triển TTCK đến năm 2030 và các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về thời gian TTCK được xem xét nâng hạng.

Bộ Tài chính tích cực siết chặt quản lý, lành mạnh hóa thị trường- Ảnh 2.

Ông Mai Sơn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế - Ảnh: VGP/HT

Riêng về hệ thống giao dịch mới của Bộ Tài chính 2 năm qua đã chỉ đạo sát sao và thúc đẩy các chủ đầu tư và các đơn vị có liên quan phối hợp với nhà thầu triển khai công việc.

Đến nay, về kỹ thuật cơ bản đã hoàn thành và quá trình chạy thử nghiệm, các đơn vị trực tiếp và các thành viên thị trường có liên quan đang triển khai tích cực.

"Yêu cầu của hệ thống giao dịch là rất cao về tính ổn định và an toàn, Bộ Tài chính đã chỉ đạo chủ đầu tư và nhà thầu, đảm bảo ổn định, an toàn và gần như không có rủi ro, lúc đó, cơ quan có thẩm quyền mới đưa vào vận hành hệ thống mới", Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi chia sẻ.

Lãnh đạo Bộ Tài chính cho hay: Đây là hệ thống rất lớn, gắn kết chặt chẽ giữa các hệ thống như Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, Trung tâm Lưu ký chứng khoám… Điều quan trọng là phải bảo đảm an toàn cao nhất và sớm nhất đưa vào vận hành khi đáp ứng đủ các điều kiện nêu trên.

"TTCK sau giai đoạn phát triển nền tảng thì cần bước phát triển lên tầm cao mới, càng sớm càng tốt", Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi nhấn mạnh.

(nguồn: baochinhphu.vn)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Bộ Tài chính tích cực siết chặt quản lý, lành mạnh hóa thị trường

 

kndn1

bhql2024

hoa-moc-thien-2

tieng-hat-viet-toan-cau-2

hoa-moc-thien

dai-lam-moc