Làm sao để biến một nhân viên thành nhà lãnh đạo? |
Viết bởi Nam Anh |
Thứ ba, 27/03/2018, 15:49 GMT+7 |
Nếu bạn liên tục phát triển con người trong tổ chức trong nhiều năm, bạn không bao giờ sợ thiếu những vị giám đốc đủ đức và tài, sẵn sàng gánh vác trách nhiệm xây dựng và phát triển tổ chức, đồng thời chia sẻ một phần gánh nặng trên vai bạn.
Hiếm người biết được sự khác biệt giữa trang bị cho nhân viên và phát triển họ. Khi bạn trang bị cho nhân viên, bạn dạy cho họ biết cách thực hiện một công việc. Chỉ cho ai đó cách sử dụng một loại máy móc, thiết bị nào đó, đó là trang bị. Dạy họ cách bán hàng, đó là trang bị. Huấn luyện một quy trình làm việc, đó là trang bị. Dĩ nhiên là bạn phải trang bị cho nhân viên để họ biết cách làm. Huấn luyện tác nghiệp cho nhân viên nên là một thói quen của các cấp lãnh đạo (mặc dù tôi biết không phải ai cũng làm được điều này). Phát triển thì lại khác. Khi bạn phát triển người khác, bạn đang giúp họ với tư cách cá nhân. Bạn đang giúp họ trau dồi những phẩm chất cá nhân có ích trong nhiều lĩnh vực của cuộc sống chứ không chỉ trong phạm vi công việc. Khi bạn giúp ai đó tu dưỡng kỷ luật bản thân hay rèn luyện thái độ tích cực, đó là phát triển. Giúp họ quản lý thời gian hiệu quả, hay cải thiện kỹ năng làm việc với người khác, đó là phát triển. Huấn luyện nâng cao khả năng lãnh đạo, đó là phát triển. Tuy nhiên nhiều lãnh đạo không quan niệm rằng việc phát triển người khác là cần thiết. Họ mặc định cho rằng nhân viên phải tự lo về sự phát triển của bản thân. Tuy nhiên, họ không nhận ra rằng, phát triển luôn được trả công cao hơn rất nhiều so với trang bị, vì nó giúp một người tiến bộ toàn diện và nâng lên một tầm cao mới. Phát triển người khác là việc khó khăn nhưng rất đáng giá và huấn luyện nhân viên trở thành lãnh đạo là một trong những việc đáng làm. Nhân viên càng thể hiện xuất sắc vai trò lãnh đạo, khả năng họ ảnh hưởng và giúp cho sự phát triển của tổ chức càng lớn. Để phát triển kỹ năng này, chúng ta không chỉ dừng ở việc dạy những khóa học về nghệ thuật lãnh đạo hay yêu cầu họ đọc sách. Chúng ta cần đưa họ vào một chương trình phát triển, mà qua đó, họ lĩnh hội đủ hành trang, dũng cảm bước vào thế giới lãnh đạo. Cách hữu hiệu nhất mà tôi biết là huấn luyện tại chỗ, nơi thầy và trò cùng làm việc. Giả sử tôi đang giúp bạn phát triển một kỹ năng. Đây là những bước mà chúng ta sẽ thực hiện: Bước 1: Tôi làm. Mọi quy trình đều bắt đầu từ việc chính tôi phải trực tiếp làm việc đó. Làm sao tôi dạy bạn những việc mà tôi không biết làm? Bước 2: Tôi làm, bạn quan sát. Sau khi đã nắm vững quá trình, tôi làm điều đó trước sự quan sát của bạn, tôi giải thích rõ nguyên lý, khuyến khích bạn đặt câu hỏi. Tôi cần bạn hiểu tường tận những việc tôi làm. Bước 3: Bạn làm, tôi quan sát. Bạn có thể đã học được nhiều qua quan sát, tới một lúc nào đó, bạn cần xắn tay, nhảy vào làm thử. Khi đạt đến trình độ này, bạn bắt đầu tự thực hiện. Vai trò của tôi lúc này là khuyến khích, động viên, nhẹ nhàng sửa lỗi cho bạn nếu có và hướng dẫn lại nếu cần thiết. Bước 4: Bạn làm. Ngay khi bạn đã nắm được cơ bản công việc, tôi nhường chỗ cho bạn tự làm đến khi thành thạo. Bạn đã có thể bắt đầu phát triển phương pháp và phong cách riêng của mình. Bước 5: Bạn làm và người khác quan sát. Bước cuối cùng trong quá trình phát triển là tôi giúp bạn tìm ra một người nào đó, rồi khuyến khích bạn khởi động quá trình phát triển họ. Bạn không bao giờ thật sự am tường một việc gì đó cho đến khi bạn dạy nó cho một người khác. Hơn nữa, quy trình sẽ vẫn dở dang nếu bạn chưa chuyển giao những gì bạn đã học được cho một người khác. Nếu bạn tự nguyện "hiến thân" cho sự nghiệp phát triển con người và tận tụy lâu dài, bạn sẽ dần nhận ra những thay đổi trong các mối quan hệ với nhân viên. Họ sẽ trung thành với bạn vì biết bạn lúc nào cũng tôn trọng lợi ích cao nhất của họ và bạn đã chứng minh điều đó qua từng hành động. Giờ đây, khi đã biết được những điều này, bạn đừng trói buộc nhân viên quá nhiều, đôi khi, cách tốt nhất để phát triển nhân viên lại là để cho anh ta ra đi và "sải rộng đôi cánh". Nếu bạn đã gắn bó với sự nghiệp phát triển con người và giúp nhân viên chuyển giao những gì họ học được cho những nhân viên tiếp theo, bạn sẽ tìm ngay được một người khác trong nhóm mới này, thay thế người ra đi. Theo Thảo Nguyên - ttvn.vn - 27/03/2018 Link nguồn: http://ttvn.vn/kinh-doanh/lam-sao-de-bien-mot-nhan-vien-thanh-nha-lanh-dao-52018273132421347.htm
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|