5 cách để tuyển dụng nhân sự như... nhà tiếp thị |
Viết bởi ducanh |
Thứ hai, 23/11/2015, 09:31 GMT+7 |
Theo một cuộc khảo sát do LinkedIn thực hiện trong năm 2014, khoảng 75% số người lao động có trình độ chuyên môn cao đang có ý định thay đổi công việc nếu tìm được việc làm phù hợp. Cùng với đó, một số thị trường lao động cũng đang có dấu hiệu hồi phục. Trong bối cảnh ấy, Jerome Ternynck - nhà sáng lập kiêm TGĐ của SmartRecruiters cho rằng, những người tìm việc nay trở nên kén chọn hơn khi quyết định đầu quân cho một nhà tuyển dụng. Điều đó cũng có nghĩa là các nhà tuyển dụng cần phải thay đổi cách thức tuyển dụng theo hướng chú trọng hơn đến người tìm việc và đối xử với họ như những khách hàng. Thay vì chỉ đơn giản đăng một thông báo tuyển dụng cho một công việc hay vị trí, nhà tuyển dụng cần phải tiếp thị và “bán” công việc đó. Ternynck đưa ra những lời khuyên sau đây giúp doanh nghiệp thay đổi cách nhìn và cách làm đối với quá trình tuyển dụng như một quá trình tiếp thị. Xây dựng nhãn hiệu Trong hoạt động tiếp thị, nhãn hiệu chính là “xương sống”. Nhãn hiệu xác định hình ảnh của doanh nghiệp và hình thành nên các quan niệm về doanh nghiệp. Tương tự, trong tuyển dụng, nhãn hiệu của nhà tuyển dụng (employer brand), là yếu tố quan trọng nhất. Nhãn hiệu của nhà tuyển dụng thể hiện hình ảnh, môi trường làm việc, văn hóa tổ chức của doanh nghiệp và những mong đợi của nhà tuyển dụng đối với người tìm việc. Xây dựng nhãn hiệu cho nhà tuyển dụng phải được xác định là một nhiệm vụ quan trọng trong quá trình tuyển dụng. Theo một cuộc khảo sát do Brandemix thực hiện vào tháng 12/2014 với các giám đốc điều hành và các chuyên gia tiếp thị, 80% số người tham gia khảo sát tin rằng xây dựng nhãn hiệu cho nhà tuyển dụng là một việc làm có tác dụng rất lớn trong việc thu hút nhân tài. Ternynck khuyên doanh nghiệp nên xây dựng hình ảnh của nhà tuyển dụng bằng cách chia sẻ những câu chuyện thành công, các giá trị và văn hóa của công ty, giúp cho những người tìm việc hình dung rằng điều gì là quan trọng nhất đối với văn hóa của doanh nghiệp khi họ làm việc tại đây. Tiếp thị bằng nội dung Xây dựng nhãn hiệu không chỉ dừng lại ở việc quảng bá về hình ảnh, văn hóa của doanh nghiệp trên các mạng truyền thông xã hội. Những nhà tiếp thị giỏi nhất thường cung cấp những thông tin hữu dụng và những nội dung thú vị cho khách hàng mục tiêu của mình. Tiếp thị bằng nội dung là một cách làm hiệu quả để thu hút sự chú ý của khách hàng và xây dựng một cơ sở khách hàng rộng lớn là những “người đi theo” (followers). Nội dung giúp xây dựng sự nhận biết về nhãn hiệu, tăng số lượng khách hàng truy cập vào trang web của doanh nghiệp và chuyển những khách hàng này thành khách hàng của doanh nghiệp. Tiếp thị bằng nội dung cũng có tác dụng tương tự đối với các nhà tuyển dụng trong việc thu hút người tìm việc. Ternynck khuyên nhà tuyển dụng nên đăng các bài viết về bí quyết tìm việc, tư vấn nghề nghiệp, chia sẻ các thông tin về ngành mà những người lao động có trình độ chuyên môn cao có thể quan tâm. Với các nội dung hữu dụng và thú vị, nhà tuyển dụng có thể lôi kéo các ứng viên đến trang web của mình, xây dựng niềm tin và mối quan hệ gần gũi với ứng viên trước khi họ tiếp cận với nhà tuyển dụng. Xây dựng hồ sơ ứng viên tiềm năng Các nhà tiếp thị nghiên cứu rất kỹ khách hàng mục tiêu của mình để tìm hiểu thái độ và hành vi của khách hàng, từ đó xây dựng các thông điệp tiếp thị phù hợp. Họ xây dựng các hồ sơ chi tiết của những khách hàng điển hình, nêu rõ mong muốn, nhu cầu và các vấn đề mà những khách hàng ấy có thể gặp hằng ngày. Tương tự, để tiếp cận được những ứng viên phù hợp, nhà tuyển dụng cũng cần phải hiểu rõ về họ. Động cơ chính và mục tiêu của họ là gì? Họ đánh giá cao điều gì ở một môi trường làm việc? Hãy vẽ ra chân dung của một ứng viên tiềm năng cho một công việc cần tuyển dụng và tiếp cận họ dựa trên những thông tin cụ thể về nhu cầu, mong muốn của họ. Theo đuổi ứng viên Mục tiêu của các hoạt động tiếp thị là tiếp cận khách hàng vào thời điểm thích hợp với những thông điệp thích hợp nhằm ảnh hưởng lên các quyết định mua hàng của họ. Các nhà tiếp thị theo đuổi khách hàng triển vọng theo mô hình của một chiếc phễu, theo dõi các giai đoạn trong quá trình ra quyết định mua hàng của họ. Ở mỗi giai đoạn, nhà tiếp thị sẽ đưa ra những thông điệp tiếp thị khác nhau nhằm thúc đẩy khách hàng chuyển sang giai đoạn tiếp cho đến khi họ ra quyết định mua hàng. Trong tuyển dụng cũng vậy, nhà tuyển dụng cần tiếp cận các đối tượng ứng viên khác nhau theo những cách khác nhau trong quá trình tuyển dụng. Chẳng hạn, những mẩu tin tuyển dụng đăng trên LinkedIn chỉ nên nhắm đến việc thu hút những ứng viên bị động đang quan tâm đến công ty, trong khi thông điệp tuyển dụng trên trang web của doanh nghiệp nên nhằm mục đích khuyến khích tất cả những ứng viên đang có quan tâm ứng tuyển. Chuyển hóa ứng viên thành nhân viên Các nỗ lực tiếp thị sẽ không có nhiều ý nghĩa nếu doanh nghiệp không thể chuyển hóa những khách hàng triển vọng thành khách hàng hiện tại. Quá trình tuyển dụng cũng sẽ không có hiệu quả nếu doanh nghiệp không thể chuyển hóa ứng viên thành nhân viên. Nhà tuyển dụng cần dẫn dắt ứng viên thành công qua các giai đoạn nộp đơn ứng tuyển, phỏng vấn và ra quyết định nhận việc. Ternynck khuyên nhà tuyển dụng nên sử dụng lối giao tiếp mang tính cá nhân cao để xây dựng quan hệ với những ứng viên tiềm năng và đưa họ vào danh sách cần theo dõi đặc biệt. Hãy làm cho ứng viên hiểu được những kỳ vọng của doanh nghiệp trong quá trình tuyển dụng và thường xuyên giữ liên lạc với họ. Bằng cách áp dụng cách làm của những nhà tiếp thị, các nhà tuyển dụng sẽ có thể thực hiện quá trình tuyển dụng hiệu quả hơn và tìm ra những nhân tài giỏi nhất cho doanh nghiệp của mình. Theo Thùy Dung - ttvn.vn - 23/11/2015
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|