Quốc hội chuẩn bị từ sớm, từ xa để 'kỳ họp sau tốt hơn kỳ trước' |
Viết bởi Lam Yên |
Thứ hai, 27/09/2021, 11:32 GMT+7 |
Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhấn mạnh coi việc đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác giám sát là một trọng điểm trong việc đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội trong nhiệm kỳ khóa XV này. Ưu tiên chất lượng, không chạy theo số lượng Trước hết, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, công tác lập pháp bám sát yêu cầu được nêu trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng là xây dựng hệ thống pháp luật đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, công khai, minh bạch, ổn định, có tuổi thọ cao, đảm bảo khả thi đi vào cuộc sống. Chính vì vậy, các dự án luật ngay trong nhiệm kỳ đầu tiên của Quốc hội khoá XV phải phấn đấu để đạt được những yêu cầu rất cao đó và muốn đạt được phải có sự chuẩn bị từ sớm, từ xa, thể hiện tinh thần đổi mới, quyết tâm nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội nói chung, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, của Hội đồng Dân tộc và các cơ quan của Quốc hội nói riêng. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: "Tôi tin rằng công tác lập pháp của Quốc hội kỳ họp tới đây sẽ đảm bảo chất lượng như chúng ta mong đợi". Ảnh: Quốc hội Tại Kỳ họp thứ 2 dự kiến khai mạc vào 20/10 tới đây, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua cũng như cho ý kiến đối với 7 dự án luật. Qua hai phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến đối với các dự án luật này mà theo kết luận là “nhiều ý kiến rất có giá trị, chất lượng các dự án luật của các cơ quan trình cũng rất tốt và báo cáo thẩm tra cũng rất sắc sảo”, hoàn thiện thêm một bước để trình ra Quốc hội. Cụ thể, 6 dự án Luật: Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự, Cảnh sát cơ động; Điện ảnh (sửa đổi); Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi); Thi đua, khen thưởng (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ nhận được ý kiến thảo luận sâu sắc và sự đồng thuận về nhiều nội dung. Riêng đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê, Ủy ban Thường vụ Quốc hội còn đề nghị Chính phủ tiếp tục hoàn thiện dự án luật này theo hướng bên cạnh phụ lục về các chỉ tiêu thống kê cần rà soát để có thể đề xuất với Quốc hội cho sửa đổi, bổ sung một số vấn đề hết sức quan trọng khác để đáp ứng yêu cầu thực tiễn hiện nay. Dự kiến nội dung này sẽ tiếp tục được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp thứ 4 vào đầu tháng 10, trên tinh thần “phải ưu tiên cao nhất cho vấn đề chất lượng mà không chạy theo số lượng, để đảm bảo khi luật được ban hành có tính khả thi và đáp ứng được các yêu cầu”. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị các cơ quan soạn thảo phối hợp chặt chẽ với cơ quan thẩm tra và các cơ quan hữu quan, nghiên cứu kỹ lưỡng các ý kiến để tiếp tục hoàn thiện, tập trung nâng cao chất lượng các dự án luật thêm một bước nữa, đảm bảo tính thuyết phục, tạo sự đồng thuận cao khi trình Quốc hội để sau khi được ban hành các luật này sẽ tạo ra được hành lang pháp lý và chính sách đột phá với tầm nhìn dài hạn, thúc đẩy phát triển các lĩnh vực mà luật điều chỉnh. Quyết sách nhiều vấn đề quan trọng Thời gian qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng xem xét hàng loạt báo cáo, trong đó đáng chú ý là về: Tình hình thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội; Công tác năm 2021 của TANDTC, VKSNDTC, Kiểm toán Nhà nước; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, thi hành án và phòng, chống tham nhũng, giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2021. Đặc biệt về tình hình giải quyết, trả lời kiến nghị cử tri, kết quả tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu báo cáo và xem xét hàng tháng để đảm bảo sự đôn đốc, theo dõi và giám sát kịp thời, cụ thể, “tránh tình trạng đơn thư gửi đi mà rơi vào quên lãng". Để tăng nguồn lực giúp tỉnh Thanh Hóa đạt được mục tiêu như nghị quyết của Bộ Chính trị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí trình Quốc hội cho phép tỉnh Thanh Hóa thực hiện một số kiến nghị chính sách đặc thù do Chính phủ đề xuất, đồng thời lưu ý các chính sách được xây dựng, tạo cơ chế về kinh tế - xã hội phải gắn liền với việc củng cố quốc phòng và an ninh, đảm bảo trật tự, an toàn xã hội, an sinh xã hội phù hợp với đặc điểm và tình hình thực tế của địa phương. Ngoài tỉnh Thanh Hóa, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý để báo cáo Quốc hội cho bổ sung thêm và sẽ trình tại phiên họp tháng 10 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về cơ chế, chính sách đặc thù cho tỉnh Thừa Thiên Huế và tỉnh Nghệ An. Vấn đề án an ninh nguồn nước, an toàn hồ đập, hồ chứa nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy dù được chuẩn bị trong 2 năm qua với rất nhiều các cơ quan tham gia và báo cáo chất lượng, công phu, tuy nhiên, đây là vấn đề rất lớn, nhất là đầu tư công trong một thời gian dài nên đề nghị Chính phủ cần tiếp tục hoàn thiện, bổ sung, báo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét, có ý kiến chỉ đạo để có căn cứ triển khai các bước tiếp theo đúng với chức năng, thẩm quyền của Quốc hội. Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết thống nhất cao với nhiều nội dung quan trọng. Ảnh: Quốc hội Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã xem xét, quyết định ban hành nghị quyết với sự thống nhất và đồng thuận rất cao về nhiều vấn đề quan trọng. Đáng chú ý là việc ban hành một số giải pháp về miễn, giảm thuế nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của đại dịch COVID-19 với tổng mức khoảng 21,3 nghìn tỷ đồng; cho phép chuyển 14,62 nghìn tỷ đồng từ cắt giảm, tiết kiệm chi vào dự phòng ngân sách trung ương để ưu tiên sử dụng cho phòng, chống dịch Covid-19. Liên quan đề nghị của TANDTC về tổ chức phiên tòa trực tuyến, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sau khi thảo luận đã bày tỏ tinh thần thống nhất cao và sẽ báo cáo cơ quan có thẩm quyền cho ý kiến trước khi trình Quốc hội xem xét quyết định trong kỳ họp tới. Giám sát là một trọng điểm trong đổi mới Về công tác giám sát, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua 2 nghị quyết thành lập các Đoàn giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong năm 2022 và thảo luận, cho ý kiến về kế hoạch chi tiết và đề cương giám sát của các chuyên đề thuộc nhiệm vụ giám sát tối cao của Quốc hội (thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 5 năm qua; việc thực hiện chính sách pháp luật về quy hoạch) và giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong năm 2022 (việc sáp nhập các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và việc thực hiện giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân). Trên tinh thần “chuẩn bị kỹ, chuẩn bị tốt các kế hoạch đề cương đã có thể thắng lợi được một nửa”, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhấn mạnh coi việc đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác giám sát là một trọng điểm trong việc đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội trong nhiệm kỳ khóa XV này. Đề nghị các đoàn giám sát nêu cao tinh thần trách nhiệm để báo cáo kết quả với cử tri và nhân dân, lãnh đạo Quốc hội nhấn mạnh báo cáo giám sát phải trả lời thẳng vào những câu hỏi cụ thể, làm rõ cho được nguyên nhân, chỉ rõ địa chỉ, trách nhiệm, không né tránh vì lãng phí gây hậu quả rất lớn, quy hoạch không tốt tác động đến sự phát triển, sáp nhập đơn vị hành chính, tinh giản bộ máy chưa thực sự đi liền với tiết giảm chi phí, ngân sách và tình hình khiếu nại, tố cáo vẫn diễn biến phức tạp, kéo dài. Bên cạnh nội dung cũng như phương án tổ chức kỳ họp, công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn phòng, chống dịch cũng luôn được đặc biệt quan tâm, có dự lường các tình huống có thể xảy ra để đảm bảo phương án xử lý kịp thời. “Với tinh thần chuẩn bị như thế, hy vọng rằng kỳ họp thứ hai của Quốc hội khóa XV sẽ có chất lượng, kết quả tốt hơn kỳ họp thứ nhất, như mong muốn của chúng ta, cũng như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã giao "năm sau phải tốt hơn năm trước, kỳ sau phải tốt hơn kỳ trước". Đây là một việc rất khó nhưng chúng ta phải cố gắng” – ông Vương Đình Huệ nhấn mạnh. Theo Ngọc Thành - vov.vn - 27/09/2021 Link nguồn: https://vov.vn/chinh-tri/quoc-hoi-chuan-bi-tu-som-tu-xa-de-ky-hop-sau-tot-hon-ky-truoc-893698.vov Tags: Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|