Viễn cảnh tồi tệ ở Afghanistan |
Viết bởi Lam Yên |
Thứ sáu, 27/08/2021, 09:56 GMT+7 |
Giá lương thực tăng vọt, tiền mặt có hạn và số người tị nạn tăng nhanh. Theo cựu giám đốc ngân hàng trung ương Afghanistan, tương lai kinh tế của nước này dưới sự cai trị của Taliban có vẻ ảm đạm. "Thật không may cho Afghanistan khi phải đối mặt với nhiều cuộc khủng hoảng như Covid, xung đột và hạn hán", Ajmal Ahmady, cựu lãnh đạo ngân hàng trung ương Afghanistan, nói với CNN. "Trên hết là sẽ có khó khăn về kinh tế. Và đối với người dân Afghanistan, điều đó sẽ rất khó đối phó". Ahmady dự đoán Taliban sẽ gặp khó khăn trong việc quản lý và hoạch định chính sách kinh tế. "Họ không nói rõ những điều cần làm trong chính sách của họ là gì. Không rõ ai sẽ là người điều hành kinh tế cho họ. Tôi nghĩ họ sẽ phải đối mặt với rất nhiều thách thức mà họ sẽ phải nhanh chóng tìm cách giải quyết", ông nói. Lạm phát, thiếu hụt tiền mặt Vấn đề tài chính cấp bách nhất là quốc gia này về cơ bản đã cạn kiệt USD - một thảm họa đối với một quốc gia đang thâm hụt thương mại rất lớn như Afghanistan. Các lô hàng USD của Afghanistan đã không đến được đất nước này do bạo lực và hỗn loạn trong những ngày trước khi Kabul rơi vào tay Taliban. Và hiện tại, Washington đã phong tỏa các tài sản của ngân hàng trung ương Afghanistan nắm giữ ở Mỹ để ngăn dòng tiền lọt vào tay Taliban. Ngoài ra, dưới áp lực của Mỹ, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) đang tạm dừng khoản tiền 450 triệu USD dự kiến sẽ đến Afghanistan trong thời gian tới. Ahmady, một nhà kinh tế được đào tạo tại Harvard, cho biết tình trạng này sẽ gây khó khăn về kinh tế cho chế độ mới cũng như người dân Afghanistan. Cụ thể, ông cho rằng đồng tiền của Afghanistan sẽ mất giá (đồng tiền của Afghanistan đã giảm xuống mức thấp kỷ lục sau khi Kabul thất thủ), gây ra lạm phát, bao gồm cả giá lương thực cao hơn. "Xin đừng buông tay" Ahmady, người từng là cố vấn kinh tế cho cựu Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani, cho biết Taliban sẽ giảm khả năng tiếp cận dòng tiền. "Sẽ có một sự thắt chặt tài chính. Thu nhập thực tế sẽ giảm. Tôi tin rằng trong trung và dài hạn, bạn sẽ thấy dòng người tị nạn bắt đầu tăng lên", ông nói. Những người ở lại Afghanistan có thể gặp khó khăn khi rút tiền ra khỏi ngân hàng. Một ngày trước khi Kabul rơi vào tay Taliban, ngân hàng trung ương đã giới hạn số tiền mà khách hàng có thể rút từ ngân hàng. Ahmady dự đoán Taliban sẽ cần tiếp tục các biện pháp kiểm soát vốn này vì áp lực tài chính quá lớn của đất nước. Ahmady kêu gọi cộng đồng quốc tế tiếp tục hỗ trợ người dân Afghanistan, nếu không thông qua chính phủ, thì hãy thông qua Liên hợp quốc và các tổ chức phi chính phủ. "Hỗ trợ nhân đạo không chỉ cần duy trì mà còn cần phải tăng lên trong vài ngày và tháng tới. Chúng ta đừng đợi cho đến khi một cuộc khủng hoảng khác ập đến", ông nói. Ahmady lo sợ quá khứ lặp lại khi Mỹ rút lui khỏi khu vực này. "Xin đừng buông tay. Chúng tôi đã thấy câu chuyện này trước đây. Việc tiếp tục cung cấp hỗ trợ nhân đạo cho Afghanistan là rất quan trọng, đặc biệt là trong thời gian này", Ahmady nói. "Tôi chỉ tin những gì tôi thấy, không phải những gì tôi nghe" Mỹ, Vương quốc Anh, Canada và các cường quốc phương Tây khác đã báo hiệu rằng họ sẽ không công nhận Taliban là lực lượng lãnh đạo hợp pháp của Afghanistan. Taliban tuyên bố họ đã thay đổi so với lần cuối cùng họ cai trị Afghanistan, một thời kỳ được đánh dấu bằng những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng, các vụ hành quyết công khai và khủng bố. Phụ nữ không được phép đi làm hoặc đến trường và sẽ bị tử hình nếu ngoại tình hay đồng tính luyến ái. Ahmady tỏ ra hoài nghi. "Tôi chỉ tin những gì mình thấy chứ không phải những gì nghe được", Ahmady nói. Một ví dụ ông đưa ra là cách Taliban tấn công các thành phố lớn dù đã cam kết không làm điều đó. Trong những ngày gần đây cũng có các bản tin về việc chiến binh Taliban đụng độ với các nhà hoạt động trong các cuộc biểu tình chống chế độ mới. Theo các nhân chứng, các tay súng Taliban đã xả súng vào đám đông và đánh đập người biểu tình ở Jalalabad. "Chúng tôi sẽ rất thích nếu họ tuân thủ những nguyên tắc đó và cho phép phụ nữ được đi học, có nhân quyền, truyền thông cởi mở và không có hành động trả thù hay giết người. Đó sẽ là một tin rất tốt. Nhưng dựa trên những hành động mà chúng tôi đã thấy, thật không may, tôi không tin những tuyên bố đó vào thời điểm hiện tại", Ahmady nói. Thế còn những khoáng sản chưa được khai thác của Afghanistan? Afghanistan đang có một lượng lớn khoáng sản chưa được khai thác. Năm 2010, các quan chức quân sự và nhà địa chất Mỹ ước tính nước này đang nằm trên các mỏ khoáng sản trị giá gần 1 nghìn tỷ USD, gồm sắt, vàng, đồng, khoáng chất đất hiếm và một trong những mỏ lithium lớn nhất thế giới. Trong nhiều năm, đã có hy vọng rằng các khoáng chất tự nhiên của Afghanistan có thể thúc đẩy sự giàu có của một quốc gia nghèo nhất hành tinh. Tuy nhiên, Ahmady không lạc quan rằng tình hình sẽ thay đổi dưới sự lãnh đạo của Taliban. "Thật khó để mong đợi rằng bây giờ đột nhiên chúng sẽ được khai thác", ông nói. Một số nhà phân tích cho rằng sự sụp đổ của chính phủ do Mỹ hậu thuẫn ở Kabul sẽ tạo ra cơ hội cho Trung Quốc. Về phần mình, Ahmady cho biết ông cảm thấy "khó tin" rằng Trung Quốc sẽ đổ hàng tỷ USD vào các dự án khai thác ở Afghanistan ngay thời điểm này. Tuy vậy, ông thừa nhận rằng "có lẽ đây là cơ hội" cho Trung Quốc trong vòng 5 đến 20 năm tới. Tham khảo CNN Theo Thanh Hải - cafebiz.vn - 27/08/2021 Link nguồn: https://cafebiz.vn/vien-canh-toi-te-o-afghanistan-can-kiet-tien-mat-lam-phat-se-tang-vot-ngoi-tren-kho-bau-1000-ty-usd-nhung-chang-biet-bao-gio-moi-duoc-khai-thac-2021082709251525.chn Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|