top-banner-2

Thứ năm, 06/08/2020, 11:14 GMT+7

Chuyên gia lý giải về test nhanh, khuyến cáo âm tính vẫn phải cách ly

Viết bởi ducanh   
Thứ năm, 06/08/2020, 11:14 GMT+7

Tại sao nhiều test nhanh lại cho kết quả trái ngược với xét nghiệm khẳng định sau đó? Nếu test nhanh âm tính người dân phải làm gì?

Tính chính xác của test nhanh Covid-19 được giới chuyên gia nhiều lần đề cập. Thời điểm Bệnh viện Bạch Mai trở thành ổ dịch phức tạp tại Hà Nội, thành phố đã triển khai test nhanh tại các khu vực được khoanh vùng và cho người dân có yếu tố dịch tễ. Trong đó, nhiều test nhanh có kết quả dương tính, nhưng sau đó xét nghiệm RT-PCR lại cho kết quả âm tính. 

Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp và lan rộng các ca lây nhiễm trong cộng đồng từ tâm dịch Đà Nẵng, các biện pháp truy vết, rà soát, khoanh vùng, xét nghiệm… đang được tăng cường triển khai. Quyền Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long đã khuyến khích tăng cường làm xét nghiệm RT-PCR. Trong đó, tất cả những đơn vị có ký hợp đồng với cơ quan BHXH trên địa bàn Hà Nội phải thực hiện được xét nghiệm này. 

chuyen-gia-ly-giai-ve-test-nhanh-khuyen-cao-am-tinh-van-phai-cach-ly

Lãnh đạo Bộ Y tế cũng đề nghị Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội chủ động tập huấn về an toàn sinh học cho tất cả các đơn vị trên địa bàn, không đợi Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương. Bộ Y tế phối hợp BHXH ban hành hướng dẫn về thanh toán chi phí xét nghiệm. Đây là động thái mong muốn mở rộng xét nghiệm cho các cơ sở khám chữa bệnh có hợp đồng BHXH, BHYT.

“Chúng tôi mong muốn xét nghiệm được thực hiện ở mọi cơ sở y tế, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân. Khi người dân có yếu tố nguy cơ đến các cơ sở này sẽ được xét nghiệm và BHYT chi trả cho người đó”, ông Nguyễn Thanh Long nói.

Theo điều tra dịch tễ ca mắc Covid-19 mới nhất tại Hà Nội BN 714, bệnh nhân đã làm test nhanh tại trạm y tế phường có kết quả âm tính IgM, IgG. Trước đó, từ ngày 14-17/7, bệnh nhân đi du lịch cùng gia đình tại Đà Nẵng. Ngày 19/7, hai ngày sau khi trở về từ Đà Nẵng, bệnh nhân này bắt đầu có biểu hiện sốt nhẹ, viêm họng, tự uống thuốc tại nhà. Ngày 31/7, anh được làm test nhanh tại trạm y tế phường có kết quả âm tính IgM, IgG. 

Đến ngày 5/8, bệnh nhận được làm xét nghiệm sàng lọc lần 1 có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2 tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (cơ sở 2, Đông Anh, Hà Nội).

Theo BS Đồng Phú Khiêm, Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, để phát hiện một người có bị nhiễm virus SARS-CoV- 2 hay không hiện nay có 2 nhóm xét nghiệm trực tiếp và gián tiếp. Các xét nghiệm trực tiếp là các xét nghiệm các thành phần của cấu tạo của virus ở trong cơ thể (hiện nay xét nghiệm phổ biến nhất là xét nghiệm tìm kiếm các đoạn gen của virus bằng kỹ thuật PCR, ngoài ra còn có xét nghiệm nuôi cấy phân lập virus). 

“Ưu điểm của xét nghiệm này là có thể phát hiện người nhiễm virus ở những giai đoạn rất sớm kể từ khi người bệnh chưa biểu hiện bệnh. Vì thế đây là xét nghiệm rất có giá trị được Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo thực hiện để chẩn đoán một người có đang bị nhiễm bệnh hay không. Nhưng nhược điểm của xét nghiệm này là đòi hỏi phải có phòng xét nghiệm được trang bị đủ phương tiện cần thiết, nhân viên được đào tạo chuyên sâu và xét nghiệm này thường tốn kém và mất nhiều thời gian”, BS Khiêm nói.

chuyen gia ly giai ve test nhanh, khuyen cao am tinh van phai cach ly hinh 2

Còn gián tiếp là xét nghiệm nhằm tìm kiếm các dấu vết của virus để lại trong cơ thể nhiễm. Cụ thể là làm các xét nghiệm tìm kháng thể mà cơ thể người bệnh sinh ra khi bị nhiễm virus SARS-CoV-2 và đây là xét nghiệm mà TP Hà Nội đang thực hiện. Có điều hết sức lưu ý là người nhiễm virus SARS-CoV-2 không phải ai cũng sinh ra kháng thể, kháng thể cũng không phải được tạo ra ngay sau khi người bị nhiễm virus. Do đó, xét nghiệm test nhanh tìm kháng thể dương tính chỉ thể hiện rằng người đó đã từng bị nhiễm virus trong quá khứ, chứ không thể khẳng định người đó có đang bị bệnh, có khả năng lây bệnh hay không. Ngược lại, xét nghiệm test nhanh tìm kháng thể âm tính không có nghĩa là người đó không bị nhiễm và không lây cho người khác. 

“Như vậy người đi từ vùng dịch về dù có xét nghiệm test nhanh tìm kháng thể âm tính vẫn có thể là người đang nhiễm bệnh, vẫn có thể lây nhiễm bệnh cho cộng đồng”, bác sĩ Đồng Sỹ Khiêm nhấn mạnh.

Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, BS Nguyễn Trung Cấp cũng khuyến cáo những người xét nghiệm sớm trước ngày thứ 14, nếu kết quả âm tính cũng không nên chủ quan tự phá vỡ các quy tắc cách ly.

"Quá trình âm thầm nhân lên của virus gọi là thời gian ủ bệnh. Trong thời gian này, do virus chưa phát tán ra qua đường hô hấp nên các xét nghiệm vẫn có thể âm tính. Những trường hợp này hoàn toàn có thể có kết quả xét nghiệm dương tính vào những ngày sau. Thời gian ủ bệnh của hầu hết bệnh nhân là dưới 14 ngày, nhưng vẫn có một tỷ lệ rất nhỏ có thể dài hơn", BS Cấp nói.

theo Thiên Bình/VOV.VN - 06/08/2020

link nguồn: https://vov.vn/tin-24h/chuyen-gia-ly-giai-ve-test-nhanh-khuyen-cao-am-tinh-van-phai-cach-ly-1079362.vov


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Chuyên gia lý giải về test nhanh, khuyến cáo âm tính vẫn phải cách ly

 

kndn1

bhql2024

hoa-moc-thien-2

tieng-hat-viet-toan-cau-2

hoa-moc-thien

dai-lam-moc