top-banner-2

Thứ tư, 03/04/2019, 08:29 GMT+7

Từ vụ nữ sinh bị đánh hội đồng ở Hưng Yên, cần quan tâm giáo dục nhân cách

Viết bởi Mai Ngọc   
Thứ tư, 03/04/2019, 08:29 GMT+7

Việc “đàn anh, đàn chị” trong trường học gây ra các vụ bạo lực học đường không mới, nhưng ngày càng nghiêm trọng, bộc lộ nhiều bất cập trong giáo dục.

Thầy giáo dâm ô hàng loạt học sinh nhiều năm liền ở một trường nội trú, cô giáo cho học sinh uống nước giặt giẻ lau bảng... Những câu chuyện về bạo lực, xâm hại trong môi trường giáo dục không còn lạ khi tần xuất thường xuyên hơn và cách thức thực hiện cũng ngày càng “hiểm hóc” hơn.

Thế nhưng, sự việc nữ sinh lớp 9 ở Hưng Yên bị nhóm bạn học lột hết quần áo, đánh hội đồng, tung clip lên mạng vẫn khiến dư luận nhức nhối bởi sau đó phản ánh nhiều mảng tối của ngành giáo dục.

Sự vô cảm xen lẫn bệnh thành tích

“Những vụ đánh hội đồng của nữ sinh đã có nhiều từ trước tới nay. Đáng ra chúng ta phải rút kinh nghiệm ngay từ sớm, nhưng lại xử lý xuề xòa, nhiều vụ không nghiêm. Sự việc lần này chỉ là tức nước vỡ bờ, cho thấy ngành giáo dục còn quá lỏng lẻo trong giữ gìn an ninh trường học.

Các nữ sinh ứng xử không đúng chuẩn mực, nếu không giáo dục, sẽ hình thành cho các em thói quen xử lý mọi việc bằng bạo lực với xã hội khi lớn lên, đây là chuyện rất nguy hiểm. Bởi vậy, chúng ta cần xử lý nghiêm, thà muộn còn hơn không”, GS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam lo ngại.

vu-danh-hoc-sinh-hung-yen

Vụ nữ sinh bị bạn học đánh hội đồng tại Hưng Yên gây rúng động dư luận.

“Bạo lực học đường, xâm hại tình dục và nhiều hình thức xâm hại đến học sinh trong nhà trường ngày càng diễn biến phức tạp, phải chăng vì căn bệnh thành tích? Thực tế mà nói, vẫn có những sự việc nói to, nhưng lại xử lý lại rất nhỏ. Nhiều chuyện trong nhà trường được ban giám hiệu thực hiện với phương châm “đóng cửa bảo nhau”. Để thầy cô giáo được lao động tiên tiến, nhiều vụ sai sót vẫn được che giấu", GS Dong thẳng thắn chỉ rõ.

Trong vụ việc ở Hưng Yên, nhà trường yêu cầu xóa clip để bảo vệ danh dự cho học sinh, nhưng liệu thực tế có đúng như vậy, hay chỉ vì muốn phi tang, để giấu nhẹm mọi chuyện”, GS Dong đặt câu hỏi.

PGS.TS Trần Thành Nam, ĐH Giáo dục (ĐHQG Hà Nội) cho rằng, qua một số vụ việc gần đây cho thấy, tính chất bạo lực học đường ngày càng tăng nặng, học sinh đánh bạn có xu hướng manh động và tàn bạo hơn. Điều này cho thấy những biện pháp, chính sách đã thực hiện chưa hiệu quả, nhiều biện pháp triển khai còn mang tính tuyên truyền, thiếu thực chất.

PGS Trần Thành Nam cho rằng, những giá trị định hướng cho trẻ xưa nay làm chưa thực sự triệt để. Những hình ảnh yêu thương thì ít, hình ảnh mang tính bạo lực lại tràn lan trong cuộc sống. Hay chính bản thân thầy cô là người giáo dục trẻ em vẫn sử dụng những hình phạt khắc nghiệt, hạ nhục học sinh khi làm sai. Có giáo viên vẫn tin rằng kỷ luật hà khắc có tác dụng giáo dục, nên vẫn bình thường hóa việc bắt nạt của học sinh.

“Thầy cô đôi khi vô tâm, cũng có thể là hơi vô cảm. Khi kiến thức, thái độ của thầy cô chưa tốt, chưa là tấm gương tốt cho học sinh thì không thể mong có trò tốt”, ông Nam nhấn mạnh.

Từ sự lúng túng trong xử lý, báo cáo sự việc tại Hưng Yên, chuyên gia giáo dục cho rằng các giáo viên chưa có cơ chế báo cáo, xử lý khi xảy ra những sự việc như vậy, nhà trường cũng chưa có bộ phận giám sát về an toàn trường học. Đến khi có sự kiện xảy ra, thì xử lý theo kiểu tùy hứng, không theo quy trình nhất định.

Bức xúc hơn, ông Nam cho rằng, việc nhà trường nói rằng “có lẽ vì hiền quá, mà trước đó, dù đã bị đánh nhưng học sinh Y không dám nói với gia đình và nhà trường”, cho thấy chính bản thân thầy cô cũng đang có định kiến với những học sinh có kỹ năng chưa được tốt.

Xem công tác giáo viên chủ nhiệm giống như một nghệ thuật, chuyên gia giáo dục này cho rằng giáo viên chủ nhiệm cũng giống như nhà tâm lý để hỗ trợ học sinh. Giáo viên chủ nhiệm cần thay đổi cách quản lý lớp học từ việc xử dụng các hình thức kỷ luật khắc nghiệt thành việc chia sẻ, hiểu và khuyến khích trẻ thực hiện những hành vi tốt.

PGS.TS Trần Thành Nam cho rằng, nhìn một cách công bằng, có những việc không phải trách nhiệm của giáo viên. Giáo viên không có đủ trình độ chuyên để tư vấn, giải quyết thì cần giới thiệu lên bộ phận tư vấn học đường để hỗ trợ. Nhưng thực tế, nhiều trường vẫn chưa có đội ngũ tư vấn này. Nhiều khi góc tư vấn tâm lý lại chính là phòng hội đồng, chỉ để cho giáo viên ngồi nghỉ, vắng bóng học sinh.

Giáo dục chưa toàn diện

Bất bình, xót xa khi nghe thông tin nữ sinh bị bạn học lột đồ, đánh hội đồng, bà Bùi Thị An, nguyên đại biểu Quốc hội khóa 13 cho rằng  sau sự việc đáng tiếc này, ngành giáo dục cần xem lại chương trình học. “Việc dạy đạo đức, cách ứng xử trong trường học hiện nay đã được chú trọng đúng mức hay chưa. Về mặt khách quan, mạng xã hội tràn lan cũng phần nào ảnh hưởng đến học sinh, nhưng giáo dục trong nhà trường vẫn giữ vị trí vô cùng quan trọng đối với học sinh phổ thông, đặc biệt là việc truyền dạy nhân cách.

“Trong thời gian qua, Bộ GD-ĐT đã có sự chỉ đạo, nhiều nơi đã chú ý, nhưng vẫn có nhiều trường không quan tâm đúng mức đến giáo dục nhân cách cho học sinh, chỉ chăm chăm vào dạy các môn Toán, Văn, Ngoại ngữ... nên mới để xảy ra những sự việc đáng tiếc.

Muốn dạy được, trước tiên thầy phải ra thầy, trò ra trò. Dạy đạo đức phải bằng tất cả mọi thứ kết hợp, bằng nhân cách của giáo viên, bằng hành động thực tế trong quá trình dạy. Tôi cho rằng Bộ cần xem xét trong chương trình bố trí sao cho hợp lý và phải có cách làm hiệu quả, tránh hình thức”, bà An nhấn mạnh.

Sau nhiều sự việc đau lòng trong ngành giáo dục, bà An cũng như các chuyên gia giáo dục trên đồng quan điểm cho rằng ngành giáo dục cần tập trung giáo dục nhân cách cho học sinh, xử lý nghiêm những cá nhân, tập thể sai phạm để làm gương.

Theo Nguyễn Trang/VOV.VN - 3/4/2019

Link nguồn: https://vov.vn/xa-hoi/giao-duc/tu-vu-nu-sinh-bi-danh-hoi-dong-o-hung-yen-can-quan-tam-giao-duc-nhan-cach-893366.vov


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Từ vụ nữ sinh bị đánh hội đồng ở Hưng Yên, cần quan tâm giáo dục nhân cách

 

kndn1

bhql2024

hoa-moc-thien-2

tieng-hat-viet-toan-cau-2

hoa-moc-thien

dai-lam-moc