top-banner-2

Thứ sáu, 01/06/2018, 10:33 GMT+7

Dòng tiền nhàn rỗi lớn vẫn đi vào thị trường song chỉ có 'ông lớn' hưởng lợi!

Viết bởi Nam Anh   
Thứ sáu, 01/06/2018, 10:33 GMT+7

Diễn biến xung quanh lượng tiền gửi khổng lồ của Kho bạc Nhà nước (KBNN) tại hệ thống Ngân hàng Thương mại (NHTM) luôn là câu chuyện nhận được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư. Trong khi quá trình giải ngân vốn đầu tư công chậm chạm đã tạo ra một lượng lớn tiền nhàn rỗi, các chính sách mới đây của Chính phủ dường như đã mở toang cánh cửa để lượng tiền đó chảy mạnh hơn vào tài khoản tại các NHTM trong năm 2017.

von-nha-nuoc-vhdn

Theo dõi báo cáo tài chính 16 NHTM niêm yết, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) ghi nhận tổng lượng tiền gửi của Chính phủ và Ngân hàng nhà nước (NHNN) đã tăng mạnh, đạt 273 nghìn tỷ đồng, tương đương 12 tỷ USD, tính tới cuối năm 2017 trước khi giảm nhẹ xuống mức 253 nghìn tỷ đồng vào cuối quý 1/2018.

Đáng chú ý, câu chuyện này đã từng xuất hiện trong giai đoạn 2008-2009 khi lượng tiền gửi của KBNN đã tăng gấp đôi và đạt 130 nghìn tỷ đồng trong vòng 1 năm.

"Trong khi quá trình giải ngân vốn đầu tư công chậm chạm đã tạo ra một lượng lớn tiền nhàn rỗi, các chính sách mới đây của Chính phủ dường như đã mở toang cánh cửa để lượng tiền đó chảy mạnh hơn vào tài khoản tại các NHTM trong năm 2017", VDSC đặt vấn đề.

Nguyên nhân của sức ì chậm giải ngân vốn

Được biết, năm 2014, Quốc hội Việt Nam đã chính thức thông qua Luật đầu tư công, có hiệu lực 1 năm sau đó. VDSC đánh giá, điểm nhấn quan trọng nhất trong Luật đầu tư công gắn với yêu cầu xây dựng kế hoạch đầu tư trung hạn 5 năm trong từng thời kỳ. Điều này được kỳ vọng sẽ gia tăng hiệu quả và kiểm soát chặt chẽ hoạt động đầu tư công. Tuy nhiên, những diễn biến đã xảy ra cho thấy kết quả ngược lại, khi mà giải ngân vốn đầu tư công chậm luôn là bài toán khó đối với các nhà lập pháp Việt Nam mặc dù cơ sở hạ tầng còn ở mức thấp.

Dòng tiền nhàn rỗi lớn vẫn đi vào thị trường song chỉ có ông lớn hưởng lợi! - Ảnh 1.

Tính đến hết năm 2017, tổng lượng vốn đầu tư công giải ngân thực ghi chỉ đạt gần 16 tỷ USD, tương đương 81% kế hoạch cả năm. Đáng chú ý, trong giai đoạn 2014-2017 con số trên nhận thấy một xu hướng giảm rõ nét.

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới giải ngân vốn đầu tư công của Việt Nam chậm trong suốt giai đoạn trên, như chính quyền địa phương có ít thẩm quyền đưa ra quyết định và kiểm soát việc lập kế hoạch đầu tư các dự án, thiếu tính kết nối giữa các luật với nhau đặc biệt trong vấn đề bảo vệ môi trường… đặc biệt việc Chính phủ cho phép gia hạn thời gian giải ngân vốn đầu tư qua năm tiếp theo đã tạo tính ì cho Chính quyền các địa phương, đơn vị này nhấn mạnh. Qua đó dẫn tới sự chậm trễ trong quá trình triển khai.

Trên thực tế, đầu tư công là một phần quan trọng trong tính toán GDP. Do đó, giải ngân đầu tư công chậm làm ảnh hưởng xấu đến tăng trưởng GDP. Dựa trên kinh nghiệm quốc thế, tăng trưởng GDP sẽ tăng thêm 1,5% nếu chính phủ đầu tư 1% GDP vào cơ sở hạ tầng.

Dòng tiền nhàn rỗi lớn vẫn đi vào thị trường song chỉ có ông lớn hưởng lợi! - Ảnh 2.

Hơn nữa, Việt Nam và các nước trong khu vực đang chạy đua để nâng cấp cơ sở hạ tầng của họ. Theo Trung tâm Hạ tầng Toàn cầu, Việt Nam có thể sẽ thiếu hụt 40% vốn đầu tư cho cơ sở hạ tầng trong những năm tới. Trong khi nâng cao hiệu quả giải ngân và sử dụng vốn đầu tư công là điều cấp bách, việc thúc đẩy sự tham gia của khối tư nhân được coi như nhân tố then chốt. Đáng chú ý theo kế hoạch tài chính trung thạn 5 năm của Chính phủ, giai đoạn 2016-2020 sẽ tập trung vào trả nợ. Do đó, nguồn lực cho đầu tư và phát triển sẽ bị giới hạn, điều này lý giải việc giải ngân chậm đã tạo ra một lượng tiền lớn.

Tác động kép từ chính sách mới của Chính phủ

Trong khi các khoản giải ngân đầu tư công chậm đã tạo ra một lượng tiền lớn, chính sách mới của Chính phủ lại góp phần mở cửa đáng kể cho số tiền gửi của KBNN tại các NHTM vào năm 2017.

Cụ thể, theo Thông tư số 314/2016/TT-BTC hướng dẫn thực hiện Nghị định số 24/2016/NĐ-CP về quy chế quản lý quỹ Nhà nước, KBNN được khuyến khích thực hiện các khoản tiền gửi ngắn hạn tại các NHTM. Khoản tiền gửi này sẽ được ký kết trong các hợp đồng ngắn hạn có thời hạn đáo hạn là 3 tháng. Ngoài ra, một thông tư mới có hiệu lực ngày 15/1/2017 - Thông tư số 315/2016/TT-BTC - cũng bổ sung quy định về quản lý và sử dụng tài khoản Kho bạc Nhà nước mở tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng như tại các NHTM.

Nhìn chung, đã có một tác động kép lên dòng lớn tiền nhàn rỗi lớn, khi các chính sách mới được ban hành đã khuyến khích lượng tiền này chảy vào tài khoản tại các NHTM, VDSC đặt nghi vấn.

Và, trong số các NHTM, ngân hàng quốc doanh dường như được hưởng lợi nhiều nhất, điển hình có Vietcombank (VCB) chiếm khoảng 60% tổng tiền gửi của KBNN, tiếp theo là BIDV (BID) và Vietinbank (CTG).

Thực tế cho thấy, quý 1/2018, tiền gửi tại BID và CTG tăng trong khi VCB giảm 24% so với năm 2017. Có một lưu ý rằng tiền gửi của năm 2017 không bao gồm tiền gửi của KBNN tại Agribank, chiếm một nửa tổng số tiền trong năm 2009-2011.

Dòng tiền nhàn rỗi lớn vẫn đi vào thị trường song chỉ có ông lớn hưởng lợi! - Ảnh 3.

Dòng tiền nhàn rỗi chảy vào tài sản đầu cơ trên TTCK?

Theo VDSC, rõ ràng lượng tiền gửi từ KBNN tại hệ thống ngân hàng đã đóng góp đáng kể vào tăng trưởng cung tiền quốc gia. Nếu loại trừ lượng tiền này, tốc độ tăng trưởng cung tiền (M2) chỉ đạt 11% theo năm so với mức công bố 15% trong năm 2017. Bên cạnh đó, nguồn tiền trên cũng giúp Ngân hàng Vietcombank thu xếp thành công thương vụ thoái vốn nhà nước tại Sabeco trị giá 5 tỷ USD vào tháng 12/2017.

Trong lịch sử, KBNN và NHNN đã từng lên kế hoạch rút tiền gửi từ hệ thống NHTM vào tháng 6/2008 khi xuất hiện tình trạng kịch bản "lạm phát phi mã" trong năm 2008. Tuy nhiên, Chính phủ đã không thực hiện triệt để kế hoạch và tiếp tục sử dụng lượng tiền nhàn rỗi này như công cụ tác động tới thanh khoản thị trường trong giai đoạn 2009-2010.

Như vậy, lượng tiền gửi khổng lồ này có thể sẽ tác động tiêu cực tới thị trường tài chính và quan điểm điều hành chính sách tiền tệ của NHNN thông qua việc thay đổi tổng lượng cung tiền trong nền kinh tế, VDSC kết luận.

Xét ở khía cạnh khác, lượng tiền gửi trên trong thời điểm cuối tháng 12/2017 đã tạo điểm tựa lớn giúp Ngân hàng Vietcombank thu xếp thành công thương vụ thoái vốn nhà nước tại Sabeco trị giá 5 tỷ USD. Do đó, câu hỏi liệu có hay không việc các khoản tiền gửi kỳ hạn ngắn này chảy vào các tài sản đầu cơ, đặc biệt thị trường chứng khoán (TTCK)?

Dòng tiền nhàn rỗi lớn vẫn đi vào thị trường song chỉ có ông lớn hưởng lợi! - Ảnh 4.

Hơn nữa, thị trường trái phiếu dường như cũng chịu ảnh hưởng khi tỷ lệ giao dịch mua bán lại (Repos) và tổng giá trị giao dịch toàn thị trường cũng tăng mạnh, qua đó dẫn đến xu hướng lãi suất trái phiếu chính phủ Việt Nam liên tục giảm.

Tiền vẫn đi vào thị trường, song chỉ có "ông lớn" hưởng lợi

Tựu trung lại, diễn biến xung quanh lượng tiền gửi khổng lồ của Kho bạc Nhà nước (KBNN) tại hệ thống Ngân hàng Thương mại (NHTM) luôn là câu chuyện nhận được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư. Trong khi giải ngân vốn chậm tạo tiền nhàn rỗi lớn; NHTM liên tục ghi nhận lượng tiền gửi tăng, nổi bật tại "ông lớn" VCB… thì mối tương quan giữa tăng trưởng chỉ số VN-Index và cung tiền (M2) lại hỗ trợ cho suy luận dòng tiền đang đổ vào đầu cơ chứng khoán.

Tuy nhiên, với Luật đầu tư công được sửa đổi, các dự án quy mô lớn (cao tốc Bắc-Nam, sân bay Long Thành…) đi vào triển khai, tỷ lệ giải ngân đầu tư công được dự báo sẽ phải cao hơn trong thời gian tới, đâu đó vào khoảng 90% năm 2018 và hơn 100% giai đoạn 2019-2020. Theo đó, tình trạng đề cập trên sẽ giảm thiểu khi lượng tiền nhàn rỗi thu hẹp dần.

Nói là vậy, song dự báo riêng cho năm 2018, VDSC cho rằng lượng tiền gửi lớn của KBNN sẽ vẫn tiếp tục đi vào thị trường tài chính nhưng có thể chỉ các định chế tài chính lớn mới được hưởng lợi từ miếng bánh này, bởi:

(1) Chính phủ dự định giảm lãi suất cho vay trung bình nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của Việt Nam so với các nước trong khu vực. VDSC đánh giá, lượng tiền gửi này chính là một khoản "trợ cấp" cho các nhà băng lớn nhằm giải mặt bằng lãi suất chung.

(2) Theo dự thảo sửa đổi, bổ sung Thông tư số 31/2016/TT-BTC, Vụ Kế toán và Kiểm toán sẽ được phép mở tài khoản tại Ngân hàng Nhà nước và các NHTM. Đáng chú ý, các bộ phận của KBNN có thể mở thêm tài khoản tại các ngân hàng khác nếu cần.

(3) Vấn đề giải ngân đầu tư công thấp vẫn sẽ tồn tại năm 2018.

Theo Bảo An - ttvn.vn - 01/06/2018

Link nguồn: http://ttvn.vn/kinh-doanh/dong-tien-nhan-roi-lon-van-di-vao-thi-truong-song-chi-co-ong-lon-huong-loi-420181681458664.htm


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Dòng tiền nhàn rỗi lớn vẫn đi vào thị trường song chỉ có 'ông lớn' hưởng lợi!

 

kndn1

bhql2024

hoa-moc-thien

dai-lam-moc