top-banner-2

Thứ tư, 31/01/2018, 15:34 GMT+7

Phát triển vùng TPHCM theo mô hình tập trung - đa cực

Viết bởi Nam Anh   
Thứ tư, 31/01/2018, 15:34 GMT+7

Quy hoạch vùng TPHCM đến năm 2030 để phát triển thành trung tâm kinh tế của cả nước và khu vực Đông Nam Á.

TPHCM là đô thị có tốc độ phát triển nhanh, trung tâm kinh tế - tài chính lớn của cả nước. Những năm gần đây, mức độ gia tăng dân số của thành phố ngày một lớn, kéo theo đó là áp lực về hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị, giải quyết vấn đề môi trường, biến đổi khí hậu... Hậu quả của việc bùng nổ phát triển đô thị khiến cho việc chống ngập trở nên kém hiệu quả, tình trạng kẹt xe, ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng, làm giảm chất lượng sống và trực tiếp gây ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế.

Để phát huy thế mạnh và tiềm năng sẵn có, đồng thời hướng sự phát triển của TPHCM và các tỉnh lân cận theo định hướng cụ thể, Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Quy hoạch vùng TPHCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”. Theo đó, vùng TPHCM rộng 30.404 km2, gồm 7 tỉnh: Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Đồng Nai, Tiền Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu. Dân số vùng ước tính đến năm 2030 khoảng từ 24 - 25 triệu người, trong đó dân số đô thị khoảng 18-19 triệu người.

quy-hoach-tphcm-vanhoadoanhnhan

Quy hoạch vùng đến năm 2030 được kỳ vọng phát triển TPHCM thành trung tâm kinh tế của cả nước và khu vực ĐNA. (Ảnh: KT)

Quy hoạch xác định phát triển vùng TPHCM theo mô hình tập trung - đa cực, trong đó hạt nhân chính là TPHCM, có vai trò đầu tàu liên kết và hỗ trợ các đô thị trong vùng cùng phát triển. Đây cũng được xác định là trung tâm giao thương quốc tế của vùng và quốc gia, trung tâm văn hóa, tri thức sáng tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, công nghiệp công nghệ cao tầm khu vực, trung tâm du lịch, tài chính - thương mại và dịch vụ logistics tầm quốc tế.

Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính cho rằng, hiện nay có nhiều bất cập trong việc quản lý vùng TPHCM như cơ chế quản chưa rõ ràng, đề án quy hoạch vẫn áp dụng mô hình Ban quản lý như vùng Thủ đô Hà Nội. Để tránh tình trạng “mạnh ai nấy làm”, không có sự đồng nhất, liên kết, Chính phủ cần xây dựng cơ chế quản lý cấp vùng để điều tiết mối liên hệ giữa các địa phương. Từng địa phương rà soát quy hoạch xây dựng của mình, các quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, các quy hoạch chuyên ngành có liên quan kịp thời điều chỉnh nhằm đảm bảo đồng bộ, phù hợp với đồ án điều chỉnh quy hoạch vùng TPHCM.

“Cần làm thế nào các địa phương cùng Chính phủ nhanh chóng xây dựng cơ chế quản lý cấp vùng để điều tiết mối liên kết vùng cho thuận tiện. Nếu không, quy hoạch có nhưng mỗi tỉnh vẫn theo hướng của mình thì cần phải có người chủ trì việc kết nối. Đây là việc rất quan trọng trong thực hiện đề án quy hoạch vùng.” Ông Trần Ngọc Chính cho hay.

Theo ông Mai Trung Hưng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, lần điều chỉnh quy hoạch này sẽ giải quyết được vấn đề biến đổi khí hậu, nước biển dâng của cả vùng. Về phía địa phương, lãnh đạo tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đang tính toán đưa vào quy hoạch lần này giải pháp cụ thể, đó là quy hoạch san nền để ứng phó với tình trạng nước biển dâng.

Ông Hưng nhấn mạnh, "nếu chúng ta không có định hướng hợp lý và có sự thống nhất trong điều hành chung thì sẽ dẫn đến tình trạng chồng chéo, rời rạc và thiếu hiệu quả. Thời gian qua, mỗi địa phương làm một kiểu, chưa tuân thủ quy hoạch. Trong đề án lần này có đề xuất Ban chỉ đạo trong đó có sự vào cuộc của Trung ương, hy vọng sẽ khắc phục được tình trạng mạnh ai nấy làm."

Theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến, hiện nay, thành phố gặp nhiều khó khăn về hạ tầng kỹ thuật và kết nối với các địa phương trong vùng. Đồ án điều chỉnh quy hoạch vùng không chỉ đáp ứng mong muốn là trở thành một vùng kinh tế trọng điểm mà giúp TPHCM kết nối chặt chẽ, không tạo nên sự cạnh tranh quay lưng lại và chưa đồng sức, đồng lòng với nhau.

“Với sự phân công hợp lý thông qua một kế hoạch chung sẽ xác định được thế mạnh của từng địa phương, từng khu vực, đặc biệt là vai trò trung tâm của TPHCM để cả 8 tỉnh, thành trong vùng phát triển nhanh, bền vững;  gắn kết trong việc phân bố các vùng chức năng, các vùng phát triển kinh tế đô thị, phát huy được tiềm năng, thế mạnh của từng tỉnh thành mà trong thời gian qua đã làm được nhưng chưa chặt chẽ.”, ông Trần Vĩnh Tuyến cho biết.

Với vai trò là hạt nhân cho cả vùng, TPHCM cần có sự điều phối và tăng cường phối hợp giữa các tỉnh, thành, nếu không sẽ xung đột trong kêu gọi đầu tư và hạn chế trong phát huy nguồn lực giữa các địa phương. Song song với quy hoạch thì mỗi địa phương phải ban hành cơ chế chính sách thực thi và các chế tài cụ thể đối với từng trường hợp quy hoạch chuyên ngành, có như thế mới phát huy được thế mạnh của từng tỉnh, thành cũng như cả vùng.

Theo Duy Phương - vov.vn - 31/01/2018

Link nguồn: https://vov.vn/kinh-te/phat-trien-vung-tphcm-theo-mo-hinh-tap-trung-da-cuc-725480.vov


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Phát triển vùng TPHCM theo mô hình tập trung - đa cực

 

kndn1

bhql2024

hoa-moc-thien-2

tieng-hat-viet-toan-cau-2

hoa-moc-thien

dai-lam-moc