top-banner-2

Thứ ba, 23/01/2018, 08:59 GMT+7

Phải mua lại cảng Quy Nhơn!

Viết bởi Nam Anh   
Thứ ba, 23/01/2018, 08:59 GMT+7

Có đủ cơ sở pháp lý để nhà nước mua lại một phần hoặc toàn bộ cổ phần ở cảng Quy Nhơn sau khi đã bán cho tư nhân với giá rẻ.

Như Báo Người Lao Động đã thông tin, trong cuộc làm việc với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vào ngày 20-1, ông Nguyễn Thanh Tùng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định, kiến nghị lấy lại cảng Quy Nhơn giao cho nhà nước quản lý.

Vì sao lấy lại cảng?

Trả lời phóng viên Báo Người Lao Động vào ngày 22-1, ông Nguyễn Văn Thiện, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Định (nhiệm kỳ 2010-2015), cho biết rất ủng hộ với kiến nghị của ông Tùng.

Ông Thiện chính là người đã ký văn bản (ngày 13-7-2015) đề nghị bí thư Ban Cán sự Đảng, bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đẩy nhanh tiến độ thoái hết phần vốn nhà nước tại cảng Quy Nhơn. Vì lý do này, ông Thiện từng bị Ban Bí thư Trung ương Đảng kỷ luật vì ký văn bản nhưng không thông qua tập thể Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Giải thích lý do vì sao bây giờ lại ủng hộ kiến nghị lấy lại cảng Quy Nhơn, ông Thiện phân trần: "Cảng Quy Nhơn đang trong tình trạng quá tải nghiêm trọng, trong khi đó nhà đầu tư chiến lược sau khi mua lại đã không có tiền đầu tư...". Vậy lấy lại cảng bằng cách nào, ông Thiện hiến kế: "Giờ nhà nước muốn nắm giữ phần vốn hơn 51% tại cảng Quy Nhơn thì nên chi ra khoảng 1.000 tỉ đồng để đầu tư cầu cảng và nạo vét luồng lạch. Lúc đó, phần vốn của nhà nước tại cảng Quy Nhơn sẽ tăng gấp 2 lần so với vốn điều lệ hiện tại và nhà nước sẽ nắm giữ cổ phần lớn hơn phần vốn của tư nhân" (!?).

Những dấu hiệu bất thường trong việc bán cổ phần khiến cảng Quy Nhơn rơi vào tay tư nhân đang được cơ quan thẩm quyền làm rõ. Trong trách nhiệm của mình, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Nguyễn Thanh Tùng tha thiết kiến nghị Chính phủ xem xét lại việc quản lý cảng càng sớm càng tốt. "Cảng Quy Nhơn có vị thế chiến lược rất quan trọng, vốn là niềm tự hào của người dân địa phương, là vị thế của tỉnh Bình Định. Việc cổ phần hóa cảng Quy Nhơn, bán cảng này cho tư nhân khiến cán bộ, nhân dân Bình Định rất buồn" - ông Tùng nói.

Từ lúc giữ cương vị lãnh đạo tỉnh đến giờ, ông Tùng luôn day dứt với mong muốn giữ lại cảng Quy Nhơn bằng mọi giá của các cán bộ từng làm việc ở cảng Quy Nhơn trong bức tâm thư gửi Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) ngày 14-5-2014. Ông Tùng bày tỏ: "Bán cảng Quy Nhơn cho tư nhân, tỉnh không biết quy hoạch, phát triển ra sao, trách nhiệm của tỉnh sao đây? Tôi xin thay mặt cho cán bộ, nhân dân tỉnh Bình Định tha thiết đề nghị Thủ tướng làm sao cho cảng Quy Nhơn trở lại là cảng của nhà nước, không cổ phần hóa gì hết. Nếu được như thế thì cán bộ, nhân dân Bình Định sẽ rất mừng. Tôi có thể dám khẳng định như vậy".

cang-quy-nhon-vanhoadoanhnhan

Cảng Quy Nhơn đã bị bán cho tư nhân với giá rẻ. Ảnh: Anh Tú

Có đủ cơ sở pháp lý để mua lại

TS Trần Du Lịch, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, cho biết ông hoàn toàn đồng tình với kiến nghị của Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Tùng. Ông Lịch nói rõ thêm kiến nghị của Bí thư Nguyễn Thanh Tùng với Thủ tướng là nhà nước, cụ thể là chính quyền địa phương phải có vai trò, trách nhiệm quản lý đối với hoạt động của cảng này.

"Khi tham gia làm Bộ Luật Hàng hải, tôi đã nghiên cứu một số nước, họ có chính quyền cảng để quản lý nhà nước về hoạt động của cảng. Vì vậy, theo tôi, đối với những cảng có vị trí chiến lược quan trọng như cảng Quy Nhơn thì nên lập mô hình quản lý cảng, trong đó chính quyền có chức năng phối hợp với doanh nghiệp (DN) khai thác hoạt động kinh tế của cảng" - ông Lịch gợi ý. Theo ông, trước mắt, hãy chờ kết luận của Thanh tra Chính phủ về cổ phần hóa cảng Quy Nhơn và đợi sau khi có kết luận chính thức, Thủ tướng thông qua rồi bàn đến giải pháp tăng vốn nhà nước tại cảng này vẫn chưa muộn.

Liên quan đến vấn đề này, ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính DN (Bộ Tài chính), cho rằng có đủ cơ sở pháp lý để nhà nước mua lại cảng Quy Nhơn. Cụ thể, tại điều 19 Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất - kinh doanh tại DN (Luật 69/2014/QH13) quy định nhà nước được đầu tư vốn để mua lại một phần hoặc toàn bộ DN thuộc một trong các trường hợp thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế; trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh; cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích thiết yếu cho xã hội. "Đối với trường hợp của cảng Quy Nhơn, đối chiếu theo Luật 69/2014/QH13 là có thể làm được" - ông Tiến khẳng định.

Diễn tiến thoái vốn bất thường

Cảng Quy Nhơn được hình thành năm 1976, do Cục Đường biển (Bộ GTVT) quản lý. Đến năm 1993, Bộ GTVT quyết định thành lập DN nhà nước cảng Quy Nhơn. Năm 2009, cảng trực thuộc Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), đổi tên là Công ty TNHH MTV Cảng Quy Nhơn.

Tháng 7-2013, Vinalines (đơn vị quản lý) phê duyệt phương án cổ phần hóa cảng Quy Nhơn (tên DN là Công ty CP Cảng Quy Nhơn (QNP). Khi đợt 1 chuyển nhượng 40.409.950 cổ phần (CP), tháng 6-2015, Vinalines bất ngờ chuyển nhượng đợt 2 với 10,5 triệu CP, tương đương 26,01% tỉ lệ sở hữu QNP cho Công ty CP Đầu tư khoáng sản Hợp Thành (trụ sở TP Hà Nội). Đến tháng 9-2015, Vinalines tiếp tục bán toàn bộ phần vốn còn lại trong QNP (19,8 triệu CP, tỉ lệ 49%) cho Công ty Hợp Thành. Như vậy, chỉ trong 3 năm (2013-2015), Công ty Hợp Thành ôm trọn 86,23% CP của QNP chỉ với giá 440 tỉ đồng, thấp hơn nhiều so với giá trị tài sản hàng ngàn tỉ đồng của cảng ở thời điểm đó.

Chính vì việc thoái vốn có dấu hiệu làm thất thoát tài sản nhà nước, tháng 4-2017, Ủy ban Kiểm tra trung ương đề nghị thanh tra lại toàn bộ quá trình cổ phần hóa QNP. Sau đó, Thanh tra Chính phủ đã tiến hành thanh tra. Đến cuối tháng 7-2017, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp tục chỉ đạo khẩn trương thanh tra, kết luận rõ đúng sai trong việc cổ phần hóa QNP.

Theo Nhóm Phóng Viên - nld.com.vn - 23/01/2018

Link nguồn: http://nld.com.vn/thoi-su/phai-mua-lai-cang-quy-nhon-2018012222141512.htm


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Phải mua lại cảng Quy Nhơn!

 

kndn1

bhql2024

hoa-moc-thien-2

tieng-hat-viet-toan-cau-2

hoa-moc-thien

dai-lam-moc