top-banner-2

Thứ bảy, 09/09/2017, 10:15 GMT+7

Mừng và lo với cải cách giáo dục

Viết bởi Xuân An   
Thứ bảy, 09/09/2017, 10:15 GMT+7

Hay dở thế nào chưa biết, nhưng bao ông bố bà mẹ cảm thấy lo lắng nhiều hơn khi ai đó nhắc đến cụm từ “cải cách giáo dục” mà họ đã quá quen suốt hàng chục năm qua.

Vừa sắp đồ dùng học tập cho con gái bước vào năm học mới, chị Thủy, 40 tuổi, vừa nghe chồng đọc tin tức về việc Bộ Gáo dục và Đào tạo dự kiến “nhập khẩu” mô hình giáo dục Bắc Âu, áp dụng tại Việt Nam từ năm học tới.

Chị Thủy cũng như hàng triệu người Việt thế hệ cuối 7X, đầu 8X được xem là “nhân chứng” của những cải cách lịch sử trong ngành giáo dục.

cai-cach-giao-duc-vanhoadoanhnhan

Thế hệ học sinh 7X - 8X - Nguồn Internet

Năm 1981, ngành Giáo dục có những thay đổi đầu tiên trong công cuộc cải cách liên tục của mình sau thống nhất đất nước. Bậc học phổ thông từ 10 năm, tăng lên 11 năm (thêm lớp 5). Cấp 1 giờ phải thêm 1 năm học và nhà nhà làm theo.

Đến năm học 1992 – 1993, hệ thống giáo dục phổ thông miền Bắc có thêm lớp 9, chính thức xác lập chu trình học 12 năm, như giáo dục miền Nam trước năm 1975 và như chính giáo dục miền Bắc trước năm 1956. Cùng với bạn bè mình, chị Thủy phải học thêm 2 năm phổ thông nữa.

Lứa tuổi chị Thủy cũng là lứa học sinh đầu tiên làm quen với chữ viết thời công nghiệp hóa. Thay vì những nét chữ mềm mại, lứa học sinh này được rèn để viết những chữ chỉ có nét thẳng, với lý luận là “viết cho nhanh, rõ ràng, phù hợp nhịp sống thời đại mới…”.

Mừng và lo với cải cách giáo dục - 2

Rèn chữ thời công nghiệp hóa. Ảnh minh họa

Từ đây, dư luận xã hội phản ứng mạnh, ngành giáo dục mới dần quay lại chữ viết cũ. Do tinh thần chỉ đạo “không thua chị kém em”, khiến chương trình giảng dạy của cuộc cải cách giáo dục năm 1981 bị chính các nhà trường kêu quá tải. Với ý nghĩa nội dung bao giờ cũng quyết định phương pháp, nếu sách giáo khoa bị quá tải thì không có một phương pháp nào ngoài phương pháp truyền thụ một chiều cho kịp với nội dung sách giáo khoa.

Cũng từ năm 1986, lứa học sinh của những “thử nghiệm này” còn trải qua giai đoạn các trường tư thục từ tiểu học đến Đại học đua nhau xuất hiện, chuyển từ nền giáo dục miễn phí sang giáo dục thu học phí, hình thành mô hình trường tư thục có lợi nhuận. Khái niệm trường tư với học phí cao, quy tụ những học sinh không đỗ trường công đã khiến cho hệ trường “dân lập” này mất nhiều thời gian để khẳng định được vị trí và chất lượng của mình trong nền giáo dục nước nhà.

Năm 2006, Bộ Giáo dục Đào tạo bắt đầu triển khai việc phân ban trong khối Trung học phổ thông. Chương trình phân ban Trung học phổ thông được Bộ Bộ Giáo dục Đào tạo thí điểm từ năm học 2003-2004 tại gần 50 trường của 11 tỉnh/thành với 2 ban: Khoa học tự nhiên (ban A, học nâng cao các môn Toán, Lý, Hoá, Sinh) và Ban Khoa học xã hội - nhân văn (ban C, học nâng cao Văn, Sử, Địa, Ngoại ngữ).

Học sinh học ban nào sẽ học nâng cao ban đó. Bộ Giáo dục Đào tạo dự kiến thí điểm một năm rồi triển khai đại trà từ năm học 2004-2005. Tuy nhiên, phải đến năm 2006-2007, chương trình mới triển khai được đại trà sau khi đã nhiều lần điều chỉnh phương án phân ban.

Lần điều chỉnh cuối cùng là thêm ban cơ bản, ban B - một ban được giới chuyên môn xem là “ban không phân ban”. Học sinh học ban này sẽ không học nâng cao môn nào. Rốt cuộc học sinh cả nước hầu như chỉ học “ban không phân ban” và học bổ sung nâng cao các môn để thi đại học theo khối.

Học sinh lớp 12 học hai chương trình với hai bộ sách giáo khoa khác nhau (phân ban và không phân ban). Năm 2009 là năm đầu tiên học sinh lớp 12 cả nước tốt nghiệp và thi tuyển sinh Đại học Cao đẳng theo chương trình phân ban đại trà. Tuy nhiên có rất nhiều bất hợp lý:

Chương trình phân ban bị coi là một lãng phí lớn và thất bại. Tới năm 2014, chương trình phân ban đã hoàn toàn chấm dứt…

Mừng và lo với cải cách giáo dục - 3

Tổng kết về kết quả của những lần cải cách giáo dục liên tục sau năm 1975 đến nay, Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Cảnh Toàn, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo viết:

“Nếu so sánh giáo dục của ta ngày nay với hồi 1945 thì quả là ta đã tiến được một bước rất dài, nhưng nếu so sánh ta với các nước mà hồi 1945 cũng chả hơn gì ta (như 4 con rồng, Thái Lan, Malaxia, Philipphin,….) thì quả là ta chậm".

“Nội lực là quyết định, ngoại lực là quan trọng trong chừng mức nó kích thích được nội lực” cùng một số quy luật khác có liên quan. Tại sao giáo viên phần lớn là “cơm chấm cơm”, chẳng qua đào tạo sư phạm, nói chi đến “đạt chuẩn”, cơ sở vật chất chỉ là dựa vào đình chùa, nhà thờ, … trong khi giáo dục thời kháng chiến phát triển được mạnh mẽ với một chất lượng mà xã hội không chê, còn bây giờ, giáo viên đa số đều đạt chuẩn, có cả bộ phận trên chuẩn, cơ sở vật chất, dù còn nghèo, cũng hơn cả trăm lần hồi chiến tranh, giáo dục tuy có phát triển về số lượng nhưng xã hội còn chê chất lượng”.

Thế đấy, giờ nhập khẩu mô hình giáo dục, sự kiện được coi như một lần tiếp theo của nỗ lực thay đổi chất lượng dạy và học trong ngành giáo dục. Hay dở thế nào chưa biết, nhưng chị Thủy và bao ông bố bà mẹ khác cảm thấy lo lắng nhiều hơn khi ai đó nhắc đến cụm từ “cải cách giáo dục” mà họ đã quá quen suốt hàng chục năm qua.

Theo Gia Hải - Khampha.vn - 08/09/2017


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Mừng và lo với cải cách giáo dục

 

kndn1

bhql2024

hoa-moc-thien

dai-lam-moc