top-banner-2

Thứ năm, 31/08/2017, 08:46 GMT+7

Xác định trị giá hải quan: Doanh nghiệp mơ hồ

Viết bởi Nam Anh   
Thứ năm, 31/08/2017, 08:46 GMT+7

Doanh nghiệp châu Âu chưa quan tâm nhiều đến các quy định, nghị định về thủ tục hải quan, thuế… mà giao phó cho đại lý, nhân viên nên còn nhiều thắc mắc.

Tại buổi đối thoại giữa cộng đồng doanh nghiệp (DN) châu Âu với cơ quan hải quan do Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) và Tổng cục Hải quan tổ chức sáng 30-8 ở TP HCM, nhiều DN đã bày tỏ sự quan ngại về việc xác định trị giá hải quan thời gian qua.

Chỉ 15% doanh nghiệp biết rõ

Liên minh châu Âu (EU) là khu vực chiếm tỉ trọng lớn trong quan hệ thương mại và đầu tư của Việt Nam. Kim ngạch thương mại 2 chiều Việt Nam - EU đã tăng 11 lần trong 16 năm, từ 4,1 tỉ USD năm 2000 lên trên 45 tỉ USD năm 2016 và dự kiến sẽ đạt 50 tỉ USD vào năm 2017.

Mặc dù giao thương đạt mức tăng trưởng ấn tượng như vậy nhưng kết quả khảo sát mới đây do EuroCham thực hiện cho thấy các DN châu Âu vẫn quan ngại về việc xác định trị giá hải quan. Theo kết quả khảo sát, hơn 80% DN châu Âu tại Việt Nam còn mơ hồ về các quy định xác định trị giá hải quan. Hơn 40% DN không biết rõ về các văn bản pháp luật quy định việc xác định trị giá hải quan; 40% biết chung chung và chỉ hơn 15% khẳng định biết rõ.

gia-tri-hai-quan-vanhoadoanhnhan

Cán bộ hải quan trao đổi với nhà đầu tư Ảnh: Tấn Thạnh

Giám đốc điều hành EuroCham, bà Almut Roessner, cho biết gần 25% lô hàng của các DN châu Âu phải xác định lại trị giá hải quan khi nhập khẩu. Các DN không hiểu vì sao bị xác định lại trị giá và công việc kinh doanh bị ảnh hưởng do thời gian kéo dài. Một số DN còn cho rằng việc xác định lại trị giá hải quan dựa vào nguồn dữ liệu không khách quan (giá trên internet) và không phù hợp với quy định.

Không đồng tình với thông tin do EuroCham công bố, ông Nguyễn Quốc Toản, Phó trưởng Phòng Thuế xuất nhập khẩu - Cục Hải quan TP HCM, cho hay chỉ khoảng 2% - 3% tờ khai hải quan phải xác định lại trị giá; tỉ lệ 25% có thể do EuroCham khảo sát cả hàng phi mậu dịch. Theo ông Toản, DN châu Âu chưa quan tâm nhiều đến các quy định, nghị định về thủ tục hải quan, thuế… mà giao phó cho đại lý, nhân viên nên còn nhiều thắc mắc.

Ông Lê Mạnh Hùng, Cục phó Cục Thuế Xuất nhập khẩu - Tổng cục Hải quan, chỉ ra rằng một số DN chưa nghiên cứu kỹ các quy định, nghị định về thuế. Trong khi đó, tổ chức hải quan thế giới đã có quy định, các quy định về thuế hải quan cũng được dịch sang tiếng Anh cho DN tìm hiểu.

Ngay tại buổi đối thoại, đại diện Mitsubishi đã thắc mắc về việc tính thuế cho hàng nhập khẩu (tốn chi phí kho bãi tại cảng, kho ở nước ngoài). Theo quy định của tổ chức hải quan thế giới và luật Việt Nam, tất cả khoản chi phí ở ngoài cửa khẩu Việt Nam đều phải cộng vào chi phí tính thuế.

Chống gian lận thuế

Trả lời thắc mắc của một số DN về việc có hay không áp lực thu ngân sách mà cơ quan hải quan tăng cường điều chỉnh trị giá tính thuế, ông Lê Mạnh Hùng khẳng định hoàn toàn không có áp lực nào.

Theo ông Hùng, năm 2017, Tổng cục Hải quan được giao chỉ tiêu thu ngân sách 285.000 tỉ đồng. Số thu từ hoạt động, tham vấn trị giá bằng kiểm tra sau thông quan chiếm chưa tới 1% so với số thu của hàng hóa xuất nhập khẩu. Cơ quan hải quan đang thực hiện đúng quy định về trị giá đánh thuế theo quy định, đồng thời thực hiện các nội dung kiểm tra nhằm chống gian lận thuế để tránh thất thu ngân sách nhà nước và bảo đảm công bằng cho DN.

Theo Cục Hải quan TP HCM, các mặt hàng giá trị cao, có thuế tiêu thụ đặc biệt như ô tô, xe máy, tiêu dùng, thực phẩm… thường bị các DN khai gian giá trị để trốn thuế. Đó cũng là lý do cơ quan hải quan tăng cường kiểm tra, kiểm soát nhằm ngăn chặn tình trạng gian lận thương mại, trốn thuế; tạo điều kiện cạnh tranh công bằng, minh bạch và bình đẳng trong cộng đồng DN.

Ông Lê Mạnh Hùng cho biết nợ thuế của hải quan phát sinh lớn nhất là trong trị giá đánh thuế. Thực tế, 2 năm gần đây phát sinh nợ thuế rất lớn nhưng không phải trong quá trình thông quan mà là do chủ DN khai trị giá đánh thuế chưa đầy đủ, nhất là đối với mặt hàng ô tô. Hải quan đã điều tra và có chứng cứ để yêu cầu DN khai báo, đóng thuế đầy đủ.

Rút ngắn thời gian thông quan

Trao đổi với các DN, ông Hoàng Việt Cường - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Hải quan - cho biết ngành hải quan đang đẩy mạnh việc thực hiện cơ chế một cửa quốc gia, đồng thời từng bước hoàn thiện thể chế để thực hiện cơ chế một cửa ASEAN. Ngành hải quan đang đặt mục tiêu rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục, thông quan hàng hóa từ 108 giờ xuống còn 70 giờ đối với hàng xuất khẩu, từ 138 giờ xuống còn 90 giờ đối với hàng nhập khẩu; giảm tỉ lệ luồng vàng xuống tương ứng với quy định của pháp luật về kiểm tra chuyên ngành hàng hóa xuất nhập khẩu từ 38% xuống còn dưới 20%.

Ngoài ra, trong năm 2017, 100% dịch vụ công của ngành hải quan được cung cấp trực tuyến tối thiểu mức độ 3; 70% dịch vụ công thuộc các lĩnh vực cốt lõi của ngành được cung cấp trực tuyến cấp độ 4.

Theo Sơn Nhung - nld.com.vn - 30/08/2017


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Xác định trị giá hải quan: Doanh nghiệp mơ hồ

 

kndn1

bhql2024

hoa-moc-thien-2

tieng-hat-viet-toan-cau-2

hoa-moc-thien

dai-lam-moc