Mỹ tăng sức ép lên doanh nghiệp Trung Quốc |
Viết bởi Nam Anh |
Thứ tư, 23/08/2017, 10:39 GMT+7 |
Các công tố viên Liên bang Mỹ đang chuẩn bị những biện pháp mới nhắm vào doanh nghiệp Trung Quốc bị cáo buộc là kênh tài chính quan trọng của chính phủ Triều Tiên. Đây được xem là nỗ lực mới nhất nhằm giúp chính quyền Tổng thống Donald Trump trấn áp chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng. Văn phòng chưởng lý Mỹ ở Washington hồi tháng 5 được phép đóng băng nguồn tài chính của những doanh nghiệp Trung Quốc bị tố tham gia vào hoạt động tài trợ cho chương trình hạt nhân của Triều Tiên. Số tiền bị phong tỏa khi được giao dịch qua các ngân hàng Mỹ. Giờ đây, các công tố viên tính đến việc thu giữ số tiền này, bên cạnh những động thái khác. Có 8 ngân hàng ở Mỹ tham gia vào các giao dịch chuyển tiền kể trên. Tâm điểm của các biện pháp trên là Công ty Zhicheng Đan Đông - doanh nghiệp Trung Quốc nhập khẩu than từ Triều Tiên nhiều nhất - và 4 doanh nghiệp liên quan được sử dụng để mua than bằng USD. Theo tờ The Wall Street Journal, trong mấy ngày tới, các công tố viên Mỹ sẽ có thêm biện pháp mới nhằm vào những công ty khác đóng tại TP Đan Đông, giáp biên giới Triều Tiên. Than đá xuất khẩu là nguồn ngoại tệ chính của Triều Tiên Ảnh: CETUS NEWS Trung Quốc cũng có những bước đi để kiềm chế tham vọng tên lửa, hạt nhân của Triều Tiên dù một số chuyên gia hoài nghi về hiệu quả của chúng. Vào tuần rồi, Bắc Kinh thông báo gia hạn lệnh cấm nhập khẩu than đá của Triều Tiên đến năm tới. Lệnh cấm này còn áp dụng cho cả sắt, quặng sắt và hải sản. Các nhà phân tích nhận định lệnh cấm mới nhất sẽ gây thiệt hại không nhỏ cho nguồn thu của Bình Nhưỡng để hỗ trợ các chương trình quân sự. Tuy nhiên, ông Justin Hastings, chuyên gia về quan hệ quốc tế tại Trường ĐH Sydney (Úc), thắc mắc liệu Trung Quốc sẽ thi hành nghiêm ngặt lệnh cấm trên trong thời gian dài. Năm 2016, Triều Tiên xuất khẩu sang Trung Quốc lượng than đá, quặng sắt, quặng chì và hải sản trị giá gần 1,5 tỉ USD, chiếm 60% tổng kim ngạch xuất khẩu vào quốc gia này. Còn trong nửa đầu năm 2017, hai con số này lần lượt là 474,6 triệu USD và 53,5%. Theo báo South China Morning Post, đây là nguồn ngoại tệ chính của Bình Nhưỡng. Trong số này, than đá đem lại cho Bình Nhưỡng nhiều tiền nhất (1,2 tỉ USD năm 2016). Theo Lục San - nld.com.vn - 22/08/2017 Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|