top-banner-2

Thứ bảy, 30/07/2016, 12:41 GMT+7

Vay tiền Trung Quốc làm cao tốc: Đừng dễ dãi nữa!

Viết bởi Thiên Bình   
Thứ bảy, 30/07/2016, 12:41 GMT+7

“Việc Trung Quốc cho Việt Nam vay tiền thì chúng ta rất trân trọng, nhưng vay thì phải trả nợ, nên cần kiên quyết loại bỏ yếu tố chỉ định thầu”.

Kiên quyết loại bỏ chỉ định thầu Trung Quốc

Liên quan đến việc Bộ GTVT, Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch - Đầu tư đang xem xét, cân nhắc lời đề nghị của Trung Quốc về việc vay  hơn 300 triệu USD thông qua Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc  để thực hiện dự án cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, trao đổi với Đất Việt, ông Bùi Danh Liên - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội khẳng định cần phải xem xét kỹ lưỡng các điều kiện kèm theo.

Theo ông Liên, Việt Nam hiện nay đang cần nhiều nguồn vốn để đồng bộ hóa và phát triển cơ sở hạ tầng. Vì vạy với Trung Quốc hay bất cứ quốc gia nào có mong muốn giúp đỡ chúng ta cũng sẽ đều hoan nghênh. Tuy nhiên vấn đề vay nợ và trả nợ là 2 vấn đề rõ ràng, phải rành mạch với nhau, không được nhập nhèm để đưa các điều kiện ràng buộc.

vay-tien-trung-quoc-lam-cao-toc-dung-de-dai-nua

Việt Nam cần kiên quyết loại bỏ các điều kiện ràng buộc từ Trung Quốc với lời đề nghị cho vay lần này. Ảnh minh họa

“Chúng ta đang nghèo, ai cho vay thì rất hoan nghênh, nhưng đặc biệt là không kèm theo điều kiện. Việc chỉ định nhà thầu Trung  Quốc như ý kiến của Bộ GTVT  thì tôi cho rằng không được, chúng ta phải kiên quyết loại ngay từ đầu.

Dứt khoát vay tiền là vay tiền, trả lãi là trả lãi. Sau này khi hoàn thành đoạn đường này thì Trung Quốc có thể được phép thuê đường để vận chuyển hàng hóa qua đường đó, chứ không có chuyện vay vốn rồi sau đó họ đưa nhà thầu của họ vào, công nghệ, máy móc kèm theo. Chúng ta không thể tin được”, ông Liên nhấn mạnh.

Dù thừa nhận việc chú trọng xây dựng đoạn cao tốc Vân Đồn – Móng Cái là cần thiết, sẽ có tác động thúc đẩy lưu thông hàng hóa, buôn bán giữa 2 nước với nhau, nhưng ông Liên cho rằng Việt Nam cần phải tỉnh táo và có sự lựa chọn cho phù hợp, tránh những rủi ro có thể xảy ra.

“Trung Quốc đã khiến chúng ta mất lòng tin. Không chỉ riêng Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới cũng đã thấm đòn với các dự án cho vay vốn và thi công của Trung Quốc rồi nên với lời đề nghị này phải khách quan, vô tư. Bài học từ đường sắt Cát Linh – Hà Đông với sự trì trệ, yếu kém đã phơi bầy tất cả về cung cách làm việc của Trung Quốc. Nếu cứ tiếp tục dễ dãi như hiện nay thì chúng ta sẽ khó có thể kiểm soát được sau này”, ông Liên nêu quan điểm.

Vị chuyên gia cũng đặt câu hỏi về sự thiếu nhất quán trong quan điểm của Bộ GTVT, Bộ Kế hoạch - Đầu tư và Bộ Tài chính xung quanh lời đề nghị cho vay của Trung Quốc.

“Việc thận trọng như quan điểm của Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch-Đầu tư tôi hoàn toàn đồng ý. Chúng ta không thể tin thêm nữa. Còn tôi không biết tại sao Bộ GTVT lại lựa chọn như thế?

Có thể họ ở tầm vĩ mô, có những quan điểm riêng về việc này. Nhưng chúng tôi cho rằng, cũng cần đi sâu vào trách nhiệm và nghĩa vụ của Bộ GTVT và cơ quan nhà nước về việc này”, ông Liên thẳng thắn.

Nhu cầu vận tải, thông thương đến đâu?

Cùng đưa ra quan điểm về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Văn Hùng - Nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng Hà Nội khẳng định để lên kế hoạch xây dựng một công trình giao thông, đặc biệt là những dự án có dính dáng đến vốn đầu tư của nước ngoài cần phải xem xét thận trọng, đánh giá toàn bộ các mặt của vấn đề.

Với lời đề nghị vay tiền để xây dựng đoạn cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, PGS.TS Hùng đề nghị các Bộ, ngành phải làm rõ 3 vấn đề.

“Bất kỳ dự án nào cũng phải xuất phát từ nhu cầu thực tế. Chúng ta phải đánh giá lại xem đoạn đường cũ đã quá tải chưa, vận tải hiện nay còn đáp ứng được không, xây dựng đường cao tốc đó thì sẽ thế nào rồi mới tiến hành khảo sát.

Thứ hai là chi phí và khả năng phát triển theo từng giai đoạn. Trong khi tiền vốn của chúng ta còn hạn chế thì tôi nghĩ có thể tiến hành nâng cấp, mở rộng dần ra. Cuối cùng là khi đầu tư phải tính đến khả năng trả nợ, khả  năng chi trả của người dân và của nền kinh tế, nhất là trong bối cảnh nợ công người dân phải trả đang cao.

Trên cơ sở cân, đo, đong, đếm  tiền túi mình. Nếu làm được với tiền trong nước là chủ động nhất”, PGS.TS Hùng nhấn mạnh.

Theo TS Hùng, nhiều dự án cao tốc chúng ta xây dựng nhằm kết nối với các cửa khẩu để phục vụ việc giao thương với Trung Quốc thời gian qua chưa thật sự hoạt động hiệu quả như mong muốn. Vì thế với dự án cao tốc lần này, chúng ta phải cân nhắc sao cho hoạt động hiệu quả nhất.

Vị chuyên gia dẫn chứng: “Đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng mới đi vào khai thác là một ví dụ cụ thể nhất. Dù đường rất to nhưng có mấy xe đi qua đâu, khả năng vận chuyển cũng ít. Hay như đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai giờ cũng vậy. Chúng ta thấy hiện nay khả năng lưu thông như thế nào? Tôi xin nói luôn là vẫn còn nhiều hạn chế. Với tuyến Vân Đồn - Móng Cái tôi cho rằng khả năng vận chuyển của Việt Nam cũng không cao, phục vụ cho hàng hóa Trung Quốc sẽ nhiều hơn.

Vậy tại sao không vay một lần mà làm cho chặt chẽ, tử tế. Và người dân đỡ phải qua một nước trung gian nào đó”.

Từ những lo lắng trên, Nguyên Hiệu trưởng trường ĐH Xây dựng Hà Nội cho rằng, lời đề nghị vay vốn từ phía Trung Quốc, chúng ta phải tỉnh táo, sáng suốt để không bị đẩy vào tình huống “há miệng mắc quai”, để nhà thầu Trung Quốc lợi dụng lỗi hệ thống để lách luật.

“Khi cho vay bao giờ Trung Quốc cũng muốn có lợi nhuận, có những ảnh hưởng đồng thời muốn nắm được thóp của chúng ta. Họ biết cách tận dụng lỗi hệ thống của chúng ta để đạt được mục đích của mình, nhất là vấn đề về vốn, thời giant hi công và công nghệ.

Vừa rồi, một doanh nghiệp không hề có tên tuổi của Trung Quốc vào làm tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông với nhiều hạn chế, chất lượng đường mấp mô, uốn lượn lên cao xuống.

Liệu có vấn đề gì không khi chúng ta luôn gắn các công trình giao thông với yếu tố nhà thầu Trung Quốc hay do trình độ hoặc trách nhiệm của những người liên quan yếu kém?”, PGS.TS Hùng đặt câu hỏi.

Hoàng Nam (Baodatviet)


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Vay tiền Trung Quốc làm cao tốc: Đừng dễ dãi nữa!

 

kndn1

bhql2024

hoa-moc-thien

dai-lam-moc