top-banner-2

Chủ nhật, 21/06/2015, 13:30 GMT+7

Bóc mẽ 'Con đường tơ lụa' trên biển của Trung Quốc

Viết bởi Đức Lợi   
Chủ nhật, 21/06/2015, 13:30 GMT+7

Nhiều nhà khoa học nhấn mạnh Trung Quốc đã tạo một hình ảnh mê hoặc về “Con đường tơ lụa” trên biển, từ đó đánh lừa thế giới quên đi việc chính trị hóa con đường này.

Ngày 20-6, tại Hà Nội đã diễn ra tọa đàm khoa học về “Con đường tơ lụa” trên biển của Trung Quốc với sự tham gia của nhiều học giả, nhà nghiên cứu.

Con đường tham vọng

“Con đường tơ lụa” (tiếng Anh: Silk Road Economic Belt - SREB), viết tắt của đại dự án Vành đai kinh tế con đường tơ lụa, được Trung Quốc công bố chính thức từ năm 2013. Trung Quốc muốn lôi kéo các nước châu Á cùng tham gia thực hiện nhằm đưa kim ngạch thương mại 2 bên lên mức mà họ cho là 1.000 tỉ USD vào năm 2020. Bắc Kinh trù tính sẽ nối kết “Con đường tơ lụa” trên đất liền (NSR) với con đường ở ngoài biển (MSR), từ đó khai thông khu vực lạc hậu bên trong, mở qua Tây Vực, Trung Á để tiến tới Trung Đông và châu Âu, xuống tận Đông Phi.

Trung Quốc khẳng định sẵn sàng tài trợ cho các dự án hàng hải liên quan đến ASEAN thông qua “cánh tay đầu tư nhà nước” của mình là Quỹ Hợp tác hàng hải Trung Quốc - ASEAN. Trung Quốc nói đến 40 tỉ USD dành cho “Con đường tơ lụa” song theo các chuyên gia, Bắc Kinh đã dự chi ngân sách trị giá hơn 240 tỉ USD, chưa kể 100 tỉ USD của Ngân hàng Phát triển BRICS và 100 tỉ USD của Ngân hàng Đầu tư hạ tầng châu Á (AIIB) đang được thành lập với sự tham gia của 57 quốc gia.

Toàn cảnh cuộc tọa đàm

Toàn cảnh cuộc tọa đàm.

Mặc dù “đại công trình” đã đi vào triển khai nhưng các chuyên gia quốc tế vẫn đang tìm lời giải đáp: SREB là dự án kinh tế - thương mại hay chính trị - an ninh? Thậm chí, dư luận còn hướng tới một câu hỏi: Phải chăng đây là cách thế giới sẽ “về chầu” Trung Quốc trong nay mai?

Tại tọa đàm, TS Trịnh Văn Định, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG Hà Nội, nhấn mạnh cái tên “Con đường tơ lụa” xuất hiện năm 1877 và toàn thế giới biết đó là con đường buôn bán với chức năng kinh tế. Tuy nhiên, nguyên thủy xuất phát của nó là con đường chính trị. “Trung Quốc đã tạo nên sự quyến rũ, một hình ảnh mê hoặc về “Con đường tơ lụa” quảng bá ra toàn thế giới. Từ đó, họ đánh lừa thế giới hướng theo hình ảnh tốt đẹp, sự quyến rũ của con đường mà quên đi khía cạnh quan trọng nhất và là mục tiêu tối hậu của hệ thống “Con đường tơ lụa” ngày nay là chính trị hóa nó” - TS Định phân tích.

Theo nhà nghiên cứu Trịnh Hưng, cặp sáng kiến “đúp” NSR và MSR là một đại chiến lược phản ánh tham vọng của Trung Quốc. Đây là kế hoạch nhằm “trả đũa” chiến lược “xoay trục” của Mỹ cũng như để đối trọng với các Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định thương mại tự do xuyên Đại Tây Dương (TTIP) nhằm giành quyền chủ đạo chính sách, xác định luật chơi cho thế kỷ XXI.

Đồng tình, luật sư-TS Hoàng Ngọc Giao chỉ ra: Trung Quốc kêu gọi các thành viên ASEAN sử dụng tốt hơn Quỹ Hợp tác hàng hải Trung Quốc - ASEAN vào mục đích bảo tồn đa dạng sinh học, môi trường... nhưng hằng ngày, họ gia tăng bồi đắp các bãi đá chiếm được trên biển Đông, trấn áp hoạt động nghề cá của ngư dân Việt Nam, Philippines...

Áp đặt quyền quản lý

GS-TS Nguyễn Lang, Chủ tịch Quỹ Hòa bình và Phát triển, nhấn mạnh khi nói đến “Con đường tơ lụa” trên biển thì không thể không gắn vấn đề biển Đông.

Theo GS-TS Lang, thời gian qua, chúng ta chỉ tập trung vào vấn đề tranh chấp đơn phương giữa Trung Quốc với một số nước có đảo và quần đảo bị Bắc Kinh chiếm đóng mà không thấy còn có một vấn đề đơn phương nữa là giữa quốc tế với Trung Quốc. Khi thực hiện “đường lưỡi bò”, Trung Quốc chiếm gần như toàn bộ biển Đông, đồng thời chiếm vùng biển và vùng trời quốc tế, đó là quan hệ song phương giữa quốc tế và Trung Quốc. Chúng ta mới đấu tranh mang tính phiến diện, chỉ nhìn thấy lợi ích của mình. Trung Quốc đã áp đặt quyền quản lý của mình trên vùng biển quốc tế qua việc tuyên bố cấm đánh bắt cá trên biển Đông từ nhiều năm nay, qua đó thực thi cái gọi là quyền quản lý của họ trên vùng biển Đông; bước tới coi vùng biển, vùng trời quốc tế trên vùng biển Đông thuộc chủ quyền của Trung Quốc.

Treo đầu dê bán thịt chó

Vạch rõ không hề có cái gọi là “Con đường tơ lụa” trên biển trong lịch sử, GS-TS Nguyễn Lang nhấn mạnh nhiều học giả và lãnh đạo thế giới đã bị mắc lừa. Trung Quốc dùng từ “Con đường tơ lụa” (trên biển và trên đất liền) là đã thực hiện treo đầu dê (tơ lụa) bán thịt chó (chủ nghĩa bá quyền). Không nên dùng từ này nữa mà phải gọi là “một tuyến đường, một vành đai”.

Theo luật sư-TS Hoàng Ngọc Giao, công bố việc đăng ký hồ sơ di sản thế giới cho “Con đường tơ lụa” trên biển đồng thời cũng là cách Trung Quốc biện minh cho hành động tìm kiếm di tích khảo cổ học dưới biển ở các vùng biển đảo thuộc chủ quyền và quyền chủ quyền của Việt Nam cũng như các nước khác ở biển Đông.

GS-TS Nguyễn Lang cho rằng Việt Nam từng bảo vệ chủ quyền bằng thế trận chiến tranh nhân dân và xây dựng 3 thứ quân trên đất liền. Song, trên biển, ta vẫn chưa vận dụng đường lối xây dựng 3 thứ quân, đó là điều cần lưu ý.

Theo Dương Ngọc/nld.com.vn

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Bóc mẽ 'Con đường tơ lụa' trên biển của Trung Quốc

 

kndn1

bhql2024

hoa-moc-thien-2

tieng-hat-viet-toan-cau-2

hoa-moc-thien

dai-lam-moc