Quán nhậu tìm cách 'cứu doanh số' |
Viết bởi Mai Ngọc |
Thứ tư, 15/01/2020, 08:30 GMT+7 |
Nhiều nhà hàng, quán ăn dành khoảng sân rộng để giữ xe qua đêm cho khách, giúp gọi xe công nghệ, nhận đơn đặt hàng trên các ứng dụng hoặc giảm giá mong trụ vững sau nghị định xử phạt nồng độ cồn. Trước giờ bóng đá nhưng các quán nhậu trên đường Phạm Văn Đồng (quận Gò Vấp, TP HCM) vắng hoe. Ảnh: Sơn Nam. Gần nửa tháng sau khi nghị định 100 của chính phủ, quy định xử phạt về vi phạm nồng độ cồn, có hiệu lực, nhiều nhà hàng bán, quán nhậu ở Hà Nội và TP HCM lâm vào cảnh ế ẩm. Tại TP HCM, các quán nhậu thưa vắng khách, trái ngược với không khí tổng kết, tất niên, ồn ào những năm trước. Theo anh Hòa, quản lý một quán nướng trên đường Phạm Văn Đồng, quận Gò Vấp, chiều 10/1, quán lắp đặt màn hình lớn để phục vụ khách tới ăn nhậu và xem trận cầu giữa U23 Việt Nam và U23 UAE. Tuy nhiên lượng khách đến quán không nhiều. Nhà hàng thậm chí còn cho nhân viên trông xe ra đường vẫy khách kèm ưu đãi giảm giá 10% trên hóa đơn nhưng không mấy khả quan. "Ở các giải bóng đá trước, quán luôn kín bàn và nếu đến trễ, khách sẽ không có chỗ ngồi. Nhưng 10 ngày nay, tình hình kinh doanh sụt giảm nghiêm trọng. Mọi năm đây là thời điểm nóng, khách ra vào nườm nượp từ chiều tối đến khuya nhưng hiện chỉ lác đác. Khách vào quán cũng chỉ gọi vài chai bia, giảm hẳn số lượng", anh Hòa nói. Tương tự quán của anh Hòa, quán nhậu của bà Lan trên đường Đồng Đen, quận Tân Bình, giảm 50% doanh số trong nhiều ngày qua. Khách hàng không còn mặn mà với việc ngồi lai rai nhâm nhi bia rượu vào cuối tuần vì e ngại vi phạm nghị định 100. "Khách của chúng tôi đa phần bình dân, nếu chỉ uống một hoặc hai ly mà bị phạt mấy triệu đồng thì ai cũng ngại bước vào quán. Bây giờ đã 19h nhưng chỉ có vài bàn có khách, bình thường giờ này đã kín rồi", bà Lan than thở. Một quán bia trên đường Trần Thái Tông, quận Cầu Giấy, vắng khách sau khi nghị định 100. Ảnh: Ngoan Nguyễn. Tại Hà Nội, các cơ sở phục vụ ăn uống cũng chung tình cảnh không có khách. Nhà hàng của bà Phạm Thị Liên, 50 tuổi, ở quận Đống Đa, lác đác khách đến ăn nhậu. Chủ nhà hàng than việc luật mới có hiệu lực làm ảnh hưởng nhiều đến hoạt động kinh doanh của cửa hàng, khiến lượng khách giảm một nửa. Còn quán ăn của ông Lê Văn Thiện, 49 tuổi, trên phố chùa Láng, quận Đống Đa, gần hai tuần qua loay hoay tìm cách thu hút khách. Ông Thiện cho biết nắm được thông tin nghị định 100 có hiệu lực từ đầu năm nay, ông đã dành một khoảng sân rộng để lưu trú phương tiện nếu khách hàng sử dụng đồ uống có cồn. Đồng thời nhân viên của ông cũng được hướng dẫn đặt và bắt xe hỗ trợ khách, đảm bảo an toàn cho việc đi lại của họ. "Tôi đã chuẩn bị một khoảng diện tích tại cửa hàng để sẵn sàng trông giữ xe nếu khách có nhu cầu. Khách ra về sẽ có nhân viên đặt xe ôm công nghệ để đưa đón", ông Thiện nói. Để thu hút khách, một nhà hàng lẩu dê trên đường Trường Sơn, quận 10, TP HCM, còn hỗ trợ bãi gửi xe qua đêm, gọi xe công nghệ cho những người đã nhậu say. Trong khi đó chị Vân, chủ quán hải sản trên đường Trương Công Định, quận Tân Bình, lại cứu doanh số bằng cách tăng cường nhận đơn đặt hàng trên các ứng dụng công nghệ. "Để đảm bảo doanh thu, chúng tôi tăng thêm các đơn hàng cho khách mang về nhà. Nhiều khách quen của quán đã lựa chọn mua về sử dụng và nhậu tại nhà thay vì ra quán ngồi lai rai như trước", chị Vân nói và hy vọng đây là cách giúp quán của chị trụ vững trong thời gian tới. Nghị định 100 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt (thay thế nghị định 46 năm 2016), có hiệu lực từ 1/1/2020. Theo đó, người sử dụng phương tiện giao thông có nồng độ cồn vượt mức 0 sẽ bị xử phạt. Mức phạt cao nhất với người đi xe đạp là 400.000- 600.000 đồng; xe máy từ 6 đến 8 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 22-24 tháng; ôtô từ 30 đến 40 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 22-24 tháng. Theo Sơn Nam - Ngoan Nguyễn/Ngoisao.net - 15/1/2020 Link nguồn: https://ngoisao.net/thoi-cuoc/quan-nhau-tim-cach-cuu-doanh-so-4041427.html Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|