top-banner-2

Thứ năm, 01/11/2018, 12:33 GMT+7

Xe ôm công nghệ 'đe dọa' giao thông công cộng

Viết bởi Mai Ngọc   
Thứ năm, 01/11/2018, 12:33 GMT+7

Sự phát triển ồ ạt với số lượng lớn của “xe ôm công nghệ” giá rẻ như Grab, GoViet đang tạo ra một thế lực mới trong kinh doanh vận tải và cạnh tranh trực tiếp với xe buýt.

xe-om-cong-nghe

Xe ôm Grab và Go Viet đứng bắt khách lấn hết điểm dừng đón trả khách của xe buýt trên đường Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội. Ảnh: Khánh Linh

Khách đi xe buýt giảm vì quá nhiều xe ôm công nghệ

Thời gian gần đây, nhiều tuyến buýt trên địa bàn TP HCM phải hủy tuyến hoặc tạm ngưng hoạt động do vắng khách. Sản lượng vận tải của xe buýt cũng liên tục sụt giảm.

Theo ông Trần Quang Lâm, Phó giám đốc Sở GTVT TP HCM, từ đầu năm đến nay, tuyến buýt có trợ giá số 149 và tuyến 40 phải xin tạm ngưng hoạt động do nhu cầu đi lại trên tuyến thấp và không đảm bảo chi phí duy trì hoạt động. Mới đây, hai tuyến buýt số 37 và 60 cũng chung số phận và dừng hoạt động.

Lý giải nguyên nhân của sự sụt giảm này, ông Lâm cho biết, sản lượng xe buýt giảm do có sự cạnh tranh của các loại hình vận chuyển như Grab, GoViet. Sự xuất hiện của loại hình xe máy ứng dụng công nghệ phát triển nhanh, cạnh tranh với xe buýt về vận chuyển hành khách, giao hàng…

“Đây là khó khăn mới nảy sinh, dẫn đến tình trạng xe buýt sản lượng thấp, doanh thu giảm”, ông Lâm nói.

"Việc xe buýt giảm khách do xe ôm công nghệ là thực tế. Với lượng xe máy quá nhiều, các thành phố cần nghiên cứu việc hạn chế xe cá nhân mới có đường cho xe buýt chạy”.

PGS.TS. Nguyễn Trọng Hòa -Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM

Ông Trần Chí Trung, Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP HCM cho biết, so với cùng kỳ năm ngoái, sản lượng xe buýt giảm 8%. Có nhiều nguyên nhân sụt giảm, trong đó số lượng lớn hành khách chuyển sang sử dụng phương tiện Grabbike.

“Sở GTVT đã có văn bản đề nghị Grab cung cấp thông tin số lượng xe Grabbike và hành khách sử dụng phương tiện này trên địa bàn thành phố, tuy nhiên Grab từ chối cung cấp”, ông Trung chia sẻ.

Tại Hà Nội, trong nhiều năm, sản lượng vận tải từ xe buýt trồi sụt, liên tục giảm. Đến năm 2018 mới bắt đầu tăng nhẹ. Theo Sở GTVT Hà Nội, gần đây, Hà Nội mở thêm nhiều tuyến buýt kết nối các huyện ngoại thành nên được người dân lựa chọn nhiều hơn, sản lượng xe buýt mới tăng dần.

Tuy nhiên, với sự xuất hiện của loại hình xe hợp đồng, nhất là xe ôm công nghệ cũng phần nào ảnh hưởng đến tăng trưởng của vận tải khách công cộng. Đại diện Sở GTVT Hà Nội cho biết đang đề nghị các quận huyện trên địa bàn, các công ty phần mềm như Grab, Go Viet thống kê số lượng xe đăng ký hoạt động, sau đó sẽ phối hợp để quản lý. Xe công nghệ bùng phát khiến hoạt động vận tải khách công cộng phần nào bị yếu thế.

Tại Văn bản 1871 báo cáo kết quả thực hiện 9 tháng đầu năm 2018, Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị cũng nêu ra một loạt khó khăn ảnh hưởng đến hoạt động của xe buýt, trong đó có sự cạnh tranh của một số loại hình vận tải mới xuất hiện là Grabbike, GoViet. “Các loại hình trên cơ động, tiện dụng sử dụng công nghệ, giá rẻ có sức hấp dẫn với người dân, nhất là những người có nhu cầu đi cự ly ngắn”, trung tâm này phân tích.

Tìm hiểu của PV, hiện Grabbike có số lượng khoảng 120.000 tài xế. Gần đây, với sự xuất hiện của GoViet, càng khiến số lượng tài xế xe ôm công nghệ thêm đông đảo. Những sắc áo xanh của Grab và đỏ của GoViet phủ khắp các tuyến đường trên địa bàn Hà Nội và TP HCM. Theo bà Tan Hooi Ling - đồng sáng lập Grab, hiện nay cứ 10 người dân Việt Nam có 2 người dùng dịch vụ của Grab. Đến năm 2020, tỷ lệ này sẽ tăng lên 50%.

Xe ôm công nghệ “đe dọa” giao thông công cộng - 2

Xe ôm công nghệ Grab và GoViet đứng tràn dưới lòng đường Láng Hạ, Hà Nội chờ bắt khách gây cản trở giao thông. Ảnh: Khánh Linh

Phá vỡ quy hoạch vận tải công cộng, thêm ùn tắc

TS. Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu GTVT Đại học Việt Đức nhìn nhận, cơ sở hạ tầng giao thông hiện còn hạn chế. Mạng lưới giao thông công cộng như xe buýt và tàu điện vẫn còn mỏng.

“Xe ôm sẽ vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ các hệ thống giao thông công cộng, là phương tiện kết nối với các trạm giao thông để tăng cường vùng hấp dẫn cho giao thông công cộng”, TS. Tuấn nói.

Tuy nhiên, ông Trần Quang Lâm, Phó giám đốc Sở GTVT TP HCM cho rằng, về lâu dài, phương tiện này đang ảnh hưởng rất lớn quy hoạch và giao thông đô thị. Ngoài số lượng xe gắn máy lớn, một lượng xe ôm công nghệ có thể làm tăng lượng xe cá nhân gây nên tình trạng ùn tắc, TNGT. Đây là loại hình không được khuyến khích trong các đô thị lớn như TP HCM.

Theo ông Lâm, để hạn chế xe cá nhân, đặc biệt là xe máy, TP HCM đang từng bước hạn chế loại hình này. Cụ thể, đề án về tăng cường vận tải giao thông công cộng kết hợp kiểm soát phương tiện cơ giới giao thông ở TP HCM đề xuất hạn chế, cấm hẳn xe máy vào khu vực trung tâm thành phố (các quận 1, 3, 5 và 10) vào năm 2030.

Ông Nguyễn Bá Hoàng, Phó hiệu trưởng trường Đại học GTVT TP HCM nhận định, xe ôm công nghệ là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến sản lượng xe buýt. Để quản lý loại hình xe ôm công nghệ, sắp tới thành phố cần đánh thuế thu nhập cá nhân, thuế môi trường, thuế ùn tắc giao thông đối với loại hình xe ôm công nghệ. Như vậy giá dịch vụ sẽ bị đẩy cao lên không còn thấp như hiện nay, từ đó số lượng xe Grabbike sẽ giảm.

TS. Nguyễn Hữu Đức, chuyên gia tư vấn cao cấp về quy hoạch giao thông Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) cho rằng, sự bùng phát của xe máy cũng là hệ quả của việc chúng ta đang không có cơ chế quản lý loại hình phương tiện này...

“Để hạn chế sự bùng phát của xe ôm công nghệ nói riêng, phương tiện cá nhân nói chung, phương tiện công cộng cũng phải nâng cao chất lượng, tạo động lực để khách hàng tự nguyện chuyển đổi hình thức dịch vụ. Khi tính cạnh tranh về thời gian, tiền bạc, chất lượng phục vụ được nâng cao, phương tiện công cộng sẽ được đề cao, phương tiện vận tải cá nhân sẽ phải giảm đi để cân bằng lợi nhuận”, TS. Đức nói.

Còn TS. Vũ Anh Tuấn cho rằng, Trong quản lý nhà nước đối với các dịch vụ xe ôm cần đạt được 2 mục đích là cải thiện chất lượng dịch vụ và kết nối xe ôm với hệ thống giao thông công cộng. Các nội dung quản lý sẽ bao gồm: Thiết lập cước phí, đăng ký và cấp phép hoạt động, an toàn đối với hành khách, khí thải.

"Bài học của Thái Lan trong quản lý xe ôm thiết lập thông qua Luật Quản lý phương tiện quy định rất cụ thể về điều kiện an toàn cho hành khách, cơ cấu giá vé, biển số xe, đăng ký kinh doanh và trả thuế hàng năm và xử lý các vi phạm”, TS. Tuấn nói.

Theo Báo Giao thông/Khampha.vn - 1/11/2018

Link nguồn: http://khampha.vn/tin-nhanh/xe-om-cong-nghe-de-doa-giao-thong-cong-cong-c4a687798.html


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Xe ôm công nghệ 'đe dọa' giao thông công cộng

 

kndn1

bhql2024

hoa-moc-thien

dai-lam-moc