top-banner-2

Thứ năm, 23/11/2017, 08:27 GMT+7

Lãi suất tiền gửi tăng - giảm đan xen

Viết bởi Nam Anh   
Thứ năm, 23/11/2017, 08:27 GMT+7

Trong khi Ngân hàng TMCP Ngoại thương giảm lãi suất, nhiều ngân hàng khác lại tăng.

Theo biểu lãi suất tiền gửi mới nhất của Ngân hàng (NH) Đầu tư và Phát triển (BIDV), tiền gửi kỳ hạn 1 tháng và 2 tháng lãi suất 4,8%/năm, tăng 0,5% so với mức cũ; lãi suất kỳ hạn 3 tháng từ 4,8%/năm lên 5,2%/năm; kỳ hạn 9 tháng trở lên, lãi suất 6,9%/năm.

Ứng phó quy định sử dụng vốn

NH Công Thương Việt Nam (VietinBank) cũng vừa tăng lãi suất tiền gửi kỳ hạn 6 đến 9 tháng từ 5,5%-5,7%/năm lên 5,8%/năm; lãi suất kỳ hạn 12 tháng từ 6,5% lên 6,8%/năm. Nhiều NH khác cũng điều chỉnh lãi suất đi lên để thu hút tiền gửi nhằm bổ sung nguồn vốn vào dịp cuối năm.

Thế nhưng, cách đây 10 ngày, Ngân hàng TMCP Ngoại thương (Vietcombank) bất ngờ giảm 0,1% lãi suất tiền gửi VNĐ ở hầu hết các kỳ hạn ngắn. Theo công bố tại Sở Giao dịch Vietcombank, lãi suất kỳ hạn 9 tháng xuống còn 5,4% năm, kỳ hạn 1 tháng lùi về 4,2%/năm. Tính ra, lãi suất huy động kỳ hạn 1 đến 9 tháng của Vietcombank tiếp tục thấp hơn từ 0,4%-1,5%/năm so với BIDV và VietinBank.

Dưới góc độ kỹ thuật, nhiều người trong cuộc nhận định theo quy định, NH huy động 100 đồng chỉ được cho vay 80 đồng (80%). Tuy nhiên, không ít NH đã sử dụng 100% vốn huy động để cho vay nên các NH này phải tăng lãi suất để huy động thêm vốn nhằm giảm tỉ lệ sử dụng vốn về đúng quy định. Còn các NH chỉ mới sử dụng 60%-70% số vốn huy động sẽ có điều kiện giảm lãi suất tiền gửi để hướng tới giảm lãi suất cho vay.

Bảo đảm kinh doanh có lãi

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Vietcombank, cho rằng kinh doanh thì phải tính đến lợi nhuận và việc cho vay cần tính toán kỹ tỉ lệ sử dụng vốn theo đúng quy định của NH Nhà nước. Do Vietcombank mới sử dụng 70% vốn huy động nên quyết định giảm lãi suất huy động để giảm chi phí đầu vào. Thế nhưng, sau khi giảm lãi suất, tiền gửi vẫn cứ chảy về nhiều. Nhờ đó, NH có điều kiện để cạnh tranh đầu ra, từng bước giảm lãi suất cho vay trong thời gian tới. Đồng thời, tập trung phát triển mảng dịch vụ NH nhằm tăng thêm nguồn thu bởi trong năm 2017, nguồn thu từ phí dịch vụ chiếm tỉ trọng rất lớn trong tổng lợi nhuận của Vietcombank.

lai-suat-ngan-hang-vanhoadoanhnhan

Thanh khoản cuối năm trong hệ thống ngân hàng vẫn ổn định Ảnh: Tấn Thạnh

Thực tế cho thấy tháng 8-2017, Vietcombank đồng ý cho Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn vay trung và dài hạn hơn 2.000 tỉ đồng để đầu tư 11 dự án nước sạch, lãi suất 8,5%/năm. Trong khi đó, dữ liệu của NH Nhà nước trong 3 tháng gần đây, lãi suất cho vay trung và dài hạn bình quân đối với lĩnh vực ưu tiên là 9%-10%/năm, cao hơn rất nhiều so với lãi suất cho vay trung và dài hạn của Vietcombank.

Do NH lớn thường có mạng lưới rộng, huy động tiền gửi không kỳ hạn với lãi suất chỉ khoảng 0,5%/năm chiếm tỉ trọng rất lớn trong tổng nguồn vốn huy động, đồng thời lãi suất tiền gửi có kỳ hạn rất thấp... nên giá vốn huy động bình quân của các NH lớn khá thấp, dẫn đến lãi suất cho vay thấp. "Điển hình, tại Vietcombank, giá vốn huy động bình quân 4%-5%/năm, cộng với chi phí kinh doanh 3%-3,5%, NH cho vay với lãi suất bình quân 7%-8,5%/năm là đã có lãi" - giám đốc một chi nhánh của Vietcombank phân tích.

Hạn chế nguồn vốn biến động

Lãnh đạo nhiều NH ở TP HCM cho hay trong vài tháng gần đây, nguồn vốn huy động có dấu hiệu dịch chuyển bởi tại một số NH, dòng tiền ra - vào có "trục trặc". Thậm chí, có NH công bố lãi suất kỳ hạn 6 tháng 6,2%/năm nhưng khi khách hàng ngỏ ý gửi số tiền lớn thì NH này sẵn sàng chi trả lãi suất 7,3%/năm (kỳ hạn 6 tháng). Hệ quả là trong 1 tháng, có một NH lớn bị khách hàng rút 1.000 tỉ đồng để gửi NH khác với lãi suất cao hơn. Chưa kể, các NH luôn chú trọng giữ vững nguồn vốn huy động vì nếu sụt giảm thì tổng tài sản sẽ giảm theo, ảnh hưởng không tốt mức độ tín nhiệm, giá trị cổ phiếu... Với các nguyên nhân trên, giới phân tích cho rằng một số NH tăng hoặc giữ nguyên lãi suất tiền gửi bảo đảm tỉ lệ sử dụng vốn đúng quy định, hạn chế dòng tiền biến động là điều dễ hiểu. Còn việc NH giảm lãi suất tiết kiệm nhưng huy động vốn vẫn tăng thì cũng không có gì phải quan tâm.

Thế nhưng, lãnh đạo các NH nhỏ lại thừa nhận thời điểm này, khách hàng rút tiền khá nhiều. Trong khi đó, việc vay tiền NH bạn (thị trường liên NH) cũng hết sức khó khăn vì bên vay không có tài sản thế chấp. Còn người có nhu cầu vay tiền để mua nhà đang tăng lên khiến không ít NH bối rối về nguồn vốn buộc phải tăng lãi suất.

Lãi suất liên ngân hàng tăng không đáng kể

Số liệu gần nhất của NH Nhà nước cho thấy mặt bằng lãi suất huy động VNĐ phổ biến ở mức 0,8%-1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 4,5%-5,4%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 5,4%-6,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn trên 12 tháng ở mức 6,4%-7,2%/năm.

Trên thị trường liên NH, lãi suất tăng khoảng 0,1%-0,2%. Cụ thể, lãi suất kỳ hạn qua đêm lên mức 1,26%/năm, kỳ hạn 1 tuần lên 1,35%/năm, kỳ hạn 2 tuần cán mức 1,49%/năm. Tuy nhiên, các NH đánh giá mức độ tăng của lãi suất liên NH không đáng kể, chứng tỏ thanh khoản của toàn hệ thống tương đối ổn định.

Theo Thy Thơ - nld.com.vn - 23/11/2017

Xem thêm tại: http://nld.com.vn/kinh-te/lai-suat-tien-gui-tang-giam-dan-xen-20171122215157681.htm

 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Lãi suất tiền gửi tăng - giảm đan xen

 

kndn1

bhql2024

hoa-moc-thien

dai-lam-moc