top-banner-2

Thứ ba, 24/12/2013, 02:05 GMT+7

Kinh nghiệm bán hàng sang Mỹ và EU

Thứ ba, 24/12/2013, 02:05 GMT+7

Nền kinh tế Mỹ và EU đang hồi phục nhanh nên sẽ có nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam xuất các mặt hàng như: đồ gỗ, dệt may, da giày, hạt điều, cà phê, thủy sản…

Hàng Việt Nam muốn vào siêu thị Mỹ phải có mã vạch
Tại Hội nghị Tham tán thương mại năm 2013 diễn ra tại Hà Nội mới đây, ông Đào Trần Nhân, Tham tán Công sứ tại Mỹ, cho biết trong những năm gần đây kim ngạch xuất siêu của Việt Nam với Mỹ liên tục tăng: Năm 2010 thặng dư 10 tỉ USD, năm 2012 là 14,8 tỉ USD, năm 2013 dự kiến xuất siêu có thể vượt con số 20 tỉ USD. Thị trường Liên hiệp châu Âu (EU) cũng đang mở ra nhiều cơ hội mới.

Không có mã vạch thì không thể vào siêu thị ở Mỹ

Tuy nhiên, việc bán hàng sang Mỹ luôn gặp khó khăn về các rào cản thương mại, các vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp… Theo ông Đào Trần Nhân, do Mỹ là thị trường vô cùng tiềm năng, nhiều đối tác lớn trên thế giới thiết lập mối quan hệ làm ăn với các doanh nghiệp (DN) của quốc gia này nên Mỹ có nhiều sự lựa chọn tốt. Đối với Việt Nam, phía Mỹ chắc chắn sẽ không quan tâm đến những DN không có tên tuổi mà chỉ lựa chọn những DN lớn, đủ tin tưởng, có tiềm năng lớn và năng lực tốt. Những công ty quy mô nhỏ, làm ăn chụp giật, phía Mỹ sẽ không quan tâm và không thiết lập quan hệ.

Hiện nền kinh tế Mỹ đang hồi phục nhanh so với các nước khác nên chắc chắn sẽ có nhiều cơ hội cho DN Việt Nam xuất khẩu các mặt hàng như: đồ gỗ, dệt may, da giày, hạt điều, cà phê, thủy sản… “Việt Nam có thể xuất thô sang thị trường này để phía đối tác gia công, sản xuất nhưng muốn có hiệu quả hơn, các DN có thể sản xuất hoàn chỉnh sản phẩm đạt tiêu chuẩn của Mỹ và kết nối để đưa thẳng hàng đến các siêu thị. Các siêu thị lớn yêu cầu về hàng hóa có quy cách, phẩm chất và sự đồng đều cao. Họ còn có những yêu cầu về nhãn mác và quản lý bằng mã vạch, nếu không có mã vạch, sản phẩm của Việt Nam không thể vào siêu thị được” - ông Nhân khuyến cáo.

Lấy Bỉ làm cầu nối vào EU

Ông Vũ Bá Phú, Tham tán Công sứ Đại sứ quán Việt Nam tại EU, cho biết thị trường EU chấp nhận giá hàng nhập khẩu cao nhưng đòi hỏi chất lượng, dịch vụ tương xứng nên việc cạnh tranh về giá mà nhiều DN Việt Nam đang áp dụng tại thị trường EU dường như không hiệu quả. Các DN Việt Nam cần chuyển từ cạnh tranh về giá sang cạnh tranh bằng chất lượng để giữ được chữ tín trên thị trường EU.

Dự kiến, năm 2014 nhu cầu thị trường này sẽ được khôi phục, thương mại quốc tế sẽ tiếp tục được phát triển. Để tận dụng hiệu quả những cơ hội từ thị trường EU, các DN nên thay đổi tư duy về xuất khẩu. Theo ông Phú, các DN có thể đem tiền đầu tư cơ sở sản xuất của mình ngay tại Bỉ để hoàn thiện khâu cuối của sản phẩm xuất khẩu. Khi đó, sản phẩm của Việt Nam sẽ mang nhãn mác là sản phẩm sản xuất tại Bỉ và châu Âu. Điều này sẽ dễ hơn khi tham gia vào các thị trường này, giúp Việt Nam gia tăng giá trị sản phẩm, các mặt hàng nông - lâm  - thủy sản tránh phải đối mặt với rào cản an toàn vệ sinh thực phẩm.

Ông Phú cho biết thêm nước Bỉ được xem là trung tâm phân phối hàng hóa nhập khẩu chính của EU và sẽ là cầu nối cho hàng hóa Việt Nam xuất khẩu vào EU. Phần lớn hàng hóa sau khi nhập khẩu vào Bỉ sẽ được tái xuất nên thông qua thị trường Bỉ, các DN có thể tiếp cận được nhiều hơn tới các thị trường khác trong khu vực châu Âu. “Vì thế, một khi mặt hàng mới nào muốn thử nghiệm, muốn đưa ra hội nhập thị trường thì hãy lấy thị trường Bỉ làm thị trường thử nghiệm. Mặt hàng nào thành công trong việc thâm nhập thị trường Bỉ thì chắc chắn sẽ thành công trong thị trường EU” - ông Vũ Bá Phú nhận định.

Theo NLĐO


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Kinh nghiệm bán hàng sang Mỹ và EU

 

kndn1

bhql2024

hoa-moc-thien

dai-lam-moc