top-banner-2

Thứ năm, 17/06/2021, 16:30 GMT+7

Rừng trên giấy và câu chuyện trục lợi chính sách: Rừng ảo nhưng Tiền thật

Viết bởi Hà Phương   
Thứ năm, 17/06/2021, 16:30 GMT+7

Ai sẽ phải chịu trách nhiệm khi hàng tỷ đồng ngân sách nhà nước đã chi cho những diện tích rừng tự nhiên chỉ tồn tại trên giấy?... 

Tiếp theo phóng sự điều tra “Rừng trên giấy và câu chuyện trục lợi chính sách” do nhóm phóng viên Đài TNVN thường trú khu vực Đông Bắc thực hiện liên quan đến hơn 4.000 ha rừng tự nhiên mà công ty lâm nghiệp Bắc Kạn quản lý bỗng dưng suy giảm bất thường, bài viết “Rừng ảo nhưng Tiền thật” tiếp tục làm rõ những lỗ hổng trong công tác quản lý nhà nước dẫn đến trong nhiều năm qua, công ty lâm nghiệp Bắc Kạn có dấu hiệu trục lợi hàng tỷ đồng ngân sách nhà nước từ chính sách hỗ trợ đóng cửa rừng của Chính phủ.

Con voi chui qua lỗ kim

Theo Sở Tài chính Bắc Kạn, đến nay địa phương này đã chi hơn 8,2 tỉ đồng từ ngân sách trung ương để hỗ trợ công ty lâm nghiệp Bắc Kạn “đóng cửa rừng tự nhiên”. Đỉnh điểm nghiệm thu, phê duyệt diện tích rừng tự nhiên cho đơn vị này lên tới 8.700 ha vào năm 2016.

Diện tích các năm tiếp theo “giữ vững” trên dưới 7.000 ha trước khi phát hiện có dấu hiệu nâng khống nhiều diện tích rừng tụ nhiên và đơn vị này đã phải rút xuống chỉ còn hơn 3.100 ha vào năm 2020 với lý do “suy giảm” tới hơn 4.000 ha. Đây là diện tích rừng tự nhiên không hề nhỏ, rất khó suy giảm sau một vài năm, nhất là trong điều kiện thời tiết, thiên tai không có diễn biến bất thường.

Tỉnh Bắc Kạn đã chi hơn 8,2 tỉ đồng để công ty lâm nghiệp Bắc Kạn bảo vệ rừng tự nhiên những nhiều diện tích chỉ là những "cánh rừng tự nhiên ảo"

Câu chuyện bất thường “con voi chui qua lỗ kim” ở đây là “rừng ảo nhưng tiền thật”. Hồ sơ thanh quyết toán của công ty lâm nghiệp Bắc Kạn, trong đó có nhiều diện tích rừng tự nhiên chỉ tồn tại trên giấy tiếp tục “qua mặt” các cơ quan chức năng trong nhiều năm, vượt qua nhiều quy trình, quy định rất chặt chẽ, từ khâu lập dự toán, cấp phát, thanh toán đến quyết toán kinh phí hỗ trợ ngân sách nhà nước.

Kết thúc năm ngân sách, Sở Tài chính còn phải chủ trì phối hợp với các sở ngành liên quan tổ chức thực hiện thẩm định việc quyết toán kinh phí hỗ trợ, trong đó một trong những căn cứ pháp lý quan trọng là Biên bản nghiệm thu diện tích rừng tự nhiên tạm dừng khai thác của công ty lâm nghiệp do Sở NN&PTNT thực hiện nhưng lại có nhiều khuất tất.

Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bắc Kạn Nguyễn Mỹ Hải, trong giai đoạn từ năm 2014 đến năm 2017, công tác nghiệm thu đất rừng tự nhiên của công ty lâm nghiệp Bắc Kạn giao cho kiểm lâm địa bàn thực hiện. Tuy nhiên, ông Nguyễn Đình Thỏa, Phó Hạt Trưởng Hạt Kiểm lâm Bạch Thông lại khẳng định không nhận được bất cứ chỉ đạo nào của Sở NN&PTNT.

“Công ty lâm nghiệp có đến đề nghị xác nhận những diện tích rừng tự nhiên mà không có những vụ việc vi phạm xảy ra như là cháy rừng, phát phá.... Chúng tôi xác nhận trên diện tích đó không xảy ra vi phạm thôi”, ông Thỏa nói.

Trong nhiều năm phối hợp thẩm định, đề xuất thanh quyết toán hàng tỷ đồng tiền ngân sách hỗ trợ đóng cửa rừng cho công ty lâm nghiệp Bắc Kạn, nhưng Sở Tài chính với chức năng được giao lại không có bất cứ động thái kiểm tra nào.

Bà Đinh Thị Ven, phó Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Bắc Kạn thừa nhận, việc kiểm tra chuyên đề trong quy định đã có, tuy nhiên Sở Tài chính riêng chuyên đề này thì chưa được kiểm tra.

“Sau khi cấp tiền hỗ trợ kinh phí, chúng tôi cũng chưa có cuộc thanh tra, kiểm tra trực tiếp nào về việc sử dụng tiền. Việc xác định diện tích rừng tự nhiên không thuộc phạm vi, lĩnh vực tham mưu của ngành tài chính cho nên Sở Tài chính không tham gia khâu này”, bà Ven cho hay.

Né tránh, đùn đẩy trách nhiệm

Khi mọi chuyện vỡ lở, các sở ngành chức năng ở Bắc Kạn lại đùn đẩy trách nhiệm cho nhau. Đơn vị chịu trách nhiệm trình UBND tỉnh Bắc Kạn phê duyệt chi ngân sách hỗ trợ là Sở Tài chính cho rằng: trong hồ sơ quyết toán, Biên bản nghiệm thu diện tích rừng tự nhiên do Sở NN&PTNT trực tiếp thực hiện và chịu trách nhiệm. Còn Sở NN&PTNT tỉnh Bắc Kạn thì đổ trách nhiệm cho chủ rừng, lực lượng kiểm lâm và liên đới cả Sở TN&MT về sai sót trên bản đồ.

Những đồi rừng tự nhiên đã bị người dân xâm lấn để làm lán trại, trồng cây ăn quả.

Ông Nguyễn Mỹ Hải, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bắc Kạn nêu quan điểm: “Trước tiên phải khẳng định rằng công ty lâm nghiệp là chủ rừng, việc suy giảm diện tích rừng đơn vị chủ rừng là người đầu tiên phải chịu trách nhiệm. Tiếp đến thứ hai là trách nhiệm của ngành NN&PTNT, trong đó là lực lượng kiểm lâm trong quá trình kiểm tra, theo dõi, cập nhật diễn biến cũng chưa được sát sao… Trong trường hợp mà bản đồ đã được Sở TN&MT xác nhận là như vậy thì cũng có một phần trách nhiệm”.

Liên hệ với chủ rừng là công ty lâm nghiệp Bắc Kạn, ông Phạm Văn Thường, Quyền Tổng giám đốc công ty này thẳng thừng từ chối làm việc với phóng viên với lý do thật bất ngờ “công ty đã ngừng hoạt động” (?).

Đại diện Sở TN&MT Bắc Kạn thì cho rằng, công ty lâm nghiệp được hình thành từ các lâm trường trước đây nên toàn bộ hồ sơ, diện tích đều do ngành NN&PTNT quản lý. Khi thành lập công ty, ngành TN&MT chỉ chuyển đổi giấy tờ theo diện tích cũ.

Trả lời câu hỏi, tại sao diện tích rừng tự nhiên của công ty lâm nghiệp Bắc Kạn suy giảm nghiêm trọng như vậy nhưng năm 2019, Sở TN&MT vẫn tham mưu cho UBND tỉnh Bắc Kạn phê duyệt phương án sử dụng đất của công ty này với diện tích đất rừng tự nhiên giữ nguyên hơn 7.100 ha, ông Nông Ngọc Duyên, Trưởng phòng đất đai, Sở TN&MT Bắc Kạn cho rằng, công tác quản lý bảo vệ phát triển rừng, thiết kế trồng rừng, theo dõi diễn biến rừng là cơ quan NN&PTNT và Chi cục Kiểm lâm quản lý, còn Sở TN&MT chỉ quản lý về mặt đất đai, thực hiện nghĩa vụ đầy đủ với Nhà nước hay không.

“Sở TN&MT chỉ quản lý đúng ranh giới hay không, đúng mục đích hay không, còn về đánh giá hiện trạng, trữ lượng, tài sản trên đất thì chúng tôi không có căn cứ, không có khả năng đánh giá vì không có chức năng nhiệm vụ”, ông Duyên giải thích.

Quả bóng trách nhiệm cứ đẩy đi đẩy lại giữa các sở ngành chức năng có liên quan mà không ai chịu nhận. Cả Sở Tài chính và Sở NN&PTNT đều không cung cấp được hồ sơ liên quan đến thanh quyết toán hơn 8,2 tỷ đồng ngân sách hỗ trợ cho công ty lâm nghiệp Bắc Kạn, đặc biệt là các Biên bản nghiệm thu diện tích rừng tự nhiên với lý do “không còn giữ” hoặc “không tìm thấy” cho dù thời gian mới thực hiện trong một vài năm gần đây (?).

Xung quanh câu chuyện hơn 4.000 ha rừng tự nhiên do công ty lâm nghiệp Bắc Kạn quản lý bỗng dưng suy giảm bất thường còn rất nhiều khuất tất cần làm sáng tỏ, nhất là công ty này có đúng đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ đóng cửa rừng hay không? Đơn vị này đã nhập nhèm, nâng khống bao nhiêu diện tích rừng tự nhiên để hưởng lợi? Và ai sẽ phải chịu trách nhiệm khi hàng tỷ đồng ngân sách nhà nước đã chi cho những diện tích rừng tự nhiên chỉ tồn tại trên giấy?...

Lãnh đạo tỉnh Bắc Kạn khẳng định với chúng tôi, UBND tỉnh đã giao cơ quan chức năng tiến hành thanh tra toàn diện công ty lâm nghiệp Bắc Kạn và chắc chắn sẽ sớm có kết luận cuối cùng, phân định rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức vi phạm, giải quyết dứt điểm những hệ lụy nghiêm trọng kéo dài nhiều năm liên quan đến công ty lâm nghiệp Bắc Kạn.

Sớm làm được điều này, không chỉ giải tỏa bức xúc đã lên tới đỉnh điểm của nhiều cán bộ, đảng viên, công nhân viên lâm trường ở địa phương vốn có tỷ lệ che phủ rừng lớn nhất cả nước, mà còn góp phần củng cố niềm tin của người dân vào chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước trong nỗ lực sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động các nông, lâm trường quốc doanh./.

Theo Nhóm PV/VOV-Đông Bắc/17/6/2021

Link nguon: https://vov.vn/kinh-te/rung-tren-giay-va-cau-chuyen-truc-loi-chinh-sach-rung-ao-nhung-tien-that-866698.vov


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Rừng trên giấy và câu chuyện trục lợi chính sách: Rừng ảo nhưng Tiền thật

 

kndn1

bhql2024

hoa-moc-thien

dai-lam-moc