top-banner-2

Thứ ba, 31/12/2019, 09:48 GMT+7

Diễn biến mới vụ tranh chấp dự án nghìn tỷ ở Long An: Vì sao chủ đầu tư kêu cứu?

Viết bởi Mai Ngọc   
Thứ ba, 31/12/2019, 09:48 GMT+7

Vụ tranh chấp Dự án khu dân cư cao cấp và trường đua ngựa tại Long An liên tiếp xảy ra nhiều bất ngờ đến khó tin.

Tổng cục Thi hành án dân sự (THADS) thuộc Bộ Tư pháp cản trở việc khiếu nại của chủ đầu tư dự án bằng một văn bản không rõ ràng, còn Cục THADS tỉnh Long An tái lập ngăn chặn toàn bộ 232,66 héc-ta đất, làm tê liệt dự án là... theo lệnh cấp trên.

Trong khi đó, Công ty China Policy Limited (Công ty CPL) định không thực hiện phán quyết trọng tài mà chính doanh nghiệp này khởi kiện, đòi “chia” dự án, lấy 130 héc-ta đất.

Khổ vì ông vụ trưởng “tiền hậu bất nhất”

Sau ròng rã hơn 240 ngày chờ đợi, Công ty cổ phần Địa ốc Hồng Phát (Công ty Hồng Phát) “sốc” khi nhận được Văn bản số 4245/TCTHADS-GQKNTC ngày 18-12- 2019 (Văn bản 4245) của Tổng cục THADS. Văn bản này do ông Nguyễn Thắng Lợi (Vụ trưởng Vụ Giải quyết khiếu nại tố cáo, thừa lệnh Tổng cục trưởng Tổng cục THADS) ký, khước từ giải quyết khiếu nại việc ngăn chặn 13 quyền sử dụng đất (QSDĐ) tổng cộng là 322,66 héc-ta đất của Công ty Hồng Phát, làm dự án bị tê liệt suốt 1 năm qua.

 du-an-tranh-chap-LA-3

du-an-tranh-chap-LA-4

Văn bản số 4245, ngày 18-12- 2019 của Tổng cục THADS

Có mặt tại tòa soạn Báo Công an TPHCM sáng 25-12- 2019, bà Thái Thị Hồng Hậu (Phó tổng giám đốc (TGĐ) Công ty Hồng Phát) cho biết: “Tổng cục THADS ra thông báo thụ lý khiếu nại của Công ty Hồng Phát từ tháng 4-2019, nhưng không giải quyết. Nay Vụ trưởng Nguyễn Thắng Lợi ký Văn bản 4245, không chỉ chặn đường khiếu nại mà còn kéo dài “cấm vận” và bóp chết dự án”.

Bà Hậu trình bày: Theo Phán quyết trọng tài (PQTT) số 29/12 ngày 25-4-2013, Công ty Hồng Phát và Công ty CPL tiếp tục thực hiện thỏa thuận khung, hai bên đàm phán, ký kết hợp đồng, thành lập công ty liên doanh. PQTT không đề cập đến xử lý tài sản. Nhưng hơn 6 năm qua, cơ quan THADS lại “chiều” theo Công ty CPL, đã 4 lần ra lệnh ngăn chặn QSDĐ của Công ty Hồng Phát. Trong đó, lần ngăn chặn thứ ba bằng Công văn số 525/CTHADS ngày 18-9-2017 của Cục THADS tỉnh Long An, đã bị Bộ Tư pháp “tuýt còi” bằng Văn bản 123/BC-BTP ngày 4-6-2018.

Từ kết luận của Bộ Tư pháp và chỉ đạo của Tổng cục THADS, lệnh ngăn chặn được hủy bỏ vào ngày 29-11-2018. Lạ thay, chỉ 20 ngày sau, chấp hành viên Cục THADS tỉnh Long An Đặng Hoàng Yên ký Quyết định số 07/QĐ-CTHADS (Quyết định 07) tái lập ngăn chặn toàn bộ 13 QSDĐ, dẫn đến khiếu nại tiếp của Công ty Hồng Phát.

Ngày 6-3-2019, Cục trưởng Cục THADS tỉnh Long An Bùi Phú Hưng ký Quyết định số 06/QĐ-CTHADS (Quyết định 06) “giữ y Quyết định 07”. Công ty Hồng Phát khiếu nại Quyết định 06 lên Tổng cục THADS. Ngày 19-4-2019, Vụ trưởng Nguyễn Thắng Lợi ký Văn bản số 103/TB-TCTHADS thông báo thụ lý giải quyết khiếu nại của Công ty Hồng Phát.

Thế nhưng đến ngày 18-12-2019, ông Lợi ký Văn bản 4245, lập luận: “Theo quy định tại Điều 142, Luật THADS, Tổng cục THADS không có thẩm quyền xem xét, giải quyết khiếu nại đối với Quyết định 06. Vì vậy ngày 17-5-2019, Tổng cục THADS ra Thông báo số 130/TB-TCTHADS thu hồi Thông báo số 103/TB-TCTHADS”.

Bà Hậu khẳng định: “Công ty Hồng Phát đã nhận Văn bản số 103/TB-TCTHADS, còn Thông báo số 130/TB-TCTHADS thì công ty không nhận được. Nếu có thì công ty đã khiếu nại ngay, chứ không chờ suốt 8 tháng qua để rồi Vụ trưởng Lợi đưa vào “cửa tử” nhằm “ngâm” khiếu nại, gây thiệt hại cho chủ đầu tư. Chúng tôi quyết đưa vụ việc này ra ánh sáng”.

du-an-tranh-chap-LA-2

Thông báo số 103/TB-TCTHADS

Sự thật phơi bày

Trao đổi với phóng viên, luật sư Trần Hải Đức (Đoàn Luật sư TPHCM) cùng nhóm gần 10 luật sư theo dõi vụ tranh chấp này đều có chung quan điểm: Tổng cục trưởng Tổng cục THADS có thẩm quyền giải quyết khiếu nại của Công ty Hồng Phát. Khoản 3 (điểm b), Điều 142, Luật THADS sửa đổi, bổ sung năm 2014 quy định: “Thủ trưởng cơ quan quản lý THADS thuộc Bộ Tư pháp giải quyết khiếu nại đối với quyết định giải quyết khiếu nại của Thủ trưởng cơ quan THADS cấp tỉnh”.

Trong Quyết định 06, Cục trưởng Cục THADS tỉnh Long An cũng xác định rõ việc Công ty Hồng Phát có quyền khiếu nại tiếp đến Tổng cục THADS trong thời hạn 15 ngày. Bà Hậu bức xúc: “Khi ký văn bản thụ lý đơn khiếu nại của Công ty Hồng Phát, Vụ trưởng Lợi căn cứ vào Điều 142, Luật THADS. Nay ông Lợi lại căn cứ Điều 142 để đảo ngược, cho rằng Tổng cục THADS không có thẩm quyền là sao?”.

Liên quan đến vụ việc này, theo chỉ đạo của Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, ngày 18- 11-2019, Bộ Tư pháp có Văn bản số 4571/BTP-TCTHADS do Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh ký, trả lời đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, xác định: Bộ Tư pháp đang phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan kiểm tra, xác minh, xem xét, giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo của Công ty Hồng Phát. Khi có quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo, Bộ Tư pháp sẽ thông tin tới đại biểu Lưu Bình Nhưỡng.

Bà Hậu cho biết: “Văn bản 4571 càng cho thấy Thông báo số 130/TB-TCTHADS chỉ có... “trong mơ”. Bởi nếu thông báo này tồn tại thì khiếu nại của Công ty Hồng Phát đã bị chặn lại, Tổng cục THADS lấy đâu ra quyết định giải quyết khiếu nại để lãnh đạo Bộ Tư pháp thông tin tới đại biểu Lưu Bình Nhưỡng?”.

du-an-tranh-chap-LA-1

Tranh chấp kéo dài 10 năm nhưng Công ty Hồng Phát vẫn đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng vào dự án.

Theo đại diện Công ty Hồng Phát, khi vụ việc phơi bày, dư luận lên tiếng và công ty này thu thập được bằng chứng là Văn bản số 634 do Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh ký ngày 18-11-2019, thể hiện Bộ Tư pháp yêu cầu Tổng cục THADS chỉ đạo Cục THADS tỉnh Long An ban hành Quyết định 07. Đã chỉ đạo như thế thì Cục trưởng Cục THADS tỉnh Long An Bùi Phú Hưng còn làm được gì khác hơn ngoài việc ký Quyết định 06, “giữ y Quyết định 07”? Còn Tổng cục THADS ra thông báo thụ lý khiếu nại của Công ty Hồng Phát chỉ là hình thức, rồi “ngâm” suốt 8 tháng, cuối cùng “hạ màn” bằng Văn bản 4245. Mục đích của việc làm này nhằm kéo dài lệnh ngăn chặn 13 QSDĐ, làm tê liệt dự án, dồn ép chủ đầu tư vào thế cùng đường, phá sản.

Liên quan đến việc ngăn chặn 13 QSDĐ, Bộ Tư pháp đang tồn tại hai văn bản “chọi” nhau: Văn bản số 634 do Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh ký và Văn bản số 123/ BC-BTP do Thứ trưởng Trần Tiến Dũng (đã chuyển công tác) ký ngày 4-6-2018. Trong đó, Văn bản 123/BC-BTP đã được Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đồng ý về nguyên tắc, thể hiện tại Văn bản số 8248/VPCP-V.I ngày 31-8-2018 của Văn phòng Chính phủ.

Văn bản số 123/BC-BTP cùng hàng loạt văn bản của Tổng cục THADS, Cục THADS tỉnh Long An ban hành năm 2018 đều đồng nhất quan điểm: Không có cơ sở để áp dụng biện pháp cưỡng chế kê biên 13 QSDĐ của Công ty Hồng Phát. Theo Luật THADS, sau khi kê biên, cơ quan THADS phải áp dụng các biện pháp tiếp theo để xử lý tài sản, như: thẩm định, bán đấu giá, giao tài sản... Làm như thế thì không đúng theo nội dung của PQTT. Quan điểm rõ ràng như thế, nhưng lại bị đảo ngược bởi những căn cứ pháp lý và lập luận hoàn toàn không thuyết phục.

Điệp khúc đòi “chia” đất của công ty CPL

Trong diễn tiến mới nhất, Cục THADS tỉnh Long An tổ chức cuộc họp ngày 23-12-2019 về giải quyết việc thi hành PQTT. Tham gia họp có đại diện Viện KSND tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh... Bà Hậu nêu rõ 5 vấn đề, trong đó nhấn mạnh với tư cách chủ đầu tư hợp pháp, duy nhất của dự án, Công ty Hồng Phát luôn tuân thủ theo quy định của pháp luật; thực thi theo PQTT. Tuy có khó khăn, nhưng công ty luôn thiện chí, tìm biện pháp tháo gỡ để dự án được triển khai đúng tiến độ theo chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh Long An. Công ty Hồng Phát không đồng ý “chia” đất với Công ty CPL, vì trái quy định của pháp luật Việt Nam, đi ngược lại PQTT.

Phía Công ty CPL có TGĐ Tong Kwok Lun cùng ông Lương Văn Trung (đại diện ủy quyền) một lần nữa lại yêu cầu “chia” đất dự án. Trước đó, Công ty CPL nhiều lần đưa ra yêu cầu này và “vẽ” siêu dự án Saigon Beverly Hills, quy mô 130 héc-ta (đất được cắt ra từ phần đất 232,66 héc-ta), vốn đầu tư 4.935 tỷ đồng, thực hiện trong 9 năm. Tuy nhiên, siêu dự án của CPL đã bị các cơ quan chức năng tỉnh Long An “bắt bài”, Chủ tịch UBND tỉnh bác bỏ vì trái quy định pháp luật.

Chủ trì cuộc họp, Cục trưởng Cục THADS tỉnh Long An Bùi Phú Hưng kết luận: Việc Công ty CPL đề nghị chia tách diện tích 130 héc-ta đất không có trong nội dung PQTT. Đề nghị Công ty Hồng Phát và Công ty CPL thực hiện PQTT; hai bên tiếp tục thỏa thuận phương án khả thi, báo cáo Cục THADS tỉnh.

Để giải quyết dứt điểm vụ việc, đề nghị các cơ quan chức năng tỉnh Long An, Tổng cục THADS (Bộ Tư pháp)... phải hết sức thận trọng trong xử lý tranh chấp giữa các doanh nghiệp.

Theo Nhóm PV Chuyên đề/Congan.com.vn - 31/12/2019

Link nguồn: http://congan.com.vn/an-ninh-kinh-te/vi-sao-chu-dau-tu-keu-cuu_85496.html


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Diễn biến mới vụ tranh chấp dự án nghìn tỷ ở Long An: Vì sao chủ đầu tư kêu cứu?

 

kndn1

bhql2024

hoa-moc-thien

dai-lam-moc