top-banner-2

Thứ năm, 06/09/2018, 11:11 GMT+7

Cần cân nhắc khi đầu tư xe buýt mini

Viết bởi Mai Ngọc   
Thứ năm, 06/09/2018, 11:11 GMT+7

Việc đầu tư xe buýt mini tại TP HCM cần cân nhắc về tính khả thi bởi rất dễ làm phình to chi phí từ ngân sách TP.

Trung tâm Quản lý giao thông công cộng - Sở Giao thông Vận tải TP HCM vừa đề xuất đầu tư 210 xe buýt (XB) mini loại 12-16 chỗ gom khách từ các đường, hẻm nhỏ đến những trục giao thông chính. Đề xuất này nằm trong đề án "Tăng cường vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) kết hợp với kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông trên địa bàn TP HCM", đã được trình UBND TP.

Tăng khả năng tiếp cận

Theo đề xuất, dự án phát triển XB mini nhằm tăng cường năng lực VTHKCC tại TP. Giai đoạn 1 đầu tư 210 xe, loại 12-16 chỗ, tổng mức đầu tư 77,3 tỉ đồng từ nguồn ngân sách TP. Khi thực hiện, các tuyến XB mini sẽ hoạt động trên địa bàn các quận 1, 10 và Tân Bình.

Ông Trần Chí Trung, Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng, cho biết việc phát triển XB mini là một trong những giải pháp tăng cường khả năng tiếp cận và hoàn thiện mạng lưới VTHKCC, bảo đảm mật độ bao phủ của mạng lưới XB đạt tiêu chí trong phạm vi 500 m, phát triển đồng bộ các tuyến buýt xuyên tâm, vành đai và XB mini sẽ thực hiện chức năng gom khách, chuyên chở học sinh, sinh viên…

Cũng theo ông Trung, hiện nay VTHKCC tại TP HCM chỉ đáp ứng gần 10% nhu cầu đi lại, trong khi chỉ tiêu đến năm 2020 phải đáp ứng từ 15%-20%. Tại TP hiện có rất nhiều đường hẻm và có tới 85% dân số cư ngụ ở những khu vực này. Các hẻm chỉ có chiều rộng trung bình từ 3-6 m, không phù hợp với XB lớn và XB trung. Khoảng cách tiếp cận XB hiện khá xa, từ 600 m đến hơn 1.000 m.

Hệ thống XB mini sẽ thu gom, trung chuyển hành khách từ các khu vực có đường hẻm, đường hẹp ra hệ thống XB, đồng thời phục vụ nhu cầu đưa rước học sinh trong khu vực nội quận.

xe-bus-mini

Tại TP HCM hiện chủ yếu là xe buýt lớn, khó tiếp cận đón khách trong các tuyến đường hẹp. Ảnh: GIA MINH

Từng có xe buýt mini nhưng không hiệu quả

Một số chuyên gia giao thông cho rằng việc cho phép XB kích thước nhỏ, lưu thông trong các tuyến đường hẹp giúp tăng khả năng tiếp cận đối với người dân nhưng cần đánh giá về tính hiệu quả và khả thi khi thực hiện dự án bởi tại TP, loại hình này từng có nhưng bị "khai tử", gây lãng phí lớn. Hơn nữa, trong điều kiện ngân sách TP eo hẹp, việc đầu tư loại hình này dễ làm phình to thêm các chi phí trong phương án trợ giá.

Từ năm 2002, được UBND TP HCM vận động, nhiều chủ xe đã mua các loại xe tải nhỏ đời mới cải tạo thành XB 12 chỗ. Số lượng các xe này tăng lên hàng trăm chiếc vào khoảng năm 2006. Tuy nhiên, năm 2008, quy định mới về điều kiện XB phải có sức chứa từ 17 chỗ trở lên có hiệu lực, UBND TP HCM xin trung ương gia hạn sử dụng loại xe 12 chỗ mà các doanh nghiệp đã đầu tư đến hết niên hạn của xe.

"Theo niên hạn, những xe này có thể hoạt động đến năm 2018 nhưng do không được ưu ái nên từ khoảng năm 2010, hầu hết chủ xe đều phải bỏ, vay tiền để chuyển qua loại xe lớn" - ông Hai, hoạt động trên tuyến xe số 29 ngày trước, nhớ lại.

Chuyên gia ôtô Nguyễn Minh Đồng phân tích việc đầu tư XB mini không phù hợp tại TP HCM do các đường hẻm tại TP quá nhỏ, nhiều đường cụt, nhu cầu sinh hoạt rất lớn, đông đúc. Trong khi đó, vỉa hè, lòng đường không thông thoáng, XB lưu thông vào dễ gây ùn tắc hoặc tai nạn và cũng khó quay đầu xe. Mặt khác, khoảng cách để tiếp cận XB hiện nay không quá lớn.

"Không cần thiết phải đầu tư XB nhỏ. Cần xây dựng thói quen của lối sống đô thị, công nghiệp, tự giác phục vụ" - ông Đồng nói.

Để phát triển mạng lưới XB hiện nay, ông Đồng đề nghị TP đầu tư phát triển hệ thống XB, các phương tiện công cộng, hệ thống trung chuyển tại các tuyến đường chính, khu vực trung tâm, sân bay…, thậm chí phục vụ miễn phí. Song song đó, nâng cao hơn nữa thái độ phục vụ của đội ngũ nhân viên và bảo đảm đúng thời gian quy định.

Đồng quan điểm, TS Vũ Văn Ái, Trường Đại học Bách khoa TP HCM, cũng cho rằng nên có phương án khuyến khích người dân đi bộ vì có lợi cho sức khỏe, môi trường và nâng cao nếp sống văn minh. Đối với các hẻm nhỏ, nên dành cho xe máy bởi tính năng động cao.

Bên cạnh đó, TP cần bố trí hợp lý về khoảng cách giữa các trạm XB, nhà ga để người dân thuận tiện hơn khi lưu thông từ các hẻm tìm đến các phương tiện công cộng.

Được phép hoạt động ở tuyến đường nhỏ

Theo Nghị định 86/2014/NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh bằng ôtô đang có hiệu lực, đối với XB phải có sức chứa từ 17 hành khách trở lên.

Riêng trường hợp các tuyến xe có hành trình bắt buộc qua các cây cầu có trọng tải từ 5 tấn trở xuống hoặc trên 50% lộ trình tuyến là đường từ cấp IV trở xuống, đường bộ đô thị có mặt cắt ngang từ 7 m trở xuống, được sử dụng ôtô có trọng tải thiết kế từ 12 đến dưới 17 hành khách. Như vậy, XB nhỏ từ 12-16 chỗ chỉ được phép hoạt động ở các tuyến đường nhỏ dưới 7 m.

Theo Gia Minh - Thành Đồng (Người Lao động)/Khampha.vn - 5/9/2018

Link nguồn: http://khampha.vn/tin-nhanh/can-can-nhac-khi-dau-tu-xe-buyt-mini-c4a677618.html


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Cần cân nhắc khi đầu tư xe buýt mini

 

kndn1

bhql2024

hoa-moc-thien-2

tieng-hat-viet-toan-cau-2

hoa-moc-thien

dai-lam-moc