top-banner-2

Thứ năm, 05/04/2018, 15:22 GMT+7

Giành lại sự sống cho nhiều người: Phá bỏ định kiến 'chết toàn thây'

Viết bởi Nam Anh   
Thứ năm, 05/04/2018, 15:22 GMT+7

Dù hiến tạng là để cứu người nhưng cũng không dễ dàng do những rào cản từ gia đình, định kiến xã hội và suy diễn tâm linh.

Những tháng gần đây, câu chuyện bé Nguyễn Hải An (7 tuổi, ở Hà Nội) hiến giác mạc sau khi qua đời vì bệnh ung thư đã lan tỏa trong cộng đồng, lay động hàng triệu trái tim và bước đầu đã phá vỡ "bức tường" định kiến tiêu cực về hiến tạng.

Lan tỏa "ngọn lửa" Hải An

Hơn 1 tháng qua, tại Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người (tại Bệnh viện (BV) Việt Đức, Hà Nội) những lá đơn đăng ký hiến mô, tạng liên tục được người dân đón nhận. Trong số này, có 2 mẹ con bà Nguyễn Thị Hồng, 58 tuổi, cán bộ hưu trí ở quận Hà Đông, Hà Nội cùng đến đăng ký hiến mô, tạng. Cầm tấm thẻ đăng ký hiến tạng trên tay, bà Hồng nói khi mất đi, thân xác sẽ hóa hư không, chỉ có tinh thần, tấm lòng, tình yêu là tồn tại mãi. Con gái bà mới 27 tuổi nhưng cùng chung tấm lòng với mẹ.

Với ước mong khi trở về cát bụi vẫn có thể tiếp tục thắp sáng, viết tiếp cuộc đời của nhiều người khác, mang lại sự sống cho những người xa lạ, chị Trần Thị Thanh Hoài, 24 tuổi, công nhân điện tử ở tỉnh Hải Dương, đã xin nghỉ làm buổi sáng để lên Hà Nội đăng ký hiến tạng. "Tôi đã hiểu được ý nghĩa của việc làm nhân văn này nên muốn dành những phần cơ thể, tạo thêm cơ hội sống cho người khác. Sau khi nhận tấm thẻ này, tôi sẽ về nhà nói chuyện với bố mẹ và gia đình để mọi người hiểu và có thể cũng đi đăng ký hiến tạng như tôi" - chị Hoài chia sẻ.

ghep-noi-tang-vanhoadoanhnhan

Một ca ghép thận cho nữ sinh viên mới đây tại Bệnh viện Chợ Rẫy từ nguồn tạng chuyển vào từ miền Bắc Ảnh: NGUYỄN THẠNH

Trong số những người đăng ký hiến tạng sau khi chết hoặc chết não có cả gia đình ông Đặng Hoàng Giang ngụ Hà Nội, vợ là Vũ Chi Mai, 44 tuổi và hai con gái Mai Chi 17 tuổi, Mai An 11 tuổi. Đây là gia đình đầu tiên cùng đi đăng ký hiến tạng. Theo ông Giang, đây không phải hành động bộc phát mà là kế hoạch đã ấp ủ bấy lâu của cả gia đình và các thành viên trong gia đình đều hoàn toàn tự nguyện. Ông Giang cho biết năm 2017, ông đã tham gia một chương trình khá đặc biệt mang tên "Hành trình cận tử", đồng hành với những người đang cận kề với cái chết và hiểu về tình trạng khan hiếm nguồn tạng và ông đã quyết định hiến tạng. Trong thời gian này, ông Giang gặp một cô gái 28 tuổi, sống trong một ngôi làng nghèo vùng biên giới của tỉnh Thanh Hóa mắc bệnh ung thư, mong muốn được hiến giác mạc sau khi qua đời. Để thực hiện được tâm nguyện đầy nhân văn này, cô gái phải thuyết phục gia đình rất nhiều lần và vượt qua sự dị nghị của hàng xóm. Cuối cùng cô gái đã ra đi với tâm nguyện hiến tạng được gia đình hoàn thành. Câu chuyện của cô gái trẻ ấy cũng "truyền lửa" cho hai con gái ông.

Ông Nguyễn Hoàng Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia, cho biết sau "ngọn lửa" Hải An, đã có gần 2.000 người đăng ký hiến tạng sau khi chết, chết não. Hiện số người đăng ký hiến tạng lên tới gần 14.000 người. Con số này cao gấp đôi so với năm 2016 (hơn 6.700 trường hợp).

Mất 2 con vì quan niệm

Những ngày qua, câu chuyện về thiếu tá Lê Hải Ninh (45 tuổi, ở Yên Mô, Ninh Bình), người đã hiến đa tạng cứu sống và đem lại ánh sáng cho 6 bệnh nhân khác trong ca ghép tạng xuyên Việt, đặc biệt là ca ghép phổi từ người cho chết não đầu tiên tại BV Trung ương quân đội 108 vừa qua khiến không ít người cảm phục. Cuộc đời của thiếu tá Ninh không may mắn mất đi, nhưng trái tim, lá phổi, lá gan, quả thận của anh đã mang đến cuộc sống cho nhiều người bệnh khác. Nén lại sự đau buồn, ông Lê Xuân Cựu, bố đẻ thiếu tá Lê Hải Ninh, nói: "Chết có nghĩa là về với cát bụi. Nhưng cái chết sẽ không là hư vô, nếu từ cái chết đó sự sống được hồi sinh".

Thế nhưng, với quan niệm "chết phải toàn thây" không phải ai cũng dễ dàng cho đi một phần cơ thể của người thân. GS-TS Nguyễn Tiến Quyết, nguyên Giám đốc BV Việt Đức, kể một câu chuyện đáng tiếc khi một gia đình có nạn nhân trẻ bị chấn thương sọ não đã chết não. Qua khai thác, các bác sĩ được biết em của người chết não đang chạy thận. Mẹ và con của người chết não đồng ý cho thận, nhưng người cha đẻ của 2 anh em không đồng ý và 2 bệnh nhân đó đã qua đời rất đáng tiếc.

Là "nhạc trưởng" trong việc vận động nguồn tạng, TS-BS Dư Thị Ngọc Thu, Trưởng Đơn vị Điều phối ghép các bộ phận cơ thể người BV Chợ Rẫy, nhớ mãi những câu chuyện đầy xúc động. Thấy được nghĩa cử cao đẹp hiến tạng cứu người, một phụ nữ đã đăng ký hiến tạng chồng bà vì bệnh của ông không còn khả năng cứu chữa. Thế nhưng, chính sự thị phi ở quê nhà khiến bà không thể tiếp tục sống ở quê. Ngày đám tang của chồng nhưng nhiều người hỏi bà bán chồng được mấy chục ngàn đô, tim, thận bao nhiêu? Chuyện này đến cả người thân bên chồng cũng hỏi khiến bà uất ức, đau khổ.

Theo BS Thu, hãy nghĩ đến mất mát to lớn mà một số gia đình, người thân của người hiến tạng khi qua đời phải âm thầm chịu đựng. Họ đã vượt qua nỗi đau mất người thân để mang đến cho đời những món quà sự sống vô giá. Vì chưa hiểu rõ cũng như có cái nhìn đúng đắn về việc hiến ghép tạng, chúng ta đã vô tình làm tổn thương thân nhân người hiến tạng. Xin đừng phụ lòng những người đã hiến tạng và người thân của họ.

Đưa hiến tạng vào giáo dục nhà trường

Nhìn nhận hiến tạng cứu người là việc làm đầy tính nhân văn, PGS-TS Nguyễn Trường Sơn, Giám đốc BV Chợ Rẫy, kêu gọi cộng đồng đăng ký hiến tạng khi chẳng may qua đời. "Quan niệm của phương Đông về "chết toàn thây" để về với cát bụi ở góc độ nào đó có thể thấy gây lãng phí lớn đối với sự sống và chưa đúng với tinh thần nhân văn. Nếu được ghép tạng bệnh nhân có thể trở lại cuộc sống gần như bình thường, được làm việc, lập gia đình, sinh con... Đã đến lúc vấn đề hiến - ghép tạng cần đưa vào giáo dục trong nhà trường"- PGS Sơn nói. Ng. Thạnh

Theo Ngọc Dung - nld.com.vn - 05/04/2018

Link nguồn: https://nld.com.vn/thoi-su/gianh-lai-su-song-cho-nhieu-nguoi-pha-bo-dinh-kien-chet-toan-thay-20180404215819482.htm


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Giành lại sự sống cho nhiều người: Phá bỏ định kiến 'chết toàn thây'

 

kndn1

bhql2024

hoa-moc-thien

dai-lam-moc