top-banner-2

Thứ hai, 02/03/2015, 14:01 GMT+7

Cuộc đua sắm máy bay, tậu du thuyền của đại gia Việt

Viết bởi Kim Cúc   
Thứ hai, 02/03/2015, 14:01 GMT+7

Các đại gia Việt ngày càng mạnh tay trong cuộc chơi xa xỉ mua máy bay tậu du thuyền. Mốt chơi mới thể hiện một khát khao bay cao cùng mây và lướt nhanh trên cánh sóng của nhà giàu.

Tậu trực thăng

Thị trường máy bay riêng cũng sôi động không kém. Việt Nam có 2 máy bay tư nhân của bầu Đức và bầu Long. Ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HĐQT tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, là doanh nhân Việt đầu tiên sở hữu máy bay riêng vào năm 2008, với chiếc Beechcraft King Air 350, mẫu phi cơ của Mỹ. Thời điểm đó, thương vụ đình đám này tiêu tốn của bầu Đức khoảng 7 triệu USD, trong đó giá trị chiếc máy bay là 5,1 triệu USD, phần còn lại là chi phí môi giới, đào tạo phi công, bến bãi và tiền thuế…

Mới đây, Bầu Đức đã đổi sang chiếc phản lực Legaxy 600 mà cỡ như tỉ phú Bill Gates thường sử dụng. Đây là loại máy bay phản lực do Hãng sản xuất máy bay Embraer chế tạo có giá chào hàng năm 2010 khoảng 27,5 triệu USD. Legacy 600 là loại siêu máy bay kích thước trung bình chở được 13 hành khách, với tầm bay 6.019km với tám hành khách hoặc 6.297km với bốn hành khách.

Tiếp đó, ông chủ tập đoàn Hòa Phát Trần Đình Long cũng “tậu” chiếc trực thăng EC 135P2i với giá 5 triệu USD năm 2010.

tau-may-bay

Bầu Đức sở hữu trực thăng riêng đầu tiên ở Việt Nam.

Trong lĩnh vực hàng không chung, hai chiếc thủy phi cơ đầu tiên vừa thực hiện chuyến bay chuyển sân dài gần 15.000 km từ Mỹ, vượt Thái Bình Dương về Hà Nội, đánh dấu sự ra đời của hãng hàng không thứ 8 và là hãng hàng không tư nhân thứ 6 ở Việt Nam.

Không giống như các hãng hàng không khác, Hải Âu lại chọn cho mình một ngách riêng là cung cấp dịch vụ bay thường lệ và thuê chuyến, với thời gian bay 30 phút giữa Hà Nội và vịnh Hạ Long hoặc bay ngắm cảnh 25 phút và 40 phút trên vịnh Hạ Long. Ngoài ra, hãng cũng cung cấp dịch vụ phục vụ sự kiện của các tổ chức, cá nhân, các chuyến bay chuyên dụng cho khách hàng…

Hãng bay thủy phi cơ tại Việt Nam.

Hãng bay thủy phi cơ tại Việt Nam.

Theo ông Trần Trọng Kiên, Tổng giám đốc tập đoàn Thiên Minh, mặc dù giá vé của chặng bay Hà Nội - Hạ Long hơn 5 triệu đồng/vé, bay ngắm cảnh trên vịnh Hạ Long từ 25-40 phút có giá 5-7 triệu đồng/vé nhưng có nhiều tiềm năng. Nhu cầu khách du lịch cao cấp ở Việt Nam đang có xu hướng tăng lên. Sau tuyến Hà Nội - Hạ Long, Hải Âu sẽ mở rộng dịch vụ thủy phi cơ đến các khu vực ở Nam Trung Bộ và Nam Bộ. Trong năm 2015, dịch vụ bay thủy phi cơ sẽ mở rộng ra các nước lân cận.

Sắm du thuyền

Đại gia Việt sẵn sàng chi vài triệu USD để sở hữu chiếc du thuyền sang trọng bậc nhất. Tại Việt Nam, những năm gần đây, sự xuất hiện của những du thuyền đã không còn hiếm.

Một giám đốc kinh doanh du thuyền ở Sài Gòn đánh giá, thị trường du thuyền Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển, do đời sống ngày càng được nâng cao, nhu cầu du lịch, trải nghiệm cao cấp cũng được nâng tầm. Tùy vào từng thương hiệu, môtô nước giá dao động từ vài chục đến vài trăm triệu. Du thuyền có mức giá thấp nhất khoảng 3-4 tỷ đồng một chiếc.

Các nhà sản xuất du thuyền nước ngoài đánh giá: Tại Việt Nam có một nhóm nhỏ khách hàng có đủ khả năng tài chính để mua một chiếc du thuyền dài cỡ 27,4m.Trong danh sách những du thuyền hạng sang ngự trên sông Sài Gòn, phải điểm sanh chiếc du thuyền Azimut 70 của gia đình chồng Tăng Thanh Hà. Đây là chiếc du thuyền có giá trị và sang trọng bật nhất Sài Gòn hiện nay. Chiếc du thuyền này có giá đến 4 triệu USD.

Du thuyền thú chơi của giới nhà giàu.

Du thuyền, thú chơi của giới nhà giàu.

Chiếc du thuyền nổi tiếng thứ hai nằm trong danh sách này đồng thời được nhiều người biết đến nhất Việt Nam hiện nay phải kể đến chiếc Sunseeker của gia đình nữ hoàng ảnh lịch Diễm My.

Bên cạnh các khách hàng tư nhân như vậy còn có khách hàng dạng công ty. Họ sắm du thuyền như một công cụ làm việc “tất yếu,” dùng để đón đưa khách tăng thêm phần trọng thị. Mặc dù đã có những công ty trong nước nhảy vào lĩnh vực đóng thuyền hạng sang, nhưng người tiêu dùng dư tiền vẫn thích các thương hiệu nước ngoài, vì muốn thể hiện đẳng cấp và quan tâm đến chất lượng cao của sản phẩm.

Một trong những đại gia sở hữu du thuyền gây chú ý khác là ông Bùi Nguyễn Thế Vinh, Giám đốc công ty TNHH Hải Âu Nha Trang, với chiếc du thuyền King Yatch. Đây là chiếc du thuyền có vỏ làm bằng composite lớn nhất Việt Nam, do viện Nghiên cứu chế tạo tàu thuỷ thiết kế và đóng. Tổng giá trị con tàu lên đến 10 tỷ đồng (cả nội thất), trong đó chi phí đóng toàn bộ con tàu khoảng 7 tỷ đồng.

Sẽ là thiếu sót nếu không điểm danh đội du thuyền của “chúa đảo” Tuần Châu. Sở hữu hàng loạt du thuyền có giá trị lên tới 1,5 triệu USD, tài sản của “chúa đảo” Đào Hồng Tuyển khiến nhiều đại gia cũng phải mơ ước.

Cuộc đua xây dựng bến du thuyền cũng đã khởi động. Tại Nha Trang, bến du thuyền quốc tế đầu tiên của Việt Nam đã được khởi công. Tại Đà Nẵng, một dự án có vốn đầu tư 203 tỷ đồng, quy mô dự án hơn 56.766 m2, sẽ được đưa vào hoạt động vào tháng 4/2015 và sẽ là bến du thuyền hiện đại.Phú Quốc cũng đang lên kế hoạch xây dựng cảng đón tàu khách siêu sang.

Cuộc chơi tốn kém

Du thuyền, trực thăng là thú chơi xa xỉ đầy hấp dẫn và tạo nên thương hiệu của đại gia. Tuy nhiên đây là một cuộc chơi đầy tốn kém và thử thách. Điểm qua dễ thấy nhu cầu sử dụng du thuyền dẫu chưa thật sự bùng phát nhưng cũng đã sôi nổi.Vấn đề là không có nhiều bến bãi để neo đậu những chiếc du thuyền lớn.

Theo ông Giám đốc hãng du thuyền Sài Gòn, những người thích chơi du thuyền trong nước có thể tự mình đặt mua một chiếc từ nước ngoài. Tuy nhiên, quá trình chuyển tàu về Việt Nam không đơn giản: phải biết rõ và thực hiện nhiều thủ tục nhập khẩu, tiến hành khai báo hải quan, thuế... Vì vậy nhiều người đã tạm gác lại giấc mơ của mình.

 Thú chơi đắt tiền nhưng nhiều rào cản.

Thú chơi đắt tiền nhưng nhiều rào cản.

Ông cho biết thêm: “Du thuyền là một động sản có giá trị lớn nhưng không giống như siêu xe mất giá ngay từ khi lăn bánh ra khỏi xưởng, một chiếc du thuyền chất lượng tốt ít lo bị mất giá theo thời cuộc. Do vậy, không thể nói một người chơi ngông khi bạo tay chi cả triệu USD cho một chiếc du thuyền. Họ có thể thu lại lợi nhuận từ việc cho thuê du thuyền theo giờ hay các dịch vụ trọn gói.”

Không ít doanh nghiệp và cá nhân có tiền để mua máy bay, đặc biệt là các loại máy bay giá chỉ mấy trăm nghìn USD, rẻ hơn giá các loại "siêu xe" họ đã và đang mua. Nhưng họ chưa mua, vì nhiều lý do.

Các nước trong khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Singapore, Malaysia, Philippines... đều có sân bay dành riêng cho hoạt động của hàng không tư nhân. Nhu cầu này chưa được đáp ứng ở Việt Nam. Ngoài ra, các thủ tục pháp lý cho hoạt động bay của máy bay riêng tại Việt Nam cũng khá phức tạp. Hiện chỉ có các sân bay dành cho hoạt động thương mại, quốc phòng.

Nhu cầu sở hữu máy bay riêng, kinh doanh dịch vụ trực thăng, thủy phi cơ rất lớn, nhưng đến nay số lượng tại Việt Nam vẫn chưa đáng kể. Nếu cộng cả 2 chiếc thủy phi cơ của tập đoàn Thiên Minh, số lượng máy bay tư nhân ở Việt Nam vẫn đếm trên đầu ngón tay, dù thị trường này được đánh giá rất tầm năng và nhiều đại gia Việt đủ khả năng đầu tư.

 Chiếc máy bay của đại gia Hòa Phát

Chiếc máy bay của đại gia Hòa Phát.

Đón đầu xu hướng thú chơi xa xỉ của người giàu, các doanh nghiệp trong nước đang đua nhau nhảy vào mảng kinh doanh này. Mới đây, một tập đoàn có trụ sở tại Hà Nội đã tuyên bố, sẽ đầu tư 10 du thuyền cho thuê tại Vịnh Nha Trang, chủ yếu phục vụ phân khúc khách hàng trung và cao cấp tại Nha Trang, Vũng Tàu, Phú Quốc, Bình Định và Đà Nẵng với bán kính trên dưới 500 km.

Để thực hiện mảng kinh doanh mới này, doanh nghiệp sẽ thành lập công ty con tại Nha Trang. Riêng về trực thăng, đơn vị này đã đặt 2 trực thăng sẽ đưa về sân bay Nội Bài. Tuy du thuyền và máy bay chưa về nhưng cho thấy tiềm năng của mảng dịch vụ cao cấp này là rất lớn và các doanh nghiệp lớn không thể bỏ lỡ.

Theo Vietnamnet


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Cuộc đua sắm máy bay, tậu du thuyền của đại gia Việt

 

kndn1

bhql2024

hoa-moc-thien

dai-lam-moc