top-banner-2

Thứ năm, 09/01/2014, 16:53 GMT+7

Vietinbank không bồi thường vụ Huyền Như

Viết bởi lehang   
Thứ năm, 09/01/2014, 16:53 GMT+7

Lãnh đạo cấp cao Vietinbank khẳng định tiền các cá nhân, doanh nghiệp đưa cho Huyền Như không vào hệ thống của ngân hàng.

Trong phiên tòa xét xử vụ án Huyền Như hôm 8/1, tất cả các nguyên đơn dân sự và bị hại đều cho rằng mình bị chiếm đoạt do ký hợp đồng với Vietinbank chứ không phải cá nhân Huyền Như. Nhiều người được xếp vào dạng bị hại cho rằng mình không phải nạn nhân của Huyền Như và cũng không biết Huyền Như là ai. Do đó, tất cả đều đề nghị tòa xác định Vietinbank phải là bị đơn dân sự của vụ án, chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại.

Trao đổi với VnExpress.net tối 8/1, lãnh đạo cấp cao Ngân hàng Công Thương Việt Nam (Vietinbank) khẳng định Vietinbank không liên quan tới vụ việc và cũng không có trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Theo ông, đây là việc lừa đảo của cá nhân Huyền Như.

Vị lãnh đạo này cho biết, tiền các cá nhân doanh nghiệp gửi qua Huyền Như không hề được cập nhật vào hệ thống của Vietinbank.

"Tiền thực tế chưa vào đến ngân hàng đã rẽ sang chỗ khác. Khi khám nhà riêng Huyền Như thấy những con dấu, hợp đồng, chứng từ giả nhưng trên hệ thống sổ sách của Vietinbank không hề có", ông giải thích.

Mặc dù khẳng định không bồi thường, ông cho biết toàn hệ thống Vietinbank phải rút bài học kinh nghiệm sau vụ việc của Huyền Như, sẽ tăng cường chỉ đạo từng đơn vị về quản trị nội bộ, rủi ro và sẽ "sa thải nhanh bất cứ cá nhân nào vi phạm". Ông nói: "Sẽ không trừ một ai. Càng cấp cao, lãnh đạo thì càng phải xử lý nhanh, xử lý nặng. Chứ lãnh đạo có chức có quyền mà sai thì tan tành mây khói".

Trong khi đó, chia sẻ với VnExpress, nhiều chuyên gia và luật sư cho rằng để một cá nhân tự tung tự tác lừa đảo hàng nghìn tỷ đồng như Huyền Như là do khâu kiểm soát nội bộ, quản trị rủi ro của ngân hàng có vấn đề.

Theo nguyên lãnh đạo pháp chế của một ngân hàng nhìn nhận hệ thống ngân hàng có một "khuyết tật" lớn về con người. Theo ông, quy trình kiểm soát nội bộ nhà băng nào cũng có nên việc một cá nhân có thể làm giả hàng loạt giấy tờ, chiếm đoạt tiền gửi của các cá nhân tại ngân hàng như trong vụ Huyền Như không thể chấp nhận được. "Nhất là người đó khi ở chi nhánh, gần như không có quyền hành như một lãnh đạo mà lại có thể giả mạo người gửi tiền lấy thẻ tiết kiệm đi cầm cố và một loạt sai phạm khác", vị này nói.

Đồng tình với quan điểm này, một chuyên gia tài chính hiện là giám đốc của một viện nghiên cứu kinh tế cho rằng nếu ngân hàng không có lỗ hổng thì Huyền Như không thể huy động được vốn kiểu như vậy. "Tại sao nhân vật đó lại có thể làm được nhiều như thế vẫn là một câu chuyện lớn", ông nói.

Huỳnh Thị Huyền Như tại tòa. Ảnh: Hải Duyên.

Luật sư Trương Thanh Đức (Hà Nội) cho rằng, sơ hở của hệ thống quản trị rủi ro tại Vietinbank chính là môi trường tạo ra các hành vi phạm tội của Huyền Như. "Nhiều chứng từ và chữ ký giả vẫn lọt qua mọi cửa kiểm soát. Nhiều nghìn tỷ đồng đã được chuyển đi và rút ra bất hợp pháp dễ dàng", ông Đức cho biết.

Khâu quản lý cán bộ và kiểm soát tín dụng của Vietinbank quá lỏng lẻo sau vụ Huyền Như cũng chính là nhận định đầu tiên của Phó chủ tịch Hội luật gia TP HCM, Luật sư Nguyễn Văn Hậu. Theo ông Hậu, mỗi ngân hàng đều có quy trình kiểm soát riêng nhưng trên thực tế có thể người ta chỉ làm chiếu lệ. Ở vụ Huyền Như cho thấy đã bị bỏ lơ hoàn toàn và trách nhiệm này phải thuộc về những người đứng đầu nhà băng chứ không phải mỗi cá nhân người phạm tội”, ông Hậu nhấn mạnh.

Vụ Huyền Như được xem là một trong những vụ lừa đảo lớn nhất từ trước đến nay trong lịch sử ngành ngân hàng Việt Nam. Trên thế giới, vụ lừa đảo của "ông trùm" Bernard Madoff nhằm chiếm đoạt 50 tỷ USD cũng được xếp vào top lớn nhất trong lịch sử tài chính thế giới. Thủ đoạn của Madoff và Huyền Như đều không mới, theo kiểu lấy tiền của người huy động mới trả lãi cho người cũ. Tuy nhiên, gần đây báo chí Mỹ cho biết, Ngân hàng lớn nhất nước Mỹ JPMorgan có thể chịu nộp phạt 2,6 tỷ USD vì đã "nhắm mắt cho qua" vụ lừa đảo này. Một phần số tiền này sẽ bồi thường cho các nạn nhân.

Trong khi đó, ở vụ Huyền Như, nhiều chuyên gia cho rằng ngân hàng với tư cách là một pháp nhân cũng nên có trách nhiệm với khách hàng khi nhân viên của mình làm sai. "Về nguyên tắc, cán bộ ngân hàng làm sai, trước hết ngân hàng phải chịu trách nhiệm. Điều này cũng giống như lái xe gây tai nạn, công ty có lái xe phải chịu trách nhiệm bồi thường cho nạn nhân, sau đó mới yêu cầu lái xe bồi thường cho công ty", ông Trương Thanh Đức phân tích.

Theo một chuyên gia kinh tế tại TP HCM, hiện nay một số ngân hàng có quy mô quá lớn, trong khi đó khâu quản trị, giám sát còn thiếu và yếu nếu không nói là gần như bỏ ngỏ. Chính điều này đã tạo cơ hội cho các cán bộ tha hoá về đạo đức lợi dụng và vi phạm pháp luật. "Đây là một lỗ hổng cực kỳ nghiêm trọng cần phải khắc phục ngay", ông nói. Ngoài thiệt hại về tài chính thì danh tiếng của ngân hàng sau những vụ cán bộ nhà băng lừa đảo chắc chắn cũng bị ảnh hưởng lớn trước mắt công chúng.

Luật sư Hậu nhìn nhận, 15 năm kể từ sau vụ Minh Phụng EPCO, hơn 77 người gồm nhiều cán bộ ngân hàng và đại gia có tiếng đã lần lượt bị tử hình và ngồi tù vì những sai phạm trong quản lý tài chính liên quan đến khoảng tiền hơn 5.000 tỷ đồng, thì nay lại tái diễn. Điểm khác là vụ Minh Phụng do nhiều người thực hiện còn lần này thì chỉ một cá nhân Huyền Như vẫn lừa đảo được gần 4.000 tỷ đồng. "Chứng tỏ các ngân hàng chưa rút ra một bài học đắt giá cho mình. Nếu không kiểm soát chặt cán bộ thì thời gian tới sẽ còn có nhiều vụ Huyền Như khác”, ông Hậu cảnh báo.

Theo VnExpress


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Vietinbank không bồi thường vụ Huyền Như

 

kndn1

bhql2024

hoa-moc-thien-2

tieng-hat-viet-toan-cau-2

hoa-moc-thien

dai-lam-moc