'Hãy cứ khát khao, hãy mãi dại khờ' |
Viết bởi An An |
Thứ hai, 12/10/2015, 17:43 GMT+7 |
“Hãy cứ khát khao, hãy mãi dại khờ” chính là phương châm sống của 20 doanh nhân trẻ và thành đạt được nhắc đến trong cuốn sách này. Cuốn sách Hãy cứ khát khao, hãy mãi dại khờ là tập hợp câu chuyện về 20 sinh viên tốt nghiệp Học viện Quản lý Ấn Độ, Phân viện Ahmedabad. Họ là doanh nhân sống vào những giai đoạn khác nhau, có quan điểm khác nhau, kinh doanh trong những ngành, lĩnh vực khác nhau… nhưng có điểm chung là niềm tin vào sức mạnh của những ước mơ. Họ là những người đã lựa chọn bước đi trên con đường của riêng mình. Bạn đọc sẽ bắt gặp nhiều tấm gương thành đạt, như Ruby Ashraf – Giám đốc điều hành của Precious Formals, một công ty có giá 10 triệu USD trong ngành kinh doanh thời trang; Sanjeev Bikhchandani – nhà kinh doanh trong lĩnh vực thương mại trực tuyến thành công nhất tại Ấn Độ; Vinayak Chatterjee – Giám đốc Công ty Feedback Ventures – công ty tư vấn cơ sở hạ tầng và kỹ thuật hàng đầu Ấn Độ; Madan Mohanka – Giám đốc Công ty Tega Industries là công ty lớn thứ ba thế giới về thiết kế giải pháp trong lĩnh vực thiết bị khai thác khoáng sản… Tác giả Rashmi Bansal chia sẻ: “Tôi viết cuốn sách này để dành tặng cho những ai đang trằn trọc về những “giá như…”, hay “một ngày nào đó…”. Tôi mong giúp họ nắm bắt được cơ hội, để họ không phải thức dậy mỗi ngày với những nuối tiếc. Đương nhiên, họ cần có khả năng nhìn thấy tiềm năng thị trường, cơ hội cũng như những nhu cầu chưa được đáp ứng. Nhưng quan trọng hơn hết, họ có thể đứng trước tấm gương và nhìn thấy giá trị đích thực của bản thân”. Với mong muốn đó, trong trang viết của mình, tác giả Rashmi Bansal đã khắc họa một cách tỉ mỉ, từ hoàn cảnh gia đình, sự cố gắng không ngừng cho đến nỗ lực vượt khó, thất bại mà 20 doanh nhân trẻ đã trải qua. Từ hai bàn tay trắng, với vốn kinh nghiệm, sự hiểu biết và niềm đam mê kinh doanh, họ đã xây dựng nên những công ty, thậm chí là những tập đoàn có tiếng tại Ấn Độ và trên thế giới. Các câu chuyện có thể rất khác nhau nhưng ở một khía cạnh nào đó chúng đều có nét tương đồng: Những doanh nhân này giành lấy cơ hội cho những điều họ tin tưởng; để rồi đấu tranh và nỗ lực trong nhiều năm sau đó, trước khi kết quả từ những cố gắng ấy đạt đến điều mà chúng ta gọi là thành công. Trong mỗi câu chuyện như thế, có những người đến giờ vẫn đang tiếp tục đấu tranh và nỗ lực. Cuốn sách này sẽ mang tới cho họ niềm hy vọng và sức sống mới. Từ câu chuyện về doanh nhân Subramanian (tốt nghiệp năm 1989) – chủ của chuỗi trung tâm thương mại Subhiksha lớn nhất tại Ấn Độ, một người “không chấp nhận con đường bằng phẳng của một viên chức, ngày làm việc từ 10 - 12 tiếng, tối đến thì giao thiệp qua loa với ít người quen để giữ quan hệ, sau đó thì tranh thủ ngủ càng sớm càng tốt để lấy sức ngày mai đi làm”, tác giả Rashmi Bansal nhắn nhủ: “Tôi nghĩ các bạn trẻ với khao khát kinh doanh nên khắc ghi bài học này: Để thành công trong kinh doanh, bạn cần phải có nguồn năng lượng rất dồi dào và sự cam kết đồng hành cùng công việc, cùng các cộng sự của bạn trong việc xây dựng cơ đồ. Nhưng đôi khi, cũng sẽ rất tuyệt nếu dừng chân lại để ngửi hương thơm của những bông hoa và hãy nhớ mua vài bông về làm quà cho mẹ, vợ, những người thân đã luôn chia sẻ, thông cảm và thấu hiểu cho bạn”. Đặc biệt, tác giả Rashmi Bansal đã rút ra những lời khuyên thiết thực và hữu ích dành cho các doanh nhân trẻ trên cơ sở những kinh nghiệm từ các doanh nhân mà mình đã tiếp xúc. Cuốn sách này giúp truyền cảm hứng cho những sinh viên trẻ mới ra trường, giúp họ có thể nhìn xa hơn cho tương lai, khiến bản thân thoát khỏi những rào cản về mong muốn khoản lương hay ước mơ công việc, để định vị giấc mơ của mình. Ông Samir K Barua – Giám đốc Học viện Quản lý Ấn Độ, Phân viện Ahmedabad cho rằng, đây là cuốn sách đáng đọc, không chỉ đối với những sinh viên ngành quản trị mà là đối với những người trẻ. Sách giúp tạo nguồn cảm hứng để họ dám ước mơ và đạt được những điều tưởng chừng như không thể. Theo DNSGCT
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|