Công ty bạn có thuộc top 100 nơi làm việc tốt nhất ? |
Viết bởi Kim Cúc |
Thứ sáu, 06/03/2015, 09:52 GMT+7 |
Mạng cộng đồng nghề nghiệp cấp quản lý Anphabe.com phối hợp với Công ty Nghiên cứu thị trường Nielsen tổ chức lễ vinh danh 100 Nơi làm việc tốt nhất Việt Nam 2014. Theo đó, về bảng xếp hạng, Unilever tiếp tục được người đi làm bình chọn là Nơi làm việc tốt nhất Việt Nam 2014. Unilever đồng thời cũng là thương hiệu nhà tuyển dụng (THNTD) hấp dẫn nhất 2 hạng mục Cơ hội phát Triển và Danh tiếng công ty. Vinamilk được bình chọn là THNTD hấp dẫn nhất 2 hạng mục Lương, Thưởng, Phúc lợi và Chất lượng công việc và Cuộc sống. THNTD hấp dẫn nhất hạng mục Văn hóa & Giá trị và Đội ngũ lãnh đạo lần lượt thuộc về hai doanh nghiệp ngành công nghệ là Intel và Microsoft. Văn phòng đầy màu sắc sáng tạo của Unilever VN Buổi lễ cũng vinh danh 24 Nơi làm việc tốt nhất 24 ngành nghề như Nike (ngành may mặc, giày dép); HSBC (ngành tài chính, ngân hàng); Prudential (ngành bảo hiểm); Holcim (ngành sản xuất); Cargill (ngành nông lâm nghiệp)… Năm nay có thêm nhiều doanh nghiệp Việt lọt vào danh sách 100 Nơi làm việc tốt nhất Việt Nam (20 doanh nghiệp năm 2014 so với 14 doanh nghiệp năm 2013). Trong mắt người đi làm, các doanh nghiệp Việt có quy mô lớn và năng động ngày càng có sức hấp dẫn, ví dụ VinGroup đứng đầu ngành Bất Động Sản và VietjetAir đứng đầu ngành Du lịch/ Khách sạn/ Nhà hàng. Nhiều doanh nghiệp Việt có thứ hạng tăng cao như Viettel (từ 25 lên 14), Techcombank (từ 74 lên 24), ICP (từ 93 lên 75). Đặc biệt, có những doanh nghiệp lần đầu được lọt vào top 100 nhưng nắm giữ vị trí cao như Mobifone (12), PNJ (41), Thế giới di động (57)… Văn phòng của Vinamilk - nơi có chế độ đãi ngộ tốt nhất Cùng với xu hướng người đi làm ngày càng quan tâm tới vấn đề sức khoẻ, các công ty Dược/Chăm sóc sức khoẻ và Sữa cũng có sự gia tăng sức hấp dẫn, ví dụ như Vinamilk (từ 3 lên 2); Abbott (từ 6 lên 4); Nutifood (lần đầu lọt vào top 100 và xếp hạng 32); Sanofi (từ 73 lên 59); Mead Johnson (từ 92 lên 73)… Về xu hướng động cơ nghề nghiệp của người đi làm, khảo sát cũng đưa ra những phân khúc nhân tài chính trong thị trường lao động Việt Nam, bao gồm 5 nhóm người với tính cách và đặc điểm khác nhau bao gồm: Nhóm Khám phá thử thách, nhóm Khát khao thành Công, nhóm Theo đuổi đam mê; nhóm Thích ổn định, và nhóm Thích đồng đội. Điều đặc biệt là bên cạnh những mục tiêu nghề nghiệp điển hình, cả 5 nhóm nhân tài này đều có mục tiêu chung về Cân bằng công việc và cuộc sống; Có đủ tiền để sống thoải mái và Có được công việc ổn định và đảm bảo. Vì vậy, đây cũng chính là 3 mục tiêu nghề nghiệp quan trọng nhất của người đi làm Việt Nam. Với mục tiêu Cân bằng công việc và cuộc sống ngành Dệt may/ Giày dép và ngành Dầu khí/ Năng lượng đáp ứng nhân viên tốt nhất. Cùng với Bảo hiểm, ngành Dầu khí/ Năng lượng cũng đáp ứng tốt nhất mục tiêu Có đủ tiền để sống thoải mái. Trong khi đó, người đi làm ngành Vận chuyển/ Hậu cần cảm thấy hài lòng nhất với mục tiêu Có được công việc ổn định và đảm bảo. 100 nơi làm việc tốt nhất VN Khảo sát cũng ghi nhận một số khác biệt trong mục tiêu nghề nghiệp giữa nam và nữ, giữa nhân viên và cấp quản lý. Ví dụ phụ nữ quan tâm nhiều hơn đến Có đủ tiền để sống thoải mái và Tận hưởng nhiều trải nghiệm đa dạng, thú vị trong khi nam giới đề cao hơn việc Thăng tiến trong nấc thang nghề nghiệp và Trở thành lãnh đạo/ chuyên gia được tôn trọng. Người đi làm cấp quản lý mong muốn Được cống hiến cho mục tiêu có ý nghĩa và Trở thành lãnh đạo hoặc chuyên gia được tôn trọng nhiều hơn trong khi nhân viên lại quan tâm hơn về Có đủ tiền để sống thoải mái và Được đào tạo và tạo nền tảng để phát triển. Vẫn còn khoảng cách rõ rệt giữa những mục tiêu của người đi làm và mức độ hài lòng với khả năng đáp ứng của doanh nghiệp. Đáng chú ý, hai mục tiêu quan trọng nhưng ít được hài lòng nhất là Có đủ tiền để sống thoải mái và Thăng tiến trong nấc thang sự nghiệp trong khi phần lớn doanh nghiệp đáp ứng tốt nhất mục tiêu Được cống hiến cho mục tiêu có ý nghĩa nhưng lại là mục tiêu ít người quan tâm. Nói về khảo sát năm nay, bà Thanh Nguyễn, GĐĐH Anphabe chia sẻ: “Mục tiêu của chúng tôi không chỉ dừng lại ở việc vinh danh 100 Nơi làm việc tốt nhất Việt Nam mà quan trọng hơn, các phương pháp đo lường sức khỏe THNTD ngày càng được cập nhật chuyên sâu và bài bản của khảo sát sẽ giúp doanh nghiệp xác định rõ điểm mạnh và điểm yếu cụ thể của mình. Từ đó, doanh nghiệp có thể có những điều chỉnh phù hợp nhằm nâng cao sức hấp dẫn trong mắt cả nhân viên và ứng viên hiệu quả.” Anh Trần Minh Tuấn – Giám đốc bộ phận nghiên cứu thị trường – Công ty Nielsen nhận định: “Đồng hành cùng Anphabe trong hai năm nay, tôi đánh giá cao chất lượng cũng như giá trị mà kết quả khảo sát 100 Nơi Làm Việc Tốt Nhất Việt Nam mang lại. Về mặt phương pháp, khảo sát trực tuyến được thực hiện trên 1.000 đáp viên đã có thể mang đến kết quả đáng tin cậy, trong khi khảo sát năm nay có đến hơn 15.000 đáp viên tham gia. Điều này cho thấy khảo sát đã nhận được sự quan tâm và phản hồi tích cực từ phía doanh nghiệp lẫn người đi làm”. Theo Zing Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|