top-banner-2

Thứ ba, 25/03/2014, 10:13 GMT+7

Không gian giải trí ổn định để linh hoạt

Viết bởi Kim Cúc   
Thứ ba, 25/03/2014, 10:13 GMT+7

Những ngôi nhà xây sẵn, căn hộ chung cư, biệt thự liên kế… đang ngày càng đơn giản, thậm chí giống nhau hoàn toàn về cấu trúc và phong cách thiết kế, do vậy sự khác biệt về tiện nghi nội thất là yếu tố để đánh giá chất lượng các không gian sống ở đó. Các thiết bị giải trí, đặc biệt là từ khi có sự ra đời của các thiết bị điện tử, đã từng bước góp phần thay đổi cách thức giải trí của con người hiện đại. Những quan niệm về phong thủy đối với không gian giải trí cũng thay đổi theo.

alt

Góc thư giãn theo nếp nhà xưa: yếu tố thiên nhiên, thoáng mở, tĩnh lặng luôn được xem trọng

Ngôi nhà Việt truyền thống gắn với nhiều tính âm, cần thiết cho sự lắng lọc, sống chậm lại, thư giãn nhẹ nhàng, nếu có sinh hoạt giải trí thì nếp nhà xưa chủ yếu mang tính gia đình, bạn bè quây quần ấm áp.

Tích hợp Đông – Tây

Những góc trà đạo, chòi ngắm cảnh, hiên bình thơ, gác xướng họa… đều thuộc dạng giải trí tao nhã, phong lưu thuở trước. Tính giải trí trong nếp nhà xưa thường theo kiểu cầm kỳ thi họa và không phải gia đình nào cũng có điều kiện làm được.

Bố trí phong thủy cho góc giải trí, thư giãn tại nhà ở phương Đông theo kiểu truyền thống là gắn với cảnh quan thiên nhiên, nơi yên tĩnh, có những mảng trang trí sơn thủy hữu tình…

Còn thời nay, không gian giải trí gia đình thường đi kèm với thiết bị hiện đại kiểu phương Tây nên ít nhiều mang tính chất của phòng nghe nhìn hoặc rạp hát tại nhà hay phòng karaoke… Do vậy yếu tố Kim (thiết bị, công nghiệp) nổi bật hơn, thậm chí lấn át yếu tố Mộc (tự nhiên, thủ công). Do vậy, cần lưu ý một vài đặc điểm sau để bài trí đúng hơn:

- Không gian ngôi nhà là để ở chứ không phải là rạp chiếu bóng hay vũ trường, dù nhiều gia đình dùng hẳn hệ thống “home-theatre” với âm thanh, ánh sáng rất hiện đại thì điều đó chỉ mang ý nghĩa ở mặt kỹ thuật.

Còn về tính kết nối gia đình và phong cách nội thất thì phòng giải trí tại nhà vẫn cần giữ sự độc lập cơ bản, không thể lấn át các phòng khách, bếp ăn, phòng ngủ… xét vềưu tiên vị trí tọa hướng và mức độ tiếp cận trong phong thủy.

alt

Vật dụng có thể nhiều nhưng nếu khéo xếp đặt đồng bộ và hài hòa vẫn luôn đem lại hiệu quả thẩm mỹ tốt

- Cần phân biệt giải trí với thư giãn, tức là có thể gắn tivi nơi bồn tắm, gắn màn hình trong bếp ăn để theo dõi bóng đá hay nghe nhạc nơi phòng ngủ… nhằm bổ sung tính tiện nghi và tạo thư giãn.

Nhưng một phòng giải trí chuyên biệt đòi hỏi sự liên kết hệ thống và kiểm soát chủ động hơn là các không gian thư giãn riêng tư. Vì thế, nếu điều kiện diện tích cho phép thì nên làm phòng giải trí độc lập để không ảnh hưởng đến các sinh hoạt khác trong gia đình.

- Trường hợp sử dụng phòng khách hay phòng sinh hoạt làm nơi giải trí thì cần xác định nơi đó sẽ dùng tiếp khách là chính hay giải trí là chính, trên cơ sở đó các đồ nội thất, bàn ghế, tủ kệ, tranh ảnh… sẽ được tính toán để bố trí liên hoàn và đồng bộ với nhau.

Điều này phong thủy gọi là quan hệ hình thế, tạo hình phụ thuộc và gây tác động đến tạo thế. Ví dụ nếu có khách đến nhà mà cả gia đình đang nằm ngồi ngả nghiêng xem tivi tại phòng khách thì sẽ khá bất tiện.

Kim cần Mộc, Hỏa cần Thủy, Thổ trung hòa

Phòng giải trí tại nhà mang tính Kim và Thổ nhiều. Kim là do hệ thống máy móc kỹ thuật tạo nên, Thổ là bởi yếu tố trung hòa, quây quần nhiều thế hệ, bạn bè trong không gian ấy.

Cách bố trí vật dụng cần lưu tâm chọn lựa vật liệu để tránh tương thừa (dùng nhiều một hành sẽ dẫn đến giảm tương sinh, đình trệ nội khí), đồng thời tận dụng yếu tố tương khắc để giảm bớt hành quá vượng. Cụ thể:

1. Hành Kim vốn khắc Mộc nhưng lại cũng cần dùng Mộc để giảm tính vượng của Kim. Do đó gỗ là chất liệu cần thiết trong phòng giải trí để nội thất bớt đi tính máy móc cơ khí, đồng thời hình dáng và bề mặt sẽ dịu hơn.

Mặt khác, về mặt trang âm thì các chất liệu xốp, mềm, hút âm tốt sẽ giúp cân chỉnh thiết bị chuẩn xác và giảm các rung chấn, cộng hưởng bất lợi về trang âm.

alt

Phòng giải trí hiện đại mang tính động (dương), lấy sự vui tươi làm chủ đạo

2. Yếu tố hành Hỏa trong phòng giải trí cũng hay phát sinh khá cao do tập trung nhiều người, thiết bị tỏa nhiệt, có khi kèm ăn uống, do sự hưng phấn của bộ phim, trận đấu bóng đem lại. Vì thế tại đây nên sử dụng các gam màu “chống hỏa” thuộc hành Thủy, như các gam màu đậm (dù gia chủ thích màu đỏ hay cam thì cũng nên chuyển sang tông đỏ đậm, nâu đậm, xanh đậm).

Các đường nét mềm mại (Thủy, khắc Hỏa) cũng đem lại cảm giác thư giãn dễ chịu hơn là mảng miếng khô cứng hay sắc nhọn.

Hành Thủy, hành đặc trưng cho thính giác và các loại sóng lan truyền (như sóng âm, sóng ánh sáng…) và hành Thổ đặc trưng bởi sự phẳng lặng, ổn định luôn là hai hành tương khắc nhau nhưng lại được khuyên dùng để tạo sự cân bằng khí.

Những yếu tố khác liên quan đến Thủy và Thổ như hồ khô, tường đá, rải sỏi, hồ nước, thác, suối nhân tạo… nếu khéo đưa vào được thì sẽ là bổ sung chất liệu hợp lý cho không gian giải trí tại nhà.

Vật liệu, vật dụng làm nên nội khí

Khi bố trí đồ đạc cho phòng giải trí cần chú ý nguyên tắc: đồng bộ, tương sinh và có điểm nhấn. Một phòng giải trí đồng bộ luôn dựa trên một chất liệu chủ đạo để thống nhất nội khí, ví dụ đồ gỗ, sàn gỗ, trần có ốp gỗ… tức là thuần Mộc, hoặc lát gạch, ốp tường và đóng trần thạch cao sơn gai là thuần Thổ.

Đồng bộ còn là tính nhất quán theo chủ đề gia chủưa thích đưa vào nội thất, ví dụ chủ đề là thế giới tự nhiên thì từ tranh ảnh, cây cối, đến chi tiết vật dụng nên lấy theo các họa tiết thiên nhiên.

alt

Chất liệu gỗ đem lại sự ấm áp, gắn kết nội khí và phân tán bớt tính Kim cho nơi giải trí – ở đây cũng là phòng khách

Nguyên tắc tương sinh tức là chọn đồ vật kết hợp với trang trí tuân theo vòng ngũ hành. Ví dụ phòng mang tính Mộc thì đồ vật nên có dạng hành Thủy sinh Mộc (mềm mại uốn lượn, màu xanh biển, đen) hoặc hành Mộc (đồ bằng gỗ, dáng cây hay ống tròn), tránh dùng nhiều đồ sắt thép hoặc phản quang (Kim khắc Mộc).

Phòng giải trí kết hợp phòng khách thuộc Thổ thì nên dùng đồ vật dạng vuông vức hoặc chữ nhật, dáng vẻ bề thế và bình ổn, màu nâu hay vàng (thuộc Thổ) là tương sinh.

Sau khi đạt tính hài hòa và thống nhất thì cần thêm các mảng miếng trang trí làm điểm nhấn để giúp nổi bật khí cho phòng giải trí. Ví dụ tại khu vực salon phòng khách nơi cả nhà ngồi quây quần xem tivi thì tấm thảm giữa phòng sẽ đóng vai trò điểm nhấn, hay bức tranh treo trên mảng tường làm chỗ dựa của bộ salon sẽ là điểm nhấn.

                                                     altalt

Những điểm xuyết ngẫu hứng, mềm mại theo tự nhiên luôn cần thiết để tạo nên nét riêng biệt. Họa tiết hoa lá trên giấy dán tường, thảm mềm, gối tựa… là những chất liệu thuộc Mộc luôn đem lại hiệu quả mềm mại, gần gũi thiên nhiên hơn cho góc giải trí

Cần lưu ý nhà ở không phải là quán xá hay gallery triển lãm để trưng bày đồ vật, treo tranh ảnh quá nhiều dù là đồ vật đẹp, tranh quý hiếm. Nhấn ở đâu và nhấn thế nào là điều nên cân nhắc, tiết chế và đảm bảo tuân thủ quy luật đồng bộ và tương sinh đã nêu.

Tóm lại, bài trí phong thủy cho không gian giải trí tại nhà có thể đúc kết qua chuỗi tác động: định vị – chọn phong cách – chọn thiết bị – chọn vật liệu – phối hợp vật dụng với không gian – tìm điểm nhấn.

Chuỗi tác động này sẽ giúp nơi giải trí tại nhà có được tính linh hoạt trong ổn định, một điều rất cần để không ảnh hưởng đến cấu trúc toàn nhà và tạo nên cá tính riêng cho một góc sinh hoạt thoải mái của mỗi gia đình.

Theo: Doanh nhân Sài Gòn

 

 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Không gian giải trí ổn định để linh hoạt

 

kndn1

bhql2024

hoa-moc-thien-2

tieng-hat-viet-toan-cau-2

hoa-moc-thien

dai-lam-moc