Nhiều tàu du lịch Tiền Giang, Bến Tre nằm bờ vì chưa có 'hộp đen' |
Viết bởi ducanh |
Thứ ba, 04/04/2023, 15:11 GMT+7 |
Để đảm bảo an toàn giao thông và quản lý phương tiện, từ ngày 31/12/2022, Bộ GTVT có Thông tư 39 buộc tất cả các tàu du lịch từ 20 ghế ngồi trở lên phải lắp đặt thiết bị nhận dạng tự động (AIS) mới được đăng kiểm. Quy định triển khai đúng thời điểm "hậu Covid-19" làm nhiều tàu du lịch có nguy cơ dừng hoạt động vì chưa có điều kiện gắn thiết bị AIS.
Ông Châu Hồng Luật - chủ đội tàu phục vụ đưa đón khách cho công ty du lịch Miền Quê (tại Phường 1, TP. Mỹ Tho) cho biết đơn vị có 10 tàu du lịch; trong đó có 2 phương tiện trên 30 chỗ ngồi phải lắp đặt thiết bị AIS theo thông tư 39 của Bộ GTVT. Đến nay, ông Luật có 2 phương tiện dù đã đến ngày đăng kiểm lại nhưng chưa có kinh phí lắp đặt thiết bị AIS nên chưa được kiểm định phải ngưng hoạt động. "Sau đợt dịch các doanh nghiệp đang cố gắng đưa hoạt động du lịch phát triển mạnh lên nhưng vẫn còn khó khăn. Về việc gắn thiết bị giám sát hành trình, thì ở đây hoạt động chưa được 10 km vuông mà phải đầu tư như tôi từ 8-10 chiếc đến mấy trăm triệu đồng thì khó khăn. Hy vọng các ngành chức năng xem xét để miễn giảm cho người dân tạm thời để giảm bớt khó khăn”, ông Châu Hồng Luật nói. Thông tư 39 quy định tàu du lịch trên 20 chỗ ngồi đều phải gắn thiết bị AIS mới được đăng kiểm. AIS là một hệ thống thông tin liên lạc trợ giúp hàng hải, cho phép các tàu trao đổi những thông tin về nhận dạng vị trí, hướng, tốc độ với nhau hoặc trao đổi với các trạm trên bờ. Những thông tin này giúp các phương tiện khi hoạt động tránh bị va chạm với nhau, ngoài ra có thể trao đổi các thông tin như trợ giúp khi có sự cố, thông tin thời tiết... Được biết, mỗi thiết bị giám sát hành trình mà các phương tiện đưa đón khách du lịch hiện nay giá trên 25 triệu đồng (tùy loại) và hàng năm phải đóng thêm một khoản phí khác. Trong thời điểm hiện nay, khi du khách còn thưa vắng thì đối với các hộ kinh doanh có nhiều phương tiện vận chuyển khách gặp khó khăn khi đầu tư lắp thiết bị này. Tàu chở khách du lịch tại Tiền Giang, Bến Tre chấp hành quy định về an toàn giao thông. Ông Phan Trường Thọ - Giám đốc công ty TNHH du lịch Rồng Vàng (tại thành phố Mỹ Tho) có 2 tàu du lịch 45 chỗ chia sẻ: “Theo tôi quãng đường đi ngắn quá mà bây giờ gắn thiết bị đó ở dưới ghe gỗ không có điện rất bất lợi. Ngày hoạt động có 3-4 giờ về đậu nghỉ, rồi mưa gió không biết để đâu nó hư hỏng rất khó. Đứng về góc độ chủ phương tiện, tôi đề xuất nên xem xét lại cho các tàu du lịch hoạt động nội địa ở đây được giãn ra, chứ mới vừa dịch bệnh xong mà phải gắn, tốn hai mươi mấy triệu đồng rồi phí này nọ… thì người ta tạm ngưng tàu du lịch, như vậy cũng ảnh hưởng ngành du lịch của tỉnh nhà”. Tàu du lịch khi chưa lắp đặt hộp đen thì không được hoạt động, gây khó khăn cho ngành du lịch. Tại tỉnh Bến Tre, các chủ phương tiện đưa đón khách du lịch cũng bức xúc khi cơ quan đăng kiểm từ chối vì tàu chưa lắp đặt thiết bị AIS. Không ít phương tiện nằm bờ chờ có kinh phí lắp đặt thiết bị này để đi đăng kiểm. Ông Võ Văn Phong, Giám đốc công ty TNHH truyền thông du lịch C2T (tại Thành phố Bến Tre) có 12 tàu du lịch trên sông đề xuất: "Theo tôi Bến Tre là tỉnh có nhiều sông nước cần có cơ chế đặc thù riêng, chứ không thể giống các tỉnh như Nha Trang, Khánh Hòa… là nơi giáp biển. Phải có cơ chế đặc thù riêng để ngành du lịch thuận lợi phát triển. Sau dịch Covid-19, ngành du lịch mới chuẩn bị phục hồi và đang rất cần nguồn vốn đầu tư những việc khác tốt hơn”. Ông Võ Phạm Tân - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tiền Giang cho biết đã nghe phản ánh của các chủ đò du lịch về vấn đề trên. Ngay sau khi dịch bệnh Covid-19 lắng dịu, việc gắn thiết bị giám sát hành trình đúng là gây khó cho chủ phương tiện. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tiền Giang sẽ kiến nghị Sở Giao thông vận tải xem xét, giải quyết khó khăn này: "Việc này thực hiện theo Nghị định 04 của Chính phủ, giao cho Sở Giao thông vận tải trực tiếp quản lý. Chúng tôi đã có phản ánh rồi và sẽ làm việc với Sở GTVT. Sở sẽ có văn bản kiến nghị bây giờ đang lúc khó khăn mà thực hiện cái này còn khó lắm". Chủ ghe tàu du lịch mong ngàng chức năng gia hạn thêm thời gian để có điều kiện lắp đặt thiết bị AIS. Bến Tre, Tiền Giang cũng như nhiều địa phương vùng ĐBSCL đang phát triển mô hình du lịch sinh thái sông nước miệt vườn. Các phương tiện phục vụ du khách lưu thông trên các sông, rạch nội địa và cự ly hoạt động ngắn. Thời gian qua, các phương tiện hoạt động ổn định, có trang bị dụng cụ bảo hộ đảm bảo an toàn giao thông, người đi trên phương tiện được mang mặc áo phao cứu sinh. Do đó, việc quy định các ghe tàu du lịch có trên 20 ghế ngồi phải lắp đặt thiết bị nhận dạng tự động trong lúc này là điều cần xem xét. Trong Thông tư 39 của Bộ GTVT cũng nêu rõ: “Tùy theo điều kiện, hoàn cảnh và trường hợp cụ thể, Bộ GTVT có thể miễn giảm hoặc gia hạn việc trang bị thiết bị AIS trên cơ sở đề xuất của Cục Đăng kiểm Việt Nam”. Theo ông Nguyễn Văn Huyền - Giám đốc Chi cục Đăng kiểm số 18 (phụ trách Tiền Giang- Bến Tre), từ khi xảy ra dịch Covid-19 số ghe tàu đưa đón khách du lịch ở tỉnh Tiền Giang và Bến Tre giảm nhiều. Hiện nay, cả 2 tỉnh này chưa đến 200 phương tiện trên 20 chỗ ngồi. Thông tư 39 đang được thực hiện, các tàu du lịch theo diện bắt buộc gắn thiết bị AIS mà chưa thực hiện thì sẽ bị từ chối đăng kiểm. Trước đây, Chi cục Đăng Kiểm số 18 đã có kiến nghị các ngành chức năng xem xét vấn đề này nhưng chưa có ý kiến phản hồi. Đến nay, số lượng tàu du lịch tại Tiền Giang và Bến Tre lắp đặt thiết bị AIS chỉ vài phần trăm và đang mong chờ sự quan tâm, xem xét của các ngành chức năng để giảm bớt khó khăn trong hoạt động phục vụ khách tham quan du lịch. theo Nhật Trường/VOV.VN - 04/04/2023 link nguồn: https://vov.vn/du-lich/nhieu-tau-du-lich-tien-giang-ben-tre-nam-bo-vi-chua-co-hop-den-post1011731.vov Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|