Ông lớn Nhật, Thái, Hàn mở tiệc 'tỉ' đô trên đất Việt |
Viết bởi Xuân An |
Chủ nhật, 24/08/2014, 10:35 GMT+7 |
Chỉ còn chưa đầy 1 năm nữa, các doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài sẽ được phép thành lập doanh nghiệp 100% vốn tại Việt Nam. Các thương hiệu nước ngoài đang mong chờ cơ hội này. Cạnh tranh không cân sức Ngay sau khi đại gia Thái Lan - Tập đoàn Berli Jucker (BJC) đã mua lại toàn bộ hệ thống bán sỉ Cash & Carry ở Việt Nam của Metro Group (Đức), các chuyên gia trong nước bày tỏ sự lo lắng khi tới đây sẽ bùng nổ cuộc cạnh tranh giữa các đơn vị bán lẻ. Việt Nam sẽ hoàn toàn mở cửa thị trường bán lẻ vào tháng 1/2015 theo quy định của WTO. Bên cạnh đó, theo Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN, Việt Nam đã giảm mức thuế nhập khẩu từ các quốc gia ASEAN xuống còn 0% cho 10.000 hàng hóa chịu thuế. Đây sẽ là điều kiện thuận lợi cho các "đại gia" bán lẻ quốc tế và hàng hóa gia nhập thị trường Việt Nam, nhưng đồng thời cũng gia tăng áp lực cạnh tranh lên các nhà bán lẻ trong nước. Trên thực tế, hàng loạt doanh nghiệp nước ngoài đã và đang ồ ạt vào Việt Nam. Mới đây nhất, tập đoàn bán lẻ số 1 Hàn Quốc - Lotte - đặt mục tiêu mở 60 siêu thị tại Việt Nam vào năm 2020 và Aeon - một "ông lớn" khác trong ngành bán lẻ Nhật Bản - thông báo sẽ mở trung tâm thương mại (TTTM) thứ 2 vào tháng 10/2014, tới 2020 nâng lên 20 TTTM. Cả hai đều không giấu giếm ý định thống lĩnh thị trường bán lẻ Việt. Họ dự kiến tới 2020 sẽ mở 20 TTTM tại Việt Nam. Tận dụng tâm lý tin cậy và thích dùng hàng Nhật của người tiêu dùng Việt, Aeon sử dụng phương án dùng 1/3 hàng Nhật, 1/3 hàng Việt Nam và 1/3 hàng nhập từ các nước. Bán lẻ trong nước còn nhiều tiềm năng Mặc dù hiện nay, doanh nghiệp ngoại chỉ chiếm 3,5% trong tổng mức bán lẻ tại Việt Nam, nhưng lại có nhiều lợi thế và không ngừng lớn mạnh. Một điểm giật mình là doanh số của siêu thị nước ngoài thường lớn hơn từ 20-30 lần so với doanh nghiệp nội. Do vậy, các chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp bán lẻ trong nước cần có sự liên kết, có chiến lược, bước đi phù hợp trước các đối thủ vốn có tiềm lực mạnh về tài chính, nhân lực, nguồn cung cấp... Mặc dù 4 doanh nghiệp lớn trong hệ thống bán lẻ Việt Nam gồm: Hapro, Satra, Phú Thái và Sài Gòn Co-op từng bắt tay cũng nhau xây dựng một thương hiệu lớn, nhằm tạo thế cân bằng với các tên tuổi bán lẻ nước ngoài. Tuy nhiên, cái bắt tay này vẫn còn lỏng và kết quả không như kỳ vọng. Cơ hội nào cho DN nội Theo báo cáo mới công bố của CBRE, Việt Nam xếp hạng thứ hai trong 10 nước hấp dẫn nhất với các nhà bán lẻ châu Á trong năm 2014. Một khảo sát khác cũng cho thấy, Hà Nội và TP.HCM nằm trong danh sách 10 thành phố được lựa chọn để mở cửa hàng mới trong năm 2014. Các hãng bán lẻ ngoại ngày càng nhiều tại Việt Nam sẽ tạo áp lực cạnh tranh, buộc các DN trong nước phải tự đổi mới để phát triển. Cơ hội cho DN biết tận dụng lợi thế Ở góc độ một doanh nghiệp bán lẻ, bà Vũ Thị Hậu, Phó Tổng giám đốc Công ty Nhất Nam, nhận định, đây là cuộc cạnh tranh không cân sức. Các DN Việt Nam phải lo cạnh tranh với hệ thống bán lẻ ngoại tài chính dồi dào và giàu kinh nghiệm. Mặc dù có mặt trên thị trường đã lâu nhưng hệ thống siêu thị của doanh nghiệp này vẫn tập trung ở Hà Nội và phải tạm đóng cửa các siêu thị tại TP.HCM cách đây mấy năm. Mục tiêu của Nhất Nam sẽ có 30 siêu thị trên cả nước vào năm 2020, nhưng việc mở rộng hệ thống không hề đơn giản. Tuy nhiên, theo bà Hậu, tiềm lực thị trường bán lẻ của Hà Nội còn rất lớn, tạo nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp nội. Ông Nguyễn Trọng Tuấn, Phó Tổng giám đốc Công ty Bán lẻ và Quản lý Bất động sản Đại Dương, lại cho rằng, việc các nhà bán lẻ nước ngoài mở rộng chuỗi cửa hàng đã các doanh nghiệp trong nước đã mạnh dạn đầu tư, thậm chí đã “vùng dậy” và đây là cơ hội để nắm bắt và mở rộng thị trường. Giải pháp mà ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội đưa ra là: các nhà sản xuất và các nhà phân phối bán lẻ phải "ngồi lại với nhau" để xây dựng chuỗi sản xuất phân phối hiệu quả, chủ yếu là đi thẳng từ sản xuất đến bán lẻ, cắt bớt ngay các khâu trung gian bất hợp lý đẩy giá lên. Vấn đề quy hoạch ở nhiều địa phương cũng chưa được thực hiện nghiêm túc, vẫn còn dấu hiệu lợi ích cục bộ từ các địa phương do đó cần nâng cao tính minh bạch, bình đẳng trong kinh doanh. “Thực tế, doanh nghiệp bán lẻ trong nước vẫn còn đủ thời gian để tự cải tổ chất lượng hàng hoá, sản phẩm nên họ phải tận dụng. Nếu qua thời gian nhà nước bảo hộ thì doanh nghiệp không đáp ứng nhu cầu và cạnh tranh được sẽ bị loại bỏ”, chuyên gia kinh tế này nhận định. Theo Vietnamnet Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|