top-banner-2

Thứ hai, 14/03/2022, 11:04 GMT+7

Nỗi đau của nhà khởi nghiệp sau khi bán công ty cho Microsoft

Viết bởi ducanh   
Thứ hai, 14/03/2022, 11:04 GMT+7

Nhà sáng lập Wunderlist mất vài năm để vượt qua cú sốc tinh thần khi bán ứng dụng cho Microsoft và bị gã khổng lồ công nghệ này khai tử sau 4 năm.

Năm 2015, Microsoft đã mua Wunderlist - ứng dụng quản lý danh sách việc cần làm - do Christian Reber sáng lập với mức giá từ 100 đến 200 triệu USD. Đó là một số tiền lớn và là một khoảnh khắc quan trọng trong cuộc đời Reber nhưng nó không mang lại cho anh cảm giác hạnh phúc như nhiều người nhầm tưởng.

"Với tôi, việc bán Wunderlist là một trải nghiệm kỳ lạ", doanh nhân Đức nói. "Tôi cảm thấy mình như một người cha mất một đứa con. Tôi cảm thấy mình rơi vào trầm cảm và không hề vui vẻ chút nào".

Wunderlist là một ứng dụng tạo danh sách việc cần làm, thu hút được khoảng 16 triệu người dùng. Một trong những điểm hấp dẫn nhất của ứng dụng này là người dùng có thể truy cập nó trên điện thoại cũng như trên máy tính.

 noi-dau-cua-nha-khoi-nghiep-sau-khi-ban-cong-ty-cho-microsoft

Doanh nhân công nghệ Christian Reber - Nhà sáng lập ứng dụng Wunderlist bị khai tử. Ảnh: Berlin valley

Wunderlist trở thành một phần quan trọng trong cuộc đời của nhà sáng lập Reber và việc bán nó không hề dễ chịu gì với doanh nhân trẻ. "Tôi cảm thấy hoàn toàn bị ngắt kết nối với các cộng sự và đứa con tinh thần của mình". Thậm chí, thời điểm đó Reber còn tìm đến nhà trị liệu tâm trí để điều trị cú sốc mất đi đứa con tinh thần.

Lúc đó, Reber chưa chuẩn bị sẵn sàng để bán Wunderlist, sản phẩm tâm huyết suốt 5 năm ròng của anh. "Tôi thấy mình như mất trí khi đột nhiên bán đi Wunderlist", Reber nói. Lúc Microsoft đưa ra đề nghị mua lại Wunderlist, Charlette Prevot, bạn gái của anh, đang mang thai. Prevot cũng là đồng sáng lập Wunderlist cùng với Reber và bốn người khác.

"Là nhà sáng lập, tôi phải lựa chọn giữa việc huy động vốn để tiếp tục cố tăng trưởng, hoặc bán công ty của mình lấy số tiền lớn, giúp gia đình độc lập tài chính", Reber nói.

Reber và Prevot cuối cùng quyết định rời bỏ đứa con tinh thần, nơi khiến họ nhiều lần kiệt quệ trong giai đoạn khởi nghiệp khó khăn. "Tôi đã hoàn toàn kiệt sức, mệt mỏi và cảm thấy bán công ty là quyết định tốt nhất cho tất cả những người có liên quan", Reber nói.

"Khi bán Wunderlist xong tôi thậm chí chẳng buồn nghĩ tới tiệc ăn mừng. Không tiệc tùng, không bữa tối sang trọng này được tổ chức. Tôi tắt thông báo email và trở nên u sầu. Tôi thậm chí còn không mở miệng nói đùa. Có những lúc tôi ôm con nhưng lại chuyển sang cho vợ vì sợ đứa trẻ sẽ thấy bố nó đang buồn rầu", Reber nói.

Reber cho biết đã mất một hoặc hai năm để bắt đầu chấp nhận việc đã bán Wunderlist. "Nhưng điều tuyệt vời là tôi đã độc lập về mặt tài chính. Tôi đã xây dựng một thứ có tác động thực sự tích cực. Mọi người sẽ nhớ về Wunderlist như một ứng dụng bổ ích và nhiều người ở Microsoft sẽ có thêm việc làm. Thế nên chẳng việc gì tôi phải tiếp tục thất vọng về quyết định của mình", Reber nói.

Nhưng những gì xảy ra với Wunderlist vài năm sau khiến Reber khó chấp nhận. Năm 2019 Microsoft thông báo ngừng hoạt động Wunderlist và thay thế bằng ứng dụng Microsoft To Do. Tháng 9 cùng năm, Reber ra giá với Microsoft để mua lại đứa con tinh thần của mình.

"Thật buồn khi Microsoft quyết định ngừng hoạt động Wunderlist, dù người dùng vẫn yêu thích và sử dụng nó thường xuyên", Reber viết trên tài khoản Twitter vào tháng 9/2019.

"Xin hãy để tôi mua lại nó", Reber gửi lời khẩn cầu tới CEO Microsoft Satya Nadella và Marcus Ash, Phó chủ tịch mảng sản phẩm và sản xuất của Microsoft. Tuy nhiên, đề nghị của Reber bị Microsoft từ chối và hãng chính thức dừng hoạt động Wunderlist vào năm 2020.

Tuy nhiên, Reber quyết không từ bỏ. Năm 2021, Reber sáng lập một ứng dụng mới tên Superlist. Đây là "người kế nhiệm không chính thức của Wunderlist".

Một trong những lý do chính khiến Reber thất vọng khi Microsoft đóng cửa Wunderlist là vì ứng dụng này không bao giờ trở thành sản phẩm mà anh muốn xây dựng. "Những gì chúng tôi muốn làm là xây dựng ứng dụng tiêu chuẩn trên thực tế phù hợp với cả các dự án cá nhân và doanh nghiệp", anh nói.

Trên thị trường có rất nhiều sản phẩm dành cho các doanh nghiệp như Trello, Asana hay ứng dụng thuần danh sách công việc như Things và Todo. "Tôi cảm thấy không chẳng có ứng dụng nào có thể làm tốt cả hai nhiệm vụ. Người dùng hoặc sẽ nhận được một phần mềm có thiết kế lộn xộn, dành riêng cho các nhà quản lý, hoặc sẽ phải sử dụng những ứng dụng lập kế hoạch đậm tính cá nhân, không thể chia sẻ với người khác", Reber nói.

Superlist được thiết kế để trở thành "cầu nối hoàn hảo" giữa các ứng dụng danh sách công việc cho cá nhân và dành cho cả các doanh nghiệp. Sản phẩm được thiết kế để mở rộng dự án từ một người lên 100 hoặc 200 người. Hiện Superlist có 20 nhân viên và đã huy động được 3 triệu USD.

"Tôi tham vọng mình sẽ xây dựng được một đế chế như Microsoft", Reber nói. "Đó thực sự là điều đang thúc đẩy tôi".

Tuy nhiên, Reber không đặt cược tất cả vào Superlist. Anh đã đồng sáng lập một công ty khác có tên Pitch, công ty cạnh tranh với PowerPoint của Microsoft. "Lý do chúng tôi thành lập công ty này là vì chúng tôi cảm thấy như các bài thuyết trình như một phương tiện thúc đẩy thế giới, ảnh hưởng đến các quyết định lớn nhất trong kinh doanh và chính trị", Reber nói.

Pitch đã hoạt động được bốn năm với khoảng 160 nhân viên, huy động được hơn 130 USD. Trong vòng gọi vốn mới nhất, công ty này được định giá tới 600 triệu USD.

theo Sơn Nam / ngoisao.net - 14/03/2022

link nguồn: https://ngoisao.net/noi-dau-cua-nha-khoi-nghiep-sau-khi-ban-cong-ty-cho-microsoft-4438026.html


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Nỗi đau của nhà khởi nghiệp sau khi bán công ty cho Microsoft

 

kndn1

bhql2024

hoa-moc-thien

dai-lam-moc