top-banner-2

Thứ sáu, 29/03/2019, 11:21 GMT+7

Gian lận xuất xứ hàng hóa: Doanh nghiệp thua thiệt

Viết bởi Mai Ngọc   
Thứ sáu, 29/03/2019, 11:21 GMT+7

Trong quá trình hội nhập mạnh mẽ với nền kinh tế thế giới, Việt Nam đã và đang phải đối mặt tình trạng gian lận xuất xứ hàng hóa có nguy cơ tăng cao.

Thời gian qua, tình trạng gian lận xuất xứ hàng hóa cụ thể là hàng hóa Trung Quốc cũng như một số quốc gia khác mượn xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu đi các thị trường mà Việt Nam ký kết Hiệp định thương mại (FTA). Điều này dẫn tới nguy cơ hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam bị điều tra chống lẩn tránh thuế, chống bán phá giá nổi lên khá nhiều.

Hồi đầu tháng 2/2019, Ủy ban châu Âu (EC) đã ban hành quyết định về việc áp dụng thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp chính thức đối với xe đạp điện nhập khẩu từ Trung Quốc vào Liên minh châu Âu (EU), áp dụng trong 5 năm kể từ ngày 18/1/2019. Sau quyết định này, theo số liệu thống kê của EU, xe đạp điện xuất khẩu từ Việt Nam sang EU đã tăng mạnh.

Trước đó, tháng 10/2018, khi EC cũng đã quyết định áp dụng thuế chống bán phá giá đối với mặt hàng lốp xe khách và xe tải có xuất xứ từ Trung Quốc, khối lượng xuất khẩu mặt hàng lốp xe khách và xe tải từ Việt Nam sang EU tăng đột biến. Điều này đã khiến EC tiến hành điều tra lẩn tránh thuế và chống bán phá giá đối với các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam.

gian-lan-hang-hoa-xuat-khau

Lượng xe đạp điện xuất khẩu từ Việt Nam EU làm dấy lên lo ngại bị điều tra xuất xứ hàng hóa. (Ảnh minh họa: PL&DS)

Theo Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương), các vụ việc điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM) đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam đang có xu hướng gia tăng. Hầu hết kết luận từ các vụ điều tra cho thấy, hàng hóa có hành vi lẩn tránh thuế và bị áp dụng biện pháp PVTM. Ngoài ra, một số mặt hàng cũng đang đứng trước nguy cơ bị điều tra chống lẩn tránh như ván ép xuất sang Hoa Kỳ, lốp xe tải và xe khách xuất sang EU…

Trong khi đó, thời gian qua, một số thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã tăng cường sử dụng các công cụ PVTM. Để bảo đảm hiệu quả của các biện pháp PVTM, các quốc gia này cũng tích cực giám sát, theo dõi sự biến động của luồng hàng hóa nhập khẩu sau khi biện pháp được áp dụng nhằm phát hiện các hành vi gian lận, trong đó có gian lận xuất xứ, nhằm lẩn tránh biện pháp PVTM.

“Một khi phát hiện hành vi gian lận, nước áp dụng biện pháp PVTM có xu hướng áp dụng luôn biện pháp này cho hàng hóa tương tự của quốc gia mà tại đó hành vi gian lận xảy ra, gây ảnh hưởng liên đới tới các doanh nghiệp xuất khẩu chân chính”, đại diện Cục Phòng vệ thương mại nêu rõ.

Ở phía các doanh nghiệp xuất khẩu khi nhìn nhận về tình trạng gian lận xuất xứ hàng hóa, ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho rằng, cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốccó thể sẽ đem đến không ít rủi ro cho ngành dệt may Việt Nam.

Nguy cơ thấy rõ đó là doanh nghiệp Trung Quốc có thể tìm cách chuyển sản phẩm hoặc bán thành phẩm sang Việt Nam để hoàn tất quá trình xuất khẩu. “Điều này đặt hàng dệt may xuất khẩu của Việt Nam trước nguy cơ, nếu hàng dệt may xuất khẩu vào Hoa Kỳ tăng đột biến sẽ bị Hoa Kỳ áp thuế cao”, ông Cẩm nhận định.

Ảnh hưởng uy tín rất lớn

Chỉ rõ những thua thiệt khi tình trạng gian lận xuất xứ hàng hóa ngày càng gia tăng, ông Võ Trường Sơn, Tổng giám đốc Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai cho rằng, hàng hóa của các nước lân cận mượn xuất xứ của Việt Nam để xuất khẩu gây rủi ro trước hết là về thông tin sai lệch cũng như cán cân thương mại. Đặc biệt, khi hàng hóa nước khác mượn xuất xứ của Việt Nam, Việt Nam sẽ bị đánh giá gia tăng lượng xuất khẩu, thậm chí xuất siêu dẫn đến việc nhiều quốc gia nhập khẩu có thể gây sức ép, đưa ra chính sách gây khó khăn.

“Việc mượn xuất xứ hàng hóa Việt Nam để xuất khẩu có thể làm cho các nước nhập khẩu hiểu lầm rằng đây là hàng Việt Nam. Trong trường hợp, những hàng hóa đó có vấn đề về chất lượng hay vệ sinh an toàn thực phẩm, hàng hóa Việt Nam sẽ bị mang tiếng và ảnh hưởng rất lớn đến uy tín”, ông Sơn nói.

Để giảm thiểu rủi ro từ vấn đề gian lận xuất xứ hàng hóa, theo ông Sơn là cần phải nhanh chóng hoàn thiện khung pháp lý, lấp các “lỗ hổng”. Bên cạnh đó, trong công tác kiểm tra, kiểm soát hàng hóa xuất nhập khẩu, các cơ quan liên quan cũng cần tăng cường giám sát, làm thật chặt chẽ.

Nhận định về thực trạng này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, việc giả mạo xuất xứ hàng hóa của Việt Nam để xuất khẩu sang nước thứ 3 với mục đích tận dụng ưu đãi về thuế tại thị trường Việt Nam, nhất là khi vừa qua thế giới xảy ra cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc nên điều này khiến các cơ quan quản lý cũng như các doanh nghiệp Việt Nam hết sức phải quan tâm.

Để có thể hạn chế tối đa và đối phó với tình trạng này, Bộ Công Thương cũng đã phối hợp rất chặt chẽ với các Bộ, ngành có liên quan và đặc biệt là các chính quyền địa phương để ngăn chặn hai chiều, hàng hóa từ nước ngoài vào Việt Nam và từ Việt Nam xuất đi nước ngoài để đảm bảo quyền lợi chung của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, không làm ảnh hưởng hình ảnh của hàng hóa Việt Nam trên thị trường thế giới.

“Bộ Công Thương cũng đã có cảnh báo về việc này và cho rằng đây là điều cần hết sức lưu ý. Nếu cộng đồng doanh nghiệp không cẩn thận, chỉ vài doanh nghiệp được hưởng lợi nhưng nhiều ngành nghề khác và tất cả các doanh nghiệp khác sẽ bị nhiều quốc gia xuất khẩu áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại, hạn chế nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam như đối với một số ngành thép, nhôm…”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải chỉ rõ.

Theo Nguyễn Quỳnh/VOV.VN - 29/3/2019

Link nguồn: https://vov.vn/kinh-te/thi-truong/gian-lan-xuat-xu-hang-hoa-doanh-nghiep-thua-thiet-891587.vov


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Gian lận xuất xứ hàng hóa: Doanh nghiệp thua thiệt

 

kndn1

bhql2024

hoa-moc-thien

dai-lam-moc