top-banner-2

Chủ nhật, 04/02/2018, 10:55 GMT+7

CPTPP sẽ mang lại lợi ích đáng kể cho nông nghiệp Canada

Viết bởi Mai Ngọc   
Chủ nhật, 04/02/2018, 10:55 GMT+7

Cho đến nay, chi tiết của phiên bản Hiệp định Đối tác Tiến bộ và Toàn diện xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sửa đổi vẫn chưa được công bố nhưng dường như nó sẽ nới lỏng thuế đối với một số sản phẩm hiện chưa có mặt tại thị trường Canada.

CPPTPP-Canada

Ngành nông nghiệp Canada được cho là sẽ hưởng lợi nhiều từ hiệp đinh mới - Ảnh minh họa từ i.investopedia.com

CPPTPP là một lời tuyên bố rõ ràng rằng Canada muốn có vị trí quan trọng hơn trên trường quốc tế khi tiếp tục xác lập nền tảng thương mại kết nối Bắc Mỹ với châu Á - Thái Bình Dương.

Trong bài viết đăng trên chuyên mục ý kiến và bình luận của trang Global and Mail, tác giả Sylvain Charlebois, Trưởng khoa Quản lý thuộc Đại học Dalhousie, cho rằng các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp của Canada sẽ được hưởng lợi lớn từ Hiệp định Đối tác Tiến bộ và Toàn diện xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

CPTPP là tên gọi mới của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) với sự tham gia của 11 nước, trừ Mỹ. Việc chính quyền của Tổng thống Donald Trump rút khỏi thoả thuận này là một thua thiệt lớn cho những nước còn lại khi làm giảm tới 40% tổng GDP và làm suy yếu phần nào vị thế của cả khối, nhưng xét về tổng thể thì đây vẫn là một thoả thuận thương mại quan trọng.

Nếu như thoả thuận TPP chủ yếu là cuộc chơi của Mỹ và Nhật Bản nhằm chống lại Trung Quốc, thì CPTPP (tên gọi mới của TPP sau khi Mỹ rút đi) lại mang một màu sắc khác. Công thức mới của CPTPP gồm 11 nước ở vành đai Thái Bình Dương, nối liền Bắc Mỹ với một khu vực châu Á đang phát triển rất năng động và có nhiều dư địa phát triển.

Đối với Canada, tham gia CPTPP mang lại lợi ích đáng kể trên "sân khấu" thế giới. Nếu Hiệp định Thương mại và Kinh tế Toàn diện (CETA) với Liên minh châu Âu (EU) là cơ hội để Canada trở thành nền tảng kết nối thương mại giữa hai châu lục châu Âu và Bắc Mỹ, thì CPTPP là một lời tuyên bố rõ ràng rằng Canada muốn trở thành một tay chơi toàn cầu khi tiếp tục xác lập nền tảng thương mại thứ hai kết nối Bắc Mỹ với châu Á - Thái Bình Dương.

Chính vì thế, tham gia CPTPP sẽ mang lại lợi ích cho Canada và khiến cho ngành nông nghiệp trở nên mạnh hơn. Ngành chăn nuôi và ngũ cốc sẽ có cơ hội thâm nhập các thị trường châu Á có quy mô dân số lên tới 500 triệu dân.

Ngoài ra, tham gia CPTPP cũng sẽ tạo áp lực buộc lĩnh vực quản lý nguồn cung phải thay đổi, hướng tới thị trường có các điều kiện và tiêu chuẩn khác biệt so với Bắc Mỹ. Sẽ có nhiều hợp đồng mới được ký kết, cho phép các dòng sản phẩm trứng, sữa và gia cầm của các nước được vào thị trường của nhau.

Cho đến nay, chi tiết của phiên bản CPTPP sửa đổi vẫn chưa được công bố nhưng dường như nó sẽ nới lỏng thuế đối với một số sản phẩm hiện chưa có mặt tại thị trường Canada. Nói cách khác, lĩnh vực quản lý nguồn cung theo tiêu chuẩn cao ở Bắc Mỹ sẽ dần mất đi để nhường chỗ cho mô hình mới phù hợp với tiêu chuẩn thấp hơn ở châu Á. Nếu CETA chỉ gây tác động nhẹ đến cơ chế bảo hộ của Canada, thì mức độ tác động của CPTPP sẽ mạnh hơn rất nhiều.

Nhìn ở góc độ rộng hơn, duy trì quản lý nguồn cung từ lâu đã tác động rất lớn đến ngành nông nghiệp Canada. Hệ thống quản lý này được thiết lập để bảo vệ các trang trại gia đình, nhưng có không ít trang trại đã bị xoá sổ vì không đáp ứng được các tiêu chuẩn đề ra.

Số trang trại bò sữa ở Canada đã giảm mạnh từ hơn 40.000 xuống chỉ còn 11.000. Ngành sản xuất trứng và gia cầm tìm cách hợp nhất lại theo xu hướng chung toàn cầu, nhưng câu hỏi đặt ra là tại sao Canada cần phải duy trì hệ thống quản lý hiện nay.

Trong nhiều năm qua, hầu hết các chính trị gia đều tuyên bố ủng hộ hệ thống quản lý nguồn cung, ngoại trừ Maxime Bernier, người đã không thể dành chiến thắng trong cuộc đua vào ghế lãnh đạo đảng Bảo thủ hồi năm ngoái. Tuy nhiên, trên thế thực tế, các chính quyền tỉnh bang đều đang ký những hiệp định huỷ hoại hệ thống này.

Trong khi đó, một số công ty thậm chí còn không thèm chờ chính sách của các cấp chính quyền. Saputo là một ví dụ. Công ty này đã tự tìm đường đến với thị trường châu Á - Thái Bình Dương bằng cách đầu tư vào Australia.

Những người ủng hộ thương mại quốc tế nên hiểu rằng dù trong bối cảnh chính trị nào, Chính phủ của Thủ tướng Justin Trudeau đã hành động đúng khi đồng ý sẽ ký CPTPP. Đây là bước đi tiếp nối công việc của Chính phủ Bảo thủ tiền nhiệm của Thủ tướng Stephen Harper ngay từ khi các nước mới bắt tay vào thảo luận TPP.

Chính thức tham gia CPTPP sẽ giúp các nông dân và các nhà chế biến thực phẩm của Canada có thể thực hiện được mục tiêu đầy tham vọng là đến năm 2025 sẽ tăng tổng giá trị xuất khẩu nông sản lên ít nhất 75 tỷ CAD (60,7 tỷ USD) mỗi năm.

Các nước thành viên CPTPP có thể hy vọng rằng cuối cùng Mỹ cũng sẽ hiểu được tầm quan trọng của hiệp định này và chấp nhận quay trở lại với cơ chế thương mại đa phương. Đến lúc đó, các hành lang thương mại xuyên Thái Bình Dương sẽ trở nên mạnh hơn.

Vì thế, khi phê chuẩn thỏa thuận này, chúng ta cần nhớ rằng quản lý nguồn cung yêu cầu một cách tiếp cận khác, hoàn toàn dựa trên thực tế. Thay vì tiếp tục sa đà vào những cuộc tranh luận gây chia rẽ, Canada cần thực sự suy nghĩ xem phiên bản quản lý nguồn cung 2.0 sẽ mang hình hài như thế nào.

Và trong lúc chờ đợi những điều xảy ra tiếp theo, các ngành nghề cũng cần chạy đua với công việc của chính họ vì thời gian còn lại sẽ không nhiều.

Theo TTXVN (Motthegioi.vn) - 4/2/2018

Link nguồn: http://beta.motthegioi.vn/kinh-te-c-67/cptpp-se-mang-lai-loi-ich-dang-ke-cho-nong-nghiep-canada-81561.html


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

CPTPP sẽ mang lại lợi ích đáng kể cho nông nghiệp Canada

 

kndn1

bhql2024

hoa-moc-thien-2

tieng-hat-viet-toan-cau-2

hoa-moc-thien

dai-lam-moc