top-banner-2

Thứ sáu, 16/12/2016, 13:04 GMT+7

Nhiều doanh nghiệp Việt lớn có xu hướng đầu tư ra nước ngoài

Viết bởi An An   
Thứ sáu, 16/12/2016, 13:04 GMT+7

Báo cáo 'Đánh giá Việt Nam" vừa được công bố cho thấy điểm đến đầu tư hấp dẫn nhất của 500 doanh nghiệp (DN) lớn nhất Việt Nam thuộc về các nước US/NAFTA (3 nước Bắc Mỹ: Canada, Mỹ, Mexico) và đặc biệt là các nước châu Á đang phát triển (Ấn Độ, Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia, Malaysia...).

1-nhieu-doanh-nghiep

Khu vực DN lựa chọn đầu tư ra nước ngoài trong vòng 5 năm tới

Bảng xếp hạng VNR500 – Top 500 doanh nghiệp lớn Việt Nam năm 2016 do Công ty cổ phần Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) phối hợp cùng Báo VietnamNet công bố ngày 14.12.

Bảng xếp hạng này được xây dựng dựa trên kết quả nghiên cứu và đánh giá độc lập của Vietnam Report có tham khảo mô hình Fortune 500 và chính thức được công bố lần đầu tiên vào năm 2007. Các doanh nghiệp không phải nộp bất kỳ một khoản phí nào để được vào Bảng xếp hạng VNR500.

Theo bảng xếp hạng, các DN lớn nhất Việt Nam gồm Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Công ty Samsung Việt Nam, Tập đoàn Viễn thông Quân đội, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam...

DN tư nhân lớn nhất gồm có Công ty cổ phần Ô tô Trường Hải, Công ty cổ phần Sữa Việt Nam, Công ty cổ phần Tập đoàn đá quý DOJI, Công ty cổ phần FPT, Tập đoàn VinGroup...

Trong khuôn khổ công bố Bảng xếp hạng VNR500 2016, Vietnam Report cũng cho biết phần lớn DN có nhận định tình hình sản xuất, kinh doanh 10 tháng kể từ đầu năm 2016 tốt hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2015. Tuy nhiên 16% doanh nghiệp cũng đã có phản hồi doanh thu giảm và 15% doanh nghiệp đánh giá lợi nhuận sau thuế giảm trong giai đoạn vừa qua. 

Năm 2016 được đánh giá là năm các DN phải đối diện với nhiều rào cản đến từ thách thức tăng trưởng nền kinh tế và biến động kinh tế, chính trị trên thế giới. Số lượng lao động trong DN hiện tại cũng được số đông DN nhận định là cơ bản ổn định với 47% DN phản hồi. Trong quý 1/2017, 60% DN cho rằng sẽ giữ nguyên số lượng lao động trong tình hình sản xuất kinh doanh của DN.

Dự báo cho tình hình sản xuất kinh doanh của DN trong 3 tháng đầu năm 2017, các DN đã đánh giá khả quan đối với các mặt doanh thu, lợi nhuận và tổng thể tình hình sản xuất kinh doanh nói chung và cho rằng các kết quả sẽ tăng lên hoặc ổn định so với cùng kỳ năm 2016. 

Ngoài ra, báo cáo này cũng cho biết xu hướng của nền kinh tế trong thời gian tới là hội nhập sâu rộng và mở rộng hợp tác, vì vậy đã có nhiều nhà đầu tư từ Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc chọn cách gia nhập thị trường Việt Nam thông qua các thương vụ mua bán, sáp nhập. 

“Các thương vụ M&A (sáp nhập) và JV (liên doanh) đang dần trở thành các phương thức mà DN tìm kiếm để thu hút dòng vốn đầu tư trong nước và nước ngoài. Gần 25% DN phản hồi đã thực hiện và đang trên tiến trình đàm phán sáp nhập, liên doanh trong 3 năm qua và 10% DN trả lời đã tìm kiếm, và thăm dò về các thương vụ này” – báo cáo nêu rõ.

Tuy nhiên, các DN cho biết họ đang gặp khó khăn trong việc thu thập được các nguồn thông tin đáng tin cậy về các đối tượng mục tiêu mua bán; thiếu đi các đối tượng mục tiêu hấp dẫn và việc đáp ứng các chính sách, quy định liên quan đến mảng lĩnh vực này.

Trong khảo sát các DN VNR500, khi đánh giá thế mạnh và bất lợi của DN trên thị trường quốc tế, phản hồi chủ yếu của các DN trên các mặt mới chỉ ở mức bình thường đến mạnh, gần 60% DN đánh giá DN mình ở mức mạnh và rất mạnh trong kỹ năng quản trị và nguồn cung ổn định. Tuy vậy, chỉ có 25% đánh giá chất lượng hàng hóa/dịch vụ của DN ở mức mạnh và 9% cho rằng rất mạnh; có đến 12% DN nhận định hoạt động marketing DN còn ở mức yếu. Do đó, vấn đề ưu tiên đối với các DN lớn là phải đẩy mạnh thương hiệu Việt và nâng cao năng suất, chất lượng nếu muốn tham gia sân chơi toàn cầu.

Về lĩnh vực đầu tư, hầu hết các DN lớn đều quyết định tăng đầu tư cho các hoạt động kinh doanh tại Việt Nam trong giai đoạn 2017-2018, có 32% DN ước đoán sẽ tăng cường đầu tư trên 50% cho các hoạt động kinh doanh hiện tại.

Ngoài ra, gần 45% DN thể hiện ý định đầu tư ra nước ngoài trong vòng 5 năm tới, đặc biệt là các doanh nghiệp trong khối ngành công nghiệp/chế tạo và dịch vụ/thương mại. Với các DN VNR500, điểm đến đầu tư hấp dẫn nhất thuộc về các nước US/NAFTA (3 nước Bắc Mỹ: Canada, Mỹ, Mexico) và đặc biệt là các nước châu Á đang phát triển (Ấn Độ, Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia, Malaysia..).

Nền kinh tế năm 2017 cũng được đánh giá với nhiều triển vọng lạc quan khi các nền kinh tế lớn trên thế giới đang dần vượt qua khủng hoảng, cùng Đề án tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 với nhiều kỳ vọng tạo nên một sự bứt phá mới, các doanh nghiệp VNR500 hoàn toàn có thể tự hào về những thành quả đã đạt được và tiếp tục tập trung vào mục tiêu tăng trưởng, mở rộng hơn nữa trong thời gian tới.

Theo Motthegioi.vn

 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Nhiều doanh nghiệp Việt lớn có xu hướng đầu tư ra nước ngoài

 

kndn1

bhql2024

hoa-moc-thien-2

tieng-hat-viet-toan-cau-2

hoa-moc-thien

dai-lam-moc