Ông chủ thương hiệu mắm truyền thống Vạn Phần: Tôi mất ăn, mất ngủ, khách hàng hoang mang, DN điêu đứng |
Viết bởi An An | |
Thứ sáu, 21/10/2016, 10:20 GMT+7 | |
Trước khi có công bố kết quả về hàm lượng thạch tín trong nước mắm có độ đạm cao, Vinastas, Masan và các DN sản xuất nước mắm truyền thống đã có cuộc họp bàn, tranh luận gay gắt về việc bảo tồn và phát triển nước mắm truyền thống. Thông tin Hội tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) công bố ngày 17/10 về kết quả khảo sát 67,33% nước mắm được kiểm định chất lượng có hàm lượng arsen (thạch tín) vượt ngưỡng cho phép, và có tới 95,65% nước mắm độ đạm càng cao, chứa thạch tín càng nhiều đã gây hoang mang dư luận cũng như bức xúc cho các DN sản xuất nước mắm truyền thống. Tuy nhiên, thực chất, sự bức xúc không chỉ xuất phát sau sự việc này, mà trước đó 1 tuần, phía Vinastas, Masan và các DN nước mắm truyền thống đã có cuộc tranh luận gay gắt về vấn đề này. Vinastas đã lợi dụng sơ hở của tiêu chuẩn Việt Nam? Trao đổi với chúng tôi, ông Võ Văn Đại, Chủ tịch hội đồng quản trị - Giám đốc công ty Cổ phần Thủy sản Vạn Phần Diễn Châu (Nghệ An) - đơn vị có trong danh sách khảo sát của Vinastas cho biết, không đồng tình với kết quả khảo sát của Vinastas. Theo ông, phía đại diện người tiêu dùng đã quá hồ đồ khi công bố số liệu trên. Trước đó, vào ngày 10/10, hội thảo "Nước mắm - Bảo tồn và phát triển sản phẩm truyền thống” do Hội Nghề cá Việt Nam, Tạp chí Thủy sản Việt Nam phối hợp với Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối được tổ chức tại TP HCM. Cả Vinastas và Masan đều có mặt.
Bà Lê Thị Nga, Giám đốc phát triển sản phẩm cấp cao Công ty CP Hàng tiêu dùng Masan đã có bài phát biểu cho rằng, không phải nước mắm độ đạm cao là tốt và muối là sạch. Đơn vị này cũng đưa ra kết quả nghiên cứu nước mắm càng nhiều đạm thì nồng độ arsen càng cao và đề nghị Nhà nước nên kiểm tra hàm lượng arsen trong nước mắm truyền thống. “Hội thảo rất dài, tôi không nhớ hết nội dung. Khi bàn về nước mắm truyền thống mọi người đã rất vui. Nhưng từ khi đại diện Massan lên phát biểu và được sự đồng tình của Vinastas thì diễn đàn trở nên nóng hơn. Nhiều đại diện nước mắm truyền thống đã bức xúc, bỏ ra về...”, ông Đại kể lại. Phía cơ quan Nhà nước đã trấn tĩnh mọi người tại hội thảo và cho rằng, khảo sát của Masan chỉ là phản ánh của DN, chưa phải báo cáo chính thức. Thế nhưng, ông Đại không ngờ, chỉ sau đó một tuần sau, báo của Vinastas có phần nội dung trùng với Masan lại được công bố rộng rãi trên truyền thông gây hoang mang dư luận, làm hàng trăm nghìn DN sản xuất nước mắm điêu đứng. Theo ông Đại, Vinastas đã đưa ra thông tin quá mập mờ, bởi cá nhiễm arsen là nói chung về arsen hữu cơ chứ không phải vô cơ. "Vinastas hoặc có thể là đơn vị tài trợ nào đó đã lợi dụng sơ hở của tiêu chuẩn nước mắm Việt Nam quy định hàm lượng arsen trong nước mắm song không ghi rõ arsen vô cơ hay hữu cơ. Tuy nhiên, có thể nhận rõ rằng, thông tin mà Vinastas đưa ra là hoàn toàn có lợi cho nước mắm công nghiệp", đại diện DN này cho hay.
Ngay sau công bố của Vinastas, 2 thương hiệu nước mắm của Masan đã kịp tung quảng cáo không chứa thạch tín. Mục đích của Vinatas là gì? Chỉ trong 3 ngày sau công bố hàm lượng thạch tín trong nước mắm của Vinastas, nhiều khách hàng đã dừng lấy, thậm chí trả lại hàng nhiều DN nước mắm truyền thống. Là đơn vị gắn bó với nghề này hơn 70 năm nay, DN của ông Đại - Chủ tịch hội đồng quản trị - Giám đốc công ty Cổ phần Thủy sản Vạn Phần Diễn Châu cũng không tránh khỏi thiệt hại nặng nề. Mấy ngày nay, ông Đại mất ăn, mất ngủ để giải thích cho khách hàng cũng như những người xung quanh khi nhận được hàng loạt câu hỏi vì sao nước mắm lại có arsen cao vượt ngưỡng. Mặc dù ông lý giải cặn kẽ rằng arsen trong cá là arsen hữu cơ (không phải vô cơ), ngàn đời dân ta ăn không bị ảnh hưởng tới sức khỏe vẫn không giảm bớt được sự nghi ngại từ phía người dùng. Arsen hữu cơ là chất có trong nước mắm tự nhiên, các nhà khoa học cũng chứng minh không có độc hại. Thế nhưng, thông tin Vinastas đưa ra khiến người dân hiểu lầm là những chất vô cơ độc hại như Clo, Natri. "Sở dĩ thông tin Vinastas đưa ra rất có lợi cho nước mắm công nghiệp vì người ta pha 1 lít nước cốt thành 10-20 lít nước mắm thông thường, nếu chia ra thì tỉ lệ arsen rất thấp. Tuy nhiên, độ đạm trong nước mắm công nghiệp lại không đáng kể. Chỉ 3 ngày thôi, khách hàng hoang mang, doanh nghiệp điêu đứng. Vinastas thực sự đã bỏ bom doanh nghiệp. Đây có lẽ là cú sốc lớn nhất đối với chúng tôi trong gần thập kỷ làm nghề", ông Đại nói. Ông Đại đặt câu hỏi: "Vinatas đưa ra thông tin mập mờ như thế nhằm mục đích gì? Phải chăng phía sau là sự cạnh tranh không lành mạnh?". Theo thống kê, doanh số của ngành hàng nước mắm hiện khoảng 7.200-7.500 tỉ đồng/năm với sản lượng trên 200 triệu lít. Trong đó, tiêu thụ nội địa 97%, còn lại xuất khẩu. Hiện nay, cả nước có 22 doanh nghiệp được phép xuất khẩu nước mắm. Theo Tri Thưc Trẻ Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|