top-banner-2

Thứ hai, 18/07/2016, 14:05 GMT+7

Cà phê năm thứ 20 của ông Đặng Lê Nguyên Vũ 'đầy vị đắng'

Viết bởi An An   
Thứ hai, 18/07/2016, 14:05 GMT+7

Năm thứ 20 kể từ khi thành lập (1996 - 2016), ông Đặng Lê Nguyên Vũ đã để mất quyền điều hành công ty hòa tan cho vợ mình là bà Lê Hoàng Diệp Thảo.

Ông Đặng Lê Nguyên Vũ sinh năm 1971 trong một gia đình nông dân nghèo tại Nha Trang, Khánh Hòa, đến năm 1979 chuyển đến huyện miền núi M'drak tỉnh Đắk Lắk. Con đường học vấn của ông không gắn với kinh doanh mà ban đầu ông học Khoa Y của Đại học Tây Nguyên. Nhận thấy khó có thể giữ được "lời thề Hippocrate" của ngành Y, ông từng bỏ học nhưng sau đó đã quay lại hoàn thành khoá học của mình.

Trong thời gian học Đại học, ông Vũ đã bắt đầu tìm hiểu về cà phê và có được công thức cà phê rang xay. Từ đó, cà phê Trung Nguyên được ông Đặng Lê Nguyên Vũ thành lập năm 1996 tại Buôn Ma Thuột, với số vốn đầu tiên chỉ là một chiếc xe đạp, nhưng tham vọng lại rất lớn khi muốn trở thành thương hiệu cà phê nổi tiếng, đưa hương vị Việt Nam ra toàn thế giới.

1-ong-dang-le-nguyen-vu

Ông Đặng Lê Nguyên Vũ

Ông Vũ rời phố núi để mở quán cà phê đầu tiên tại TPHCM vào năm 1998. Quán cà phê này là sự khởi đầu cho việc hình thành hệ thống chuỗi Trung Nguyên tại các tỉnh thành Việt Nam và nhiều nước trên thế giới.

Năm 2003 đánh dấu sự kiện quan trọng của Trung Nguyên khi cho ra đời cà phê hòa tan G7. Trung Nguyên đã tiến hành "thử mù", khi cho người dùng nếm cả G7 và Nescafe nhưng không biết trước tên sản phẩm. Kết quả của Trung Nguyên gây được tiếng vang khi 89% trong số 11.000 người được thử đã thích G7 hơn so với Nescafe.

Cũng chính sản phẩm cà phê hòa tan G7 đã giúp Trung Nguyên dần có chỗ đứng trên thị trường cà phê Việt Nam, chen chân cạnh tranh với 2 đối thủ đã rất mạnh lúc bấy giờ là Vinacafe và Nestle.

Sang năm 2006, Trung Nguyên mở chuỗi cửa hàng G7 Mart và đặt mục tiêu 9.500 cửa hàng trên toàn quốc. Tuy nhiên, chuỗi cửa hàng này không thể thành công và bán cho Ministop, một thành viên của Aeon Nhật Bản.

Năm 2008, Trung Nguyên thành lập Trung Nguyên International (TNI), văn phòng tại Singapore, nhằm mục tiêu phát triển thị trường này thành một cứ điểm để phát triển thị trường Asean và xa hơn là thị trường toàn cầu.

Trung Nguyên cho biết, tính đến năm 2010, cà phê Trung Nguyên có hơn 1.000 cửa hàng tại Việt Nam và được xuất khẩu đến hơn 60 nước trên thế giới, tiêu biểu như Mỹ, Canada, Nga, Anh, Đức, Nhật Bản, Trung Quốc, Asean...

Năm 2011, Trung Nguyên của ông Đặng Lê Nguyên Vũ được tờ Financial Times ca ngợi như bài học về một mô hình kinh doanh thành công. Trong năm này, Trung Nguyên đạt doanh thu 151 triệu USD và tăng trưởng tới 78%.

Năm 2012, ông Đặng Lê Nguyên Vũ được tạp chí Intelligent Travel, một trang của National Geographic, lần đầu gọi với cái tên "Vua cà phê Việt Nam". Từ đó, các tờ báo hàng đầu khác trên thế giới như Forbes, BBC và cả báo chí trong nước cũng chính thức gọi ông là Vua cà phê. Ông Vũ vươn tới đỉnh cao sự nghiệp và cũng từ đây, mọi thứ bắt đầu trượt dốc.

Những tranh cãi về thành công của Trung Nguyên

Dù được mệnh danh là "vua cà phê Việt", nhưng những thành công của ông Vũ trong ngành cũng vẫn là một ẩn số. Theo một kết quả nghiên cứu thị trường năm 2012 do Trung Nguyên công bố, có 11 triệu/17 triệu hộ gia đình Việt Nam mua sản phẩm của Trung Nguyên. Sang tháng 7/2012, Trung Nguyên tổ chức họp báo công bố số liệu nghiên cứu thị trường của AC Nielsen và Kantar Worldpanel về vị thế của cà phê Trung Nguyên. Theo đó, cà phê hòa tan G7 chiếm 40% về thị phần và chiếm 35% về sản lượng ngành.

Thế nhưng, đáng chú ý là chỉ ít ngày sau buổi họp báo này, chính hãng Nielsen lại phát đi thông báo chưa từng cung cấp văn bản xác nhận nào chứng thực cho công bố của Trung Nguyên.

Còn theo số liệu của Euromonitor, thị phần G7 giai đoạn 2011-2012 chỉ 4,5-4,7% và cho đến nay vẫn chưa vượt quá con số 5%, kém xa so với 2 đối thủ khác là Nescafe và Vinacafe. Những số liệu này cũng tương đương với thống kê của Nielsen năm 2014, khi hãng này công bố 80% thị phần cà phê hòa tan Việt Nam nằm trong tay 3 thương hiệu kể trên.

Thị phần cà phê hoà tan không thực sự cao, nhưng nếu xét trên mặt trận khác là các "chuỗi cửa hàng", Trung Nguyên lại cho thấy điểm vượt trội các đối thủ khác như Highlands, Starbucks, The Coffee Bean...

Khảo sát của Financial Times cho biết, 49% số người được hỏi lựa chọn lựa chọn Trung Nguyên , cao gấp gần 2 lần so với thương hiệu đứng thứ 2 là Highlands Coffee. Trên thực tế, số lượng quán cà phê thực so Trung Nguyên mở ra không nhiều, cũng thường trong tình trạng vắng khách nhưng với chiến lược "nhượng quyền" 10.000 điểm bán, độ nhận biết thương hiệu của Trung Nguyên là rất mạnh mẽ.

Trên thực tế, "sức mạnh" lớn nhất ít được nhắc tới của Trung Nguyên lại nằm ở mảng rang xay, chứ không phải là hòa tan hay chuỗi cửa hàng.

Chia tay vợ, chia tay luôn mảng hòa tan và thị trường toàn cầu?

Tháng 12 năm 2015, Trung Nguyên bất ngờ phát đi thông báo ngừng cung cấp các sản phẩm cà phê hòa tan với lý do bảo trì máy móc, thiết bị. Cũng trong thời gian này, vụ tranh chấp tài sản giữa vợ chồng ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo.

Sau đó, ông Đặng Lê Nguyên Vũ đã tự tổ chức các cuộc họp Hội đồng quản trị và tự ý đưa ra quyết định miễn nhiệm bà Lê Hoàng Diệp Thảo. Những tranh cãi đã nổ ra khi bà Thảo đăng đàn tố cáo hành vi của ông Vũ là vi phạm pháp luật.

Sang tháng 4/2016, Công ty cổ phần cà phê hòa tan Trung Nguyên đã thay đổi giấy đăng ký kinh doanh, chuyển người đại diện pháp luật từ bà Lê Hoàng Diệp Thảo sang ông Đặng Lê Nguyên Vũ. Tuy nhiên, sang tháng 5, bà Thảo đã có đơn khiếu nại, yêu cầu chờ phán quyết của Tòa án Nhân dân TPHCM.

Khiếu nại của bà Thảo đã thành công khi ngày 13/7 vừa qua, Sở Kế hoạch đầu tư tỉnh Bình Dương đã có quyết định hủy bỏ giá trị Giấy chứng nhận ngày 21/4, đồng thời khôi phục quyền điều hành công ty cho bà Lê Hoàng Diệp Thảo.

Quyết định này khép lại trò chơi vương quyền tại cà phê hoà tan Trung Nguyên, khi quyền lực giờ đây chính thức nằm trong tay bà Lê Hoàng Diệp Thảo, thay vì ông Đặng Lê Nguyên Vũ. Bà Thảo hiện giữ quyền kiểm soát mảng hòa tan Trung Nguyên và Trung Nguyên International. Hiện tại, ông Vũ vẫn nắm quyền kiểm soát tại tập đoàn Trung Nguyên.

Một nguồn tin lâu năm trong ngành cho rằng, thực tế vai trò của bà Thảo tại Trung Nguyên không hề nhỏ. Trong suốt quá trình khởi nghiệp kéo dài 20 năm của ông Vũ, bà Thảo đóng góp vai trò điều hành quan trọng, nhưng thầm kín đằng sau thay vì đứng ra đại diện thương hiệu như ông Vũ. Chính vì vậy, vai trò của bà Thảo không được công chúng biết tới rộng rãi.

Chia tay vợ, ông Vũ sẽ phải đối mặt với nguy cơ Trung Nguyên "tan đàn xẻ nghé". Sau 20 năm lăn lộn trên thị trường, ly cà phê của "vua cà phê Việt" lại có dư vị đắng chát, bước đi tiếp theo của ông Vũ sẽ là gì?

Link nguồn: http://cafebiz.vn/ca-phe-nam-thu-20-cua-ong-dang-le-nguyen-vu-day-vi-dang-20160718014311575.chn

 


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Cà phê năm thứ 20 của ông Đặng Lê Nguyên Vũ 'đầy vị đắng'

 

kndn1

bhql2024

hoa-moc-thien-2

tieng-hat-viet-toan-cau-2

hoa-moc-thien

dai-lam-moc