top-banner-2

Thứ năm, 28/04/2016, 16:30 GMT+7

Uống nước máy, trả giá nước khoáng - người tiêu dùng bị lừa đến bao giờ?

Viết bởi An An   
Thứ năm, 28/04/2016, 16:30 GMT+7

Hiện nay do chưa có đủ thông tin, chưa biết rõ cách phân biệt giữa nước uống tinh khiết bình thường và nước khoáng thiên nhiên nên nhiều người tiêu dùng đã bỏ tiền mua những bình, những chai nước lọc, nước tinh khiết với giá ngang với nước khoáng thiên nhiên và cùng với đó là cả một “công nghệ” làm giả biến nước tinh khiết thành nước khoáng thiên nhiên.

Uống nước máy, trả giá nước khoáng - người tiêu dùng bị lừa đến bao giờ?

Việc kinh doanh nước uống đóng chai đang đạt đến sự siêu lợi nhuận.

Từ sự nhập nhèm…

Ở các nước tiên tiến, giá các loại nước tinh khiết nạp từ nguồn nước máy chỉ bằng 1/3 giá nước khoáng thiên nhiên (NKTN). Nhưng ở Việt Nam, do người tiêu dùng thiếu thông tin mà không ít nhà sản xuất bán các loại nước tinh khiết đóng chai với giá bằng với NKTN trong khi chi phí sản xuất thấp hơn rất nhiều.

Hầu hết người tiêu dùng đang phải trả tiền cho các loại nước tinh khiết đóng chai với giá bán xấp xỉ với NKTN trong khi công dụng đối với sức khỏe chỉ là... giải khát.

Theo kết quả kiểm tra 152 cơ sở sản xuất nước uống đóng chai quy mô nhỏ trên địa bàn TP HCM của Trung tâm Y tế dự phòng thành phố, chỉ có 4/152 cơ sở (2,5%) đảm bảo điều kiện vệ sinh.

Trong số các cơ sở còn lại, 70% cơ sở rửa bình (loại bình tái sử dụng) bằng phương pháp thủ công không đảm bảo vệ sinh, 60% có quy trình sản xuất và thực hiện dán nhãn mác không đúng với công bố trước đó, 40% không khám sức khỏe cho công nhân - những người trực tiếp sản xuất...

Phần lớn các cơ sở tận dụng nơi ở làm nơi sản xuất, diện tích chật hẹp. Có nơi vô chai, đóng thùng cạnh nhà vệ sinh, không đảm bảo vệ sinh...

Bác sĩ Nguyễn Thanh Hải - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng cho biết: “Rất nhiều cơ sở sử dụng nguồn nước ngầm để sản xuất nước uống đóng chai nhưng chưa được sự cho phép của Sở Tài nguyên - Môi trường, chưa có các cơ quan chức năng đánh giá nguồn nước đó có đảm bảo hay không. Thậm chí có cơ sở lấy nguồn nước ngầm cạnh nghĩa trang, bãi rác”.

Đến siêu lợi nhuận

Theo khảo sát của phóng viên vào đầu tháng 4/2016, trong khi giá NKTN của Công ty Vĩnh Hảo là 2.300 đồng/chai loại 500 ml, Thạch Bích: 3.000 đ/chai, Lavie: 4.000 đ/chai loại 500 ml... thì giá các loại nước uống đóng chai loại 500 ml bình quân từ 2.500 đồng đến 3.300 đồng.

Giá các loại nước uống đóng chai có thương hiệu như Aquafina: 3.800 đ/chai, Joy: 2.700 đ/chai, Sapuwa: 2.800 đ/chai, Dapha: 2.800 đ/chai...

Chỉ có Tribeco bán với giá 1.900 đồng/chai. Riêng giá các loại nước uống đóng chai bình 20 lít - lĩnh vực mà các cơ sở nhỏ, sản xuất kiểu gia đình hầu như chiếm giữ thì vô cùng hỗn loạn: giá cao nhất là Evitan, Hello 18.000 đồng/bình; kế đến là Alive, Aquaguada 22.000 đ/bình.

Những loại giá rất rẻ gồm: I Love 12.000 đ/bình, Lave 15.000 đ/bình. Nhãn hiệu lạ hoắc là 079 có giá bán thấp hơn, chỉ 10.000 đ/bình 20 lít. Giá tối thiểu các loại nước bình 20 lít của các công ty có thương hiệu cũng 24.000 đ/bình, bằng giá với NKTN bình 20 lít của Vĩnh Hảo.

Ngành kinh doanh nước uống đóng chai đang đạt đến sự siêu lợi nhuận. Một chuyên gia trong lĩnh vực này tính toán: với các cơ sở sản xuất nước uống đóng chai nhỏ, trong khi giá bán loại nước chai 500 ml cũng tương đương với các NKTN trên thị trường thì chi phí sản xuất chỉ ở mức: chai PET 300 đồng, nắp chai 70 đồng, nhãn 80 đồng... nếu tính cả tiền nước, nhân công thì giá thành chỉ khoảng 600 đồng/chai.

Theo thống kê chưa đầy đủ của ngành y tế TP HCM, thành phố hiện có 276 cơ sở nước uống đóng chai sản xuất với quy mô gia đình. Để sản xuất nước uống đóng chai, nhà sản xuất phải có thiết bị công nghệ RO (màng lọc thẩm thấu ngược) để lọc các khoáng chất có hại ra khỏi phân tử nước.

Hệ thống này trong nước không sản xuất được nên phải nhập về với giá rất cao (khoảng 1 tỉ đồng), vì vậy hầu hết các cơ sở nhỏ đều không có. Thay vào đó, họ lọc bằng than hay sỏi rồi đưa qua hệ thống máy UV (loại máy dùng tia cực tím tạo ozone khử trùng) rồi đóng chai đem bán.

Còn nước thì nguồn ở đâu, đó chính là nước sinh hoạt hay nước giếng. Nếu những nhà sản xuất các loại NKTN phải tốn chi phí cho việc thăm dò, phát hiện mỏ nước, xử lý nước, vận chuyển sản phẩm từ nguồn nước thiên nhiên đạt chuẩn đến các nơi thì các công ty sản xuất nước uống đóng chai hầu như có thể mở cơ sở ở mọi nơi và chỉ tốn chi phí cho các khâu tiếp thị, quảng cáo.

Đặc biệt, hầu hết các công ty lớn đều hết sức o bế các đại lý với mức hoa hồng cực cao: từ 20 - 40% giá bán. Việc định ra tỷ lệ hoa hồng này cho thấy lợi nhuận của các công ty kinh doanh nước uống đóng chai lớn như thế nào và tạo ra sự bất công trong phân phối sản phẩm so với các sản phẩm đồng dạng khác trên thị trường.

Link nguồn: http://cafebiz.vn/uong-nuoc-may-tra-gia-nuoc-khoang-nguoi-tieu-dung-bi-lua-den-bao-gio-20160428091414437.chn


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Uống nước máy, trả giá nước khoáng - người tiêu dùng bị lừa đến bao giờ?

 

kndn1

bhql2024

hoa-moc-thien-2

tieng-hat-viet-toan-cau-2

hoa-moc-thien

dai-lam-moc