Một năm chậm chạp với toàn ngành công nghiệp di động |
Viết bởi An An |
Thứ sáu, 30/10/2015, 09:19 GMT+7 |
Q3/2015 được xem là thời điểm mà nền công nghiệp di động có tốc độ phát triển chậm chạp nhất, kể từ năm 2009. iPhone 6s và Galaxy S6 edge là những smartphone tốt nhất trên thị trường hiện nay Năm 2015 được xem là thời điểm có nhiều sự đột phá tới từ các nhà sản xuất smartphone trên toàn cầu. Ngay từ những ngày đầu năm, giới công nghệ đã được chứng kiến rất nhiều sản phẩm sáng tạo như smartphone Galaxy S6 edge của Samsung với màn hình cong độc đáo. Và gần đây nhất, Apple cũng công bố bộ đôi iPhone thế hệ mới, iPhone 6s và iPhone 6s Plus trang bị công nghệ cảm ứng lực 3D Touch nhằm nâng cao trải nghiệm người dùng trên di động. Nhìn chung, việc ngày càng có nhiều công nghệ mới được ra đời trên smartphone là tín hiệu tích cực với làng công nghệ trong năm nay. Nhờ đó, người dùng sẽ sớm được sử dụng những sản phẩm tốt hơn, nhằm phục vụ cho cuộc sống, công việc và giải trí. Tất nhiên, trong mỗi cuộc đua, chúng ta luôn có kẻ thắng và người thua. Ngành công nghiệp di động hiện nay cũng không phải là một ngoại lệ. Trong khi Apple và Samsung lại tiếp tục thống trị thị trường di động năm 2015, một loạt các nhà sản xuất lớn cùng thời như HTC, Sony hay LG lại đang phải đương đầu với những khó khăn riêng của mình. Trong số đó, hưởng lợi nhiều nhất chính là những tên tuổi tới từ Trung Quốc như Xiaomi, Huawei hay Lenovo. Dựa vào những báo cáo tài chính gần đây của các công ty đang góp mặt trên thị trường di động, hãng Strategy Analytics đã đưa ra những phân tích, có thể coi là bức tranh toàn cảnh ngành công nghiệp smartphone hiện thời. Một năm chậm chạp Dù năm 2015 được xem là thời điểm có nhiều sự đột phá trong làng công nghệ, nhưng không thể phủ nhận một thực tế, thị trường di động toàn cầu đã và đang có xu hướng phát triển chậm lại. Có thể, đây không phải là điều quá mới mẻ cho giới phân tích, nhưng tình hình này đã gián tiếp ảnh hưởng tới doanh số của rất nhiều nhà sản xuất smartphone hiện nay. Cụ thể, báo cáo từ Strategy Analytics chỉ rõ, chỉ trong vòng 1 năm trở lại đây, lượng smartphone được vận chuyển trên toàn thế giới đã không còn phát triển mạnh mẽ như những năm trước đó. Tổng lượng smartphone được vận chuyển trong Q3/2015 là khoảng 354,2 triệu smartphone, tăng khoảng 10% so với thời điểm cùng kì năm ngoái, 323,4 triệu smartphone. Số liệu từ Strategy Analytics Rõ ràng, 10% không phải là con số ít ỏi, nó tương đương với khoảng 30 triệu chiếc smartphone, gấp đôi doanh số mảng di động của LG trong quý tài chính vừa qua. Thế nhưng, nếu nhìn vào tốc độ tăng trưởng của thị trường di động trong những năm trước, Q3/2015 được xem là thời điểm mà nền công nghiệp smartphone phát triển chậm chạp nhất, kể từ năm 2009. Chia sẻ trước báo giới, đại diện Strategy Analytics cho biết: "Thị trường di động trong năm nay đã có những chuyển biến rõ rệt. Phần lớn các thị trường có tốc độ phát triển tốt nhất đều tập trung tại Mỹ, Châu Âu và Trung Quốc. Nói cách khác, những người quan tâm và thực sự cần tới smartphone đều đã sở hữu cho mình ít nhất một chiếc trước đó, và không phải ai cũng đủ hiểu biết, cũng như tiềm lực tài chính để sở hữu một chiếc smartphone". Những ông lớn đang đi ngược xu hướng Có thể thấy, phần lớn các nhà sản xuất đã đều tỏ ra mệt mỏi, sau nhiều năm liên tục cạnh tranh khốc liệt. Tuy nhiên, vẫn có những số ít nhà sản xuất vẫn khẳng định được tên tuổi của mình trong Q3/2015 vừa qua. Không ai khác đó là Apple và Samsung, 2 đổi thủ, 2 đối tác, luôn ở những thái cực khác nhau. Nhưng họ đều có chung một điểm: dẫn đầu nền tảng di động mà mình đang theo đuổi. Đầu tiên, chúng ta có thể nhìn vào tấm gương của Apple, một mình một ngựa với hệ sinh thái iOS. Cụ thể, trong Q3/2015, nhà sản xuất này đã vận chuyển tới 48 triệu chiếc iPhone, tăng 22% so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt, lượng người dùng chuyển từ Android sang iOS đã tăng vọt, khoảng 30%. Theo Apple, đây được xem là con số ấn tượng trong 3 năm gần nhất. Apple đáng được ăn mừng trong Q3/2015 Trong khi đó, về phía ông lớn tới từ Hàn Quốc là Samsung, 83,8 triệu chiếc smartphone đủ mọi phân khúc đã được vận chuyển trong Q3/2015, tăng khoảng 5% so với cùng kì năm ngoái. Đáng chú ý, dòng sản phẩm đem về doanh thu lớn nhất cho Samsung không phải là các sản phẩm cao cấp như Galaxy Note 5 hay Galaxy S6, mà đó là các smartphone tầm trung, giá rẻ hiện nay. Điều này cho thấy, dù vận chuyển được nhiều sản phẩm hơn, nhưng dòng iPhone cao cấp của Apple vẫn chiếm ưu thế so với loạt flagship như dòng Note hay Galaxy S của đối thủ. May mắn là Samsung vẫn còn đó những sản phẩm phổ thông, với cấu hình cân bằng và quan trọng nhất là hợp với túi tiền của phần lớn người tiêu dùng hiện tại. Những chú ngựa ô đang ở đâu Người đời thường có câu, phong độ là nhất thời, đẳng cấp là mãi mãi. Và điều này cũng đúng với thực trạng của ngành công nghiệp smartphone hiện nay. Vào thời điểm năm ngoái, 2 cái tên được giới chuyên gia nhắc tới nhiều nhất chính là Lenovo và Xiaomi. Với Lenovo, đó là việc thâu tóm thương hiệu Motorola đình đám, còn với Xiaomi, đó là startup trẻ tuổi đã sớm lọt top 5 các nhà sản xuất hàng đầu. Thế nhưng, thực tế đã chứng minh, dù có tốc độ tăng trưởng chóng mặt, nhưng Xiaomi vẫn có những hạn chế nhất định như sản phẩm chỉ thuộc phân khúc giá rẻ, bị gắn mác smartphone Trung Quốc. Điều này thể hiện rõ qua doanh số 17,8 triệu máy trong Q3/2015, giảm sút so với cùng kì năm ngoái. Tương tự như vậy, doanh số của Lenovo cũng giảm khoảng 24%, ở mức 24,5%. Bộ ba quyền lực trong làng di động Trung Quốc Có 2 lý do giải thích cho hiện tượng giảm sút đột ngột của Xiaomi và Lenovo. Thứ nhất, thị trường di động Trung Quốc đang trở nên bão hòa, phần lớn người dùng nước này đã sở hữu ít nhất một chiếc smartphone, do đó, nhu cầu nâng cấp là không cao. Và điều này ảnh hưởng trực tiếp tới doanh số của cả 2 nhà sản xuất, bởi Trung Quốc vẫn là thị trường lớn nhất của họ. Thứ hai, đối tượng khách hàng chủ yếu của Xiaomi và Lenovo là người dùng phổ thông, nhắm tới các smartphone tầm trung và giá rẻ. Do đó, họ luôn có định kiến, Xiaomi và Lenovo chỉ là những lựa chọn tạm thời. Ngay khi có cơ hội để nâng cấp lên một smartphone mới, họ sẽ nghĩ đến những thương hiệu có uy tín, tầm ảnh hưởng và giá trị thương hiệu lớn hơn. Vô hình chung, các tên tuổi lớn trong làng di động sẽ là đối tượng hưởng lợi nhiều nhất trong chu kì nâng cấp smartphone. Ở thời điểm hiện tại, Apple và Samsung là 2 cái tên thành công nhất. Tuy nhiên điều này không có nghĩa, những ông lớn như LG, HTC đã hết cơ hội trở lại top 5 nhà sản xuất hàng đầu. Chúng ta hãy cùng chờ tới những báo cáo cuối năm, để xem đâu là nhà sản xuất thành công nhất trong năm 2015 này? Theo Trí Thức Trẻ/GenK Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|