Cả đế chế ô tô khổng lồ sụp đổ chỉ vì một lời nói dối |
Viết bởi An An |
Thứ tư, 30/09/2015, 10:02 GMT+7 |
Bê bối nói dối lần này sẽ có thể nhấn chìm thương hiệu Volkswagen mãi mãi. Tập đoàn “nói dối” Sự việc bắt nguồn từ năm 2013 khi một nhóm giáo sư và sinh viên tại Mỹ phát hiện ra lượng khí thải từ các chiếc xe chạy bằng diesel do Volkswagen sản xuất cao hơn một cách đáng ngờ so với số liệu chính thức. Sau khi trình báo với Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA), ngày 18/9 cáo buộc chính thức đã được công bố với nội dung: Động cơ diesel của VW được cố tình thiết kế để đánh lừa các phép đo về khí thải. Khi được cơ quan giám sát đề nghị giải thích, EPA nói Volkswagen đã thừa nhận xe của họ được gắn phần mềm gian lận. Theo ước tính, bộ phần mềm được thiết kế để "lách" các máy đo, kiểm tra lượng khí thải đã được Volkswagen cài đặt vào 11 triệu chiếc xe trên toàn cầu. Tuy nhiên, chỉ có một phần trong đó là được kích hoạt đoạn mã trên. Có hơn 480.000 chiếc xe như thế đã được bán ra tại Mỹ. Ngay lập tức, nhà sản xuất xe hơi này đã nhận được vô số chỉ trích nặng nề của người tiêu dùng, giới truyền thông, tạo ra bê bối chấn động toàn thế giới. Đa phần đều cho rằng, đây là một hành động gian dối không thể chấp nhận được ở một tập đoàn ô tô tầm cỡ như Volkswagen – tượng đài của nước Đức. Bản thân Ông Jochen Flasbarth, một quan chức cao cấp của Bộ Môi trường Đức đã gọi hành động của Volkswagen là “lừa đảo trắng trợn người tiêu dùng”. Bộ trưởng Kinh tế Đức là ông Sigmar Gabriel cảnh báo: “Chúng tôi lo lắng rằng uy tín tuyệt vời của ngành ô tô Đức nói chung và của Volkswagen nói riêng sẽ bị tổn hại từ sự cố này”. Trong khi đó, bà Cynthia Giles, một quan chức cao cấp của EPA đã gọi đây là hành vi “phạm pháp và đe dọa sức khỏe cộng đồng”. Ông Louis Schweitzer, cựu Chủ tịch của tập đoàn xe hơi Pháp Renault thậm chí còn dùng những từ ngữ nặng nề hơn: “Đây là một vụ lừa đảo khổng lồ chưa hề có tiền lệ trong lịch sử ngành ôtô... Đang có một sự băng hoại nhất định về mặt đạo đức trong nội bộ Volkswagen”. Và những hệ lụy của bê bối nói dối kể trên đã ngay lập tức ập đến. Phiên giao dịch ngày 21/9, cổ phiếu Volkswagen giảm 22%, xuống còn 126,40 euro/1 cổ phiếu, ghi nhận phiên giảm mạnh nhất kể từ ngày 24/10/2008. Kể từ đầu năm đến nay cổ phiếu này đã giảm tới 32%. Tổng cộng 16 tỷ euro (tương đương 18 tỷ USD) vốn hóa đã “bốc hơi”. Hiện tổng giá trị vốn hóa của công ty có trụ sở ở Wolfsburg (Đức) chỉ còn 47,2 tỷ euro. Ngoài ra, VW đang đối mặt với nguy cơ bị phạt tới 18 tỷ USD tại Mỹ, cũng như phải bỏ chi phí ra để thu hồi những chiếc xe có sai phạm và ngừng bán tất cả xe chạy bằng diesel. Chưa kể đến việc, hiện nay có hàng loạt các quốc gia khác ngoài Mỹ gồm Úc, Hàn Quốc, Đức, Ấn Độ… cho biết họ sẽ tiến hành điều tra vụ việc này. Tượng đài Đức sụp đổ Tập đoàn Volkswagen từ trước tới nay được biết đến với các thương hiệu xe hạng sang bao gồm Audi, Bentley, Bugatti, Lamborghini, Porsche, SEAT, Škoda và Volkswagen. Ngoài ra còn có xe gắn máy với thương hiệu Ducati, xe thương mại với thương hiệu MAN, Scania và xe thương mại Volkswagen. Bản thân Volkswagen đóng vai trò khá quan trọng đối với nền kinh tế Đức. Đây là hãng xe lớn nhất của Đức, đồng thời là một trong những doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nhất ở nước này. Hãng có 270.000 công nhân viên riêng tại Đức, chưa kể một lượng công nhân lớn hơn làm việc cho các nhà cung cấp của hãng. Tuy nhiên, có vẻ như bê bối lần này sẽ sscó thể nhấn chìm thương hiệu Volkswagen mãi mãi. Theo Thomas Donaldson – một chuyên gia về kinh doanh tại trường Wharton thuộc đại học Pennsylvania thì: “Nếu Volkswagen muốn lấy lại danh tiếng đã mất, công ty này sẽ phải trải qua một quá trình hết sức khó khăn. Khi một công ty đã chính thức tuyên bố với công chúng rằng họ gian lận, sẽ rất khó để xây dựng lại được lòng tin từ phía người tiêu dùng". Theo ước tính, sai lầm lần này có thể thổi bay của công ty tới 7 tỷ USD bao gồm những chi phí cho kiện tụng, thu hồi xe... Giá cổ phiếu thì đương nhiên sụt giảm, tuy nhiên vấn đề nan giải nhất là doanh số bán hàng trong tương lai. Volkswagen mới chỉ vượt qua được Toyota trong vòng 1 năm qua để trở thành nhà sản xuất ô tô lớn nhất thế giới về doanh số bán hàng nhưng bê bối này rõ ràng đang gây tổn thất không nhỏ tới khách hàng của họ. “Tôi sẽ không bao giờ mua một chiếc xe Volkswagen nào nữa”, Tom Farmer – một người sống ở khu vực Seattle, Mỹ nói. Một người khác là anh Kevin Foster - một người đang dùng chiếc Beetle đời 2013 của Volkswagen nói với vẻ mặt thất vọng: “Tôi tin thảm hoạ Trái Đất đang nóng lên và sử dụng một chiếc xe của Volkswagen vì nghĩ mình đang góp một phần công sức để cải thiện việc này. Tuy nhiên, tất cả đều là giả dối” Theo Tri Thức Trẻ
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|