top-banner-2

Thứ ba, 02/06/2015, 15:45 GMT+7

Đề xuất cơ chế quản lý tài chính TC Thuế, TC hải quan

Viết bởi An An   
Thứ ba, 02/06/2015, 15:45 GMT+7

Bộ Tài chính đang dự thảo Quyết định về cơ chế quản lý tài chính và biên chế của Tổng cục Thuế, Tổng cục hải quan giai đoạn 2016 – 2020.

Tại dự thảo, Bộ Tài chính đề xuất, kinh phí đảm bảo hoạt động của Tổng cục Thuế (bao gồm chi thường xuyên và chi đầu tư phát triển, hiện đại hóa ngành) được ổn định là 1,8% trên dự toán thu ngân sách nhà nước được Quốc hội giao cho Tổng cục Thuế thực hiện, bố trí trong dự toán thu – chi ngân sách Trung ương hàng năm, được Nhà nước phân bổ và giao trong dự toán chi thường xuyên hàng năm của Bộ Tài chính.

Kinh phí đảm bảo hoạt động của Tổng cục Hải quan (bao gồm chi thường xuyên và chi đầu tư phát triển, hiện đại hóa ngành) được ổn định là 2,1% trên dự toán thu ngân sách nhà nước được Quốc hội giao cho Tổng cục Hải quan thực hiện, bố trí trong dự toán thu – chi ngân sách Trung ương hàng năm, được Nhà nước phân bổ và giao trong dự toán chi thường xuyên hàng năm của Bộ Tài chính.

Ngoài mức kinh phí được giao theo quy định trên, hàng năm Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan còn được sử dụng các nguồn kinh phí như: Kinh phí ngân sách nhà nước giao thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước, cấp Bộ; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức theo chương trình của Nhà nước; thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình, dự án khác của Chính phủ ngoài nhiệm vụ thường xuyên; thực hiện tinh giản biên chế theo chế độ do Nhà nước quy định; phí và lệ phí được phép để lại theo quy định của cơ quan có thẩm quyền, nguồn kinh phí hợp pháp khác được sử dụng theo quy định của pháp luật.

Dự thảo nêu rõ, tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan tự trang trải các khoản chi tăng thêm theo chính sách, chế độ mới do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành theo chủ trương và yêu cầu thay đổi chính sách hiện hành. Trường hợp do các yếu tố khách quan mà mức kinh phí được giao của Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan theo quy định tại khoản 1 Điều này không đủ để bảo đảm mức chi tối thiểu duy trì hoạt động của bộ máy thì Bộ trưởng Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, điều chỉnh cho phù hợp.

Tiêu chuẩn, mức chi, chế độ chi

Theo dự thảo, các nội dung chi của Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan thực hiện theo chế độ, tiêu chuẩn, mức chi đã được cơ quan có thẩm quyền ban hành. Bộ trưởng Bộ Tài chính phê duyệt, ban hành các khoản chi đặc thù trên cơ sở vận dụng các tiêu chuẩn, mức chi quy định hiện hành, phù hợp tình hình cụ thể và khả năng nguồn kinh phí.

Mức chi tiền lương, tiền công đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động bình quân toàn Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan áp dụng không vượt quá 1,8 lần và chi bổ sung thu nhập từ kinh phí tăng thu, tiết kiệm chi không vượt quá 0,2 lần so với mức lương đối với cán bộ, công chức, viên chức do Nhà nước quy định; tiền lương tăng thêm và bổ sung thu nhập không bao gồm phụ cấp công vụ, phụ cấp làm đêm, làm thêm giờ. Mức chi tiền lương, tiền công đối với cán bộ, công chức, viên chức của Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan được điều chỉnh phù hợp với lộ trình cải cách chính sách tiền lương của Nhà nước và chấm dứt khi thực hiện chế độ tiền lương mới.

Việc phân phối tiền lương, tiền công theo kết quả chất lượng hoàn thành công việc của từng cán bộ, công chức, viên chức và người lao động theo nguyên tắc công bằng hợp lý, gắn tiền lương với hiệu quả công việc, đồng thời phải được thể hiện trong Quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị.

Theo chinhphu.vn


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Đề xuất cơ chế quản lý tài chính TC Thuế, TC hải quan

 

kndn1

bhql2024

hoa-moc-thien-2

tieng-hat-viet-toan-cau-2

hoa-moc-thien

dai-lam-moc