top-banner-2

Thứ hai, 27/04/2015, 09:36 GMT+7

Xem xét bỏ thuế GTGT 5% với gạo tiêu dùng trong nước

Viết bởi An An   
Thứ hai, 27/04/2015, 09:36 GMT+7

Kết luận cuộc họp về tình hình xuất khẩu gạo trong thời gian vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu cơ quan chức năng rà soát các lối mở biên giới có đủ điều kiện để cho phép xuất khẩu gạo và xem xét bỏ thuế giá trị gia tăng 5% đối với gạo tiêu dùng trong nước.

Xem xét bỏ thuế GTGT 5% với gạo tiêu dùng trong nước

Văn phòng Chính phủ vừa ra thông báo Kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp về tình hình xuất khẩu gạo.

Thông báo nêu rõ, những tháng đầu năm 2015, tình hình xuất khẩu gạo gặp khó khăn, số lượng và giá trị xuất khẩu gạo giảm đáng kể so với cùng kỳ năm 2014.

Để đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu gạo, tiêu thụ tối đa lượng gạo hàng hóa trong dân, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), cơ quan liên quan tiếp tục rà soát, phân tích kỹ tình hình xuất khẩu gạo giảm tại từng thị trường trong những tháng đầu năm 2015; xác định rõ nguyên nhân, điểm yếu, hạn chế cần khắc phục; từ đó có những giải pháp cụ thể để giải quyết.

Bên cạnh đó, cần xác định hoạt động xúc tiến thương mại là nhiệm vụ trọng tâm, trong đó phát huy mạnh mẽ vai trò của VFA, các thương nhân xuất khẩu gạo, nhất là vai trò chủ đạo của Vinafood 1 và Vinafood 2; chú trọng các thị trường lớn, thị trường tập trung truyền thống (Trung Quốc, Philippines, Malaysia, Indonesia), khôi phục các thị trường Châu Phi, Hồng Kông và mở thêm các thị trường tiềm năng (Nga, Châu Mỹ La tinh...).

Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với VFA, các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo nắm chắc nhu cầu thị trường trong nước và nước ngoài về số lượng, chủng loại, yêu cầu chất lượng gạo để phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương chỉ đạo, tuyên truyền, hướng dẫn sản xuất cho phù hợp về quy mô, cơ cấu giống, quy trình canh tác, yêu cầu về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với UBND các tỉnh biên giới, cơ quan liên quan rà soát các lối mở biên giới có đủ điều kiện để cho phép xuất khẩu gạo qua biên giới theo quy định; trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ động theo dõi sát tình hình tiêu thụ và giá thóc gạo trên thị trường để xem xét, trình cấp có thẩm quyền biện pháp điều tiết thị trường gạo phù hợp,  kịp thời, theo đúng quy định pháp luật.

Bên cạnh đó, tổ chức thực hiện có hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trong đó đối với ngành lúa gạo phải căn cứ nhu cầu, yêu cầu của thị trường trong và ngoài nước để cơ cấu lại sản xuất lúa cho phù hợp, đẩy mạnh liên kết, đặt hàng với người nông dân; giảm diện tích sản xuất lúa hiệu quả thấp; có lộ trình và chính sách phù hợp để chuyển sang sản xuất những loại nông sản có hiệu quả kinh tế cao hơn.

Bộ Tài chính xem xét đề nghị về việc bỏ quy định áp thuế giá trị gia tăng 5% đối với gạo sản xuất, tiêu dùng trong nước để có giải pháp xử lý bảo đảm công bằng và khuyến khích sản xuất, tiêu dùng gạo sản xuất trong nước; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 5/2015.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng thương mại tạo điều kiện cho tiếp cận vốn, tín dụng với lãi suất ưu đãi để phục vụ sản xuất, kinh doanh lúa gạo.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu VFA, các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo, trong đó chủ lực là Vinafood 1 và Vinafood 2, chủ động tìm kiếm, ký kết các hợp đồng xuất khẩu, quản lý chặt chẽ chi phí để đẩy mạnh xuất khẩu gạo có hiệu quả.

Thị trường tiêu thụ nông sản, trong đó có gạo cũng là một trong những nội dung được các thành viên Chính phủ dành nhiều thời gian thảo luận tại phiên họp Chính phủ thường kỳ ngày 25/4.

Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng, thị trường cùng với hạn hán đang là 2 vấn đề khó khăn lớn nhất của nông nghiệp hiện nay. Bộ trưởng Cao Đức Phát mong muốn cùng với Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao cũng như các Bộ ngành chức năng tiếp tục phối hợp chặt chẽ, có những tác động cần thiết trong hoạt động mở rộng thị trường xuất khẩu đối với các sản phẩm chủ lực của Việt Nam như gạo, cà phê, cao su, hồ tiêu, trái cây,…

“Trước mắt phải tập trung vào các giải pháp về thị trường và tiêu thụ, về lâu dài, phải tính toán chuyển đổi cơ cấu sản xuất” - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu và tthúc giục Bộ NNPTNT tập trung và đẩy mạnh Đề án tái cơ cấu nông nghiệp.

Theo Chinhphu.vn


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Xem xét bỏ thuế GTGT 5% với gạo tiêu dùng trong nước

 

kndn1

bhql2024

hoa-moc-thien-2

tieng-hat-viet-toan-cau-2

hoa-moc-thien

dai-lam-moc