top-banner-2

Thứ tư, 15/04/2015, 09:32 GMT+7

Giữ thương hiệu Việt khi cổ phần hóa, đổi mới DN Nhà nước

Viết bởi Kim Cúc   
Thứ tư, 15/04/2015, 09:32 GMT+7

Sau khi cổ phần hóa, sắp xếp lại và đổi mới doanh nghiệp nhà nước, những thương hiệu lớn của Việt Nam như Saigontourist, Vissan… sẽ ra sao?

Chính phủ đang quyết tâm đẩy mạnh tiến trình cổ phần hóa và làm việc với các tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước (DNNN) trên địa bàn TP.HCM để rà soát, sắp xếp lại các doanh nghiệp kinh doanh kém hiệu quả, thua lỗ. Vấn đề giữ thương hiệu Việt là mối quan tâm lớn trong tiến trình này.

Từ chuyện của Saigontourist

Theo đề án tái cơ cấu Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist) được UBND TP.HCM phê duyệt, doanh nghiệp này sẽ tập trung phát triển ngành lưu trú, ăn uống, lữ hành và vui chơi giải trí thuộc lĩnh vực kinh doanh chính. Phải nói thêm, Saigontourist là doanh nghiệp nhà nước hiếm hoi đứng đầu một ngành có độ mở và tính cạnh tranh cao (du lịch lữ hành), với mức tăng trưởng lợi nhuận luôn đạt từ 12-15%/năm. Tổng công ty đang sở hữu và quản lý hàng loạt khách sạn, nhà hàng nổi tiếng tại TP.HCM và các địa phương như: Continental, Majestic, New World, Rex, Kim Đô, chuỗi khách sạn 4-5 sao mang tên Sài Gòn - Đà Lạt, Côn Đảo, Phú Quốc, Quy Nhơn, Nha Trang, Ninh Chữ, Kim Liên… Mỗi năm, Saigontourist đón khoảng 10% tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam và khoảng 20% lượng khách quốc tế tại TP.HCM. Tổng doanh thu của doanh nghiệp này chiếm khoảng 8% tổng doanh thu ngành du lịch cả nước và số lượng phòng lưu trú đạt chuẩn quốc tế của Saigontourist chiếm 11% của cả nước.

TS. Trần Du Lịch, Phó trưởng đoàn Đại biểu quốc hội TP.HCM nhận xét rằng, hiếm có doanh nghiệp du lịch nào có nguồn nhân lực mạnh như Saigontourist, có thể chuyển giao công nghệ ở khắp nơi. Vì lẽ đó, chuyện xác định giá trị thương hiệu của Saigontourrist khi cổ phần hóa rất quan trọng, cần phải định giá đầy đủ với tư cách một thương hiệu Việt dẫn đầu ngành du lịch.

“Với cách chúng ta đang làm, tôi thấy có vẻ chưa ổn. Không thể định giá theo kiểu sổ sách là đếm tài sản! Ngay cả việc sau cổ phần hóa, Nhà nước nắm giữ 49% hay 51% cũng cần phải xác định lại. Cổ phần hóa xong, niêm yết trên thị trường chứng khoán rồi cuối cùng Nhà nước còn nắm giữ bao nhiêu”, ông Trần Du Lịch băn khoăn.

Theo ông, Saigontourist “rất khác” nhiều DNNN khác. Đây là thương hiệu Việt có khả năng cạnh tranh, có thể xây dựng thành biểu tượng đại diện cho du lịch Việt Nam mang tầm quốc gia (không phải lĩnh vực nào cũng có doanh nghiệp Việt dẫn đầu có khả năng cạnh tranh). Không phải ngẫu nhiên vị đại biểu quốc hội lại đặt vấn đề này với Saigontourist, bởi quá trình định giá lại tài sản theo kiểu “đếm tài sản theo giá trị sổ sách” thông thường sẽ gây “thiệt thòi”, thậm chí gây thất thoát tài sản Nhà nước. Chẳng hạn, chỉ riêng khách sạn Continental hơn 100 năm tuổi, gắn với lịch sử TP.HCM thì không thể chỉ định giá như cách thông thường. Một Phó tổng giám đốc của Saigontourist thừa nhận, khó khăn nhất là quá trình xác định giá trị tài sản, nhất là thương hiệu của tổng công ty nên Saigontourist đã xin UBND TP.HCM cho thành lập ban chỉ đạo cổ phần hóa công ty mẹ trong năm nay (dù theo kế hoạch Tổng công ty mẹ và Công ty du lịch Saigontourist sẽ cổ phần hóa sau năm 2015).

Phải giữ thương hiệu Việt!

Tính đến cuối năm 2014, TP.HCM có tổng cộng 107 doanh nghiệp nhà nước (trong đó 15 doanh nghiệp đang thực hiện giải thể, sáp nhập, phá sản hoặc bán theo tiến độ). Sở Tài chính TP.HCM tổng hợp số liệu từ 92 doanh nghiệp về tình hình sản xuất kinh doanh năm 2014 cho thấy, tổng doanh thu hơn 73.000 tỷ đồng, giảm 15,63% so với năm trước. Tổng lợi nhuận 8.385 tỷ đồng, tăng 3,47% so với năm trước. Nộp ngân sách Nhà nước 9.936 tỷ đồng, giảm 6,04% so với năm 2013. Dù tiến độ cổ phần hóa các DNNN trên địa bàn TP.HCM trong năm qua theo đúng kế hoạch, nhưng tiến độ sắp xếp doanh nghiệp hoạt động kém hiệu quả, có tồn tại về tài chính còn chậm.

Theo kế hoạch của TP.HCM, năm nay sẽ tiến hành cổ phần hóa 21 DNNN sau khi hoàn thành 11 đơn vị trong năm ngoái. Cổ phần hóa là việc phải làm, thậm chí phải làm quyết liệt khi ngay từ đầu năm các tổng công ty phải ký cam kết đảm bảo tiến độ. Nhưng điều Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân nhấn mạnh và gửi gắm đến các doanh nghiệp là câu chuyện giữ thương hiệu. Người đứng đầu thành phố kể, ông vừa tiếp đại diện của Tập đoàn Lotte – doanh nghiệp đã mua lại 50% vốn của Diamond Plaza từ Tập đoàn Posco, sau khi đã mua Khách sạn Legend. Những thương hiệu lớn như Vissan cũng đang có rất nhiều nhà đầu tư dòm ngó. Ban đầu là vài phần trăm cổ phần, nhưng họ có thể mua dần và đến lúc tỷ lệ nắm giữ cổ phần đủ lớn, liệu thương hiệu Vissan có còn không? Trong khi bài học xương máu của Bibica vẫn còn đó.

Ông Lê Tùng, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) - công ty mẹ của Vissan - thừa nhận, đang có rất nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm, ngỏ ý muốn mua cổ phần của Vissan (sẽ tiến hành cổ phần hóa trong năm nay). Dù vậy, Satra rất cân nhắc bởi ý thức được việc phải giữ thương hiệu. Dù nhà đầu tư nào trở thành cổ đông chiến lược, yêu cầu đầu tiên là phải giữ nguyên thương hiệu Vissan.

“Cổ phần hóa không phải là “làm cho có”, bán được bao nhiêu để xong mà phải đặt ra bài toán lớn cho doanh nghiệp trong nước ở giai đoạn hiện nay và sắp tới. Nếu tính toán và cân nhắc kỹ thì DNNN sau cổ phần hóa sẽ còn gì? Chúng ta mới đang loay hoay sắp xếp, còn vai trò chủ sở hữu của DNNN thành phố trong kế hoạch 5 năm tới và xa hơn nữa cũng phải được tính tới”, ông Lê Quốc Quân nhấn mạnh.

Theo VCCI

 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Giữ thương hiệu Việt khi cổ phần hóa, đổi mới DN Nhà nước

 

kndn1

bhql2024

hoa-moc-thien-2

tieng-hat-viet-toan-cau-2

hoa-moc-thien

dai-lam-moc